Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Đây là chuyến thăm chính thức Niu Di-lân đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kể từ khi nhậm chức, và trong bối cảnh Niu Di-lân có nhu cầu tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam, thể hiện chính sách coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực; thông qua cầu nối Việt Nam để tăng cường quan hệ với ASEAN.
Việt Nam và Niu Di-lân thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/6/1975. Tháng 11/1995, Đại sứ quán Niu Di-lân tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh được thiết lập. Tháng 5/2003, Việt Nam lập Đại sứ quán tại Niu Di-lân.
Những năm gần đây quan hệ Việt Nam – Niu Di-lân phát triển nhanh, mạnh. Hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao. Niu Di-lân coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam và Niu Di-lân thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Niu Di-lân của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (9/2009); Hai bên đã ký Chương trình hành động giai đoạn 2013-2016 triển khai quan hệ Đối tác toàn diện (2013), ra Tuyên bố chung nhất trí tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện hướng tới Đối tác chiến lược (3/2015). Trong chuyến thăm chính thức Niu Di-lân của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (12/2016), hai bên tiếp tục khẳng định tinh thần hướng tới Đối tác Chiến lược, hai bên đã hoàn tất việc soạn thảo và ký Chương trình Hành động giai đoạn 2017-2020 bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
Cùng với đó, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 tới 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm). Năm 2014 đạt hơn 800 triệu USD, năm 2015 đạt hơn 700 triệu USD và năm 2016 đạt xấp xỉ 707 triệu USD. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 900 triệu USD. Niu Di-lân là đối tác thương mại lớn thứ 31 của Việt Nam, Việt Nam là đối tác lớn thứ 17 của Niu Di-lân.
Tính đến nay, Niu Di-lân có 28 dự án còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 101,94 triệu USD, đứng thứ 41/120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Niu Di-lân, chiếm 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Niu Di-lân. Trong đó, Việt Nam là nhà xuất khẩu đứng thứ 16 vào thị trường Niu Di-lân, tăng 3 bậc so với năm 2015 và là nhà nhập khẩu đứng 19 của Niu Di-lân. Hiện Việt Nam có 06 dự án liên doanh đầu tư tại Niu Di-lân với tổng vốn đăng ký là 25,62 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo; khách sạn và ăn uống; nông lâm nghiệp và thủy sản…
Niu Di-lân dành cho Việt Nam vốn ODA ổn định và tăng dần theo từng năm, tập trung vào các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, phát triển nông nghiệp-nông thôn bền vững. Niu Di-lân cam kết trong giai đoạn từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2018 sẽ cung cấp cho Việt Nam 26,66 triệu NZ$ (tương đương 18,6 triệu USD).
Về an ninh, quốc phòng, hai bên duy trì trao đổi đoàn, hợp tác chia sẻ thông tin trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác Quốc phòng (2013), Thỏa thuận giữa Cảnh sát Niu Di-lân và Bộ Công an về hợp tác Phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (2010) và tổ chức họp Nhóm Công tác hỗn hợp song phương 2 năm/lần nhằm đánh giá kết quả thực hiện. Niu Di-lân hỗ trợ Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn về chống khủng bố, kỹ thuật hình sự và điều tra, phòng chống tội phạm rửa tiền, tội phạm công nghệ cao, y tế cứu thương chiến thuật. Hai bên hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Interpol cũng như Tuyên bố chung ASEAN - Niu Di-lân năm 2005 về hợp tác chống khủng bố quốc tế. Hai bên tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ đào tạo, nhất là tiếng Anh chuyên ngành Gìn giữ hoà bình, duy trì các chuyến thăm của tàu hải quân và cơ chế Đối thoại Quốc phòng song phương.
Hiện có gần 3000 sinh viên Việt Nam đang học tại Niu Di-lân (đứng thứ 9 trong các quốc gia có sinh viên); và mỗi năm khoảng 20 cán bộ các Bộ-ngành Việt Nam thụ hưởng học bổng ELTO, ELTSO, và ASEAN do Chính phủ Niu Di-lân đài thọ. Hai nước đã ký Thỏa thuận Hợp tác về Giáo dục Đào tạo giai đoạn 2012-2015 (ký tháng 4/2012) và Thỏa thuận mới cho giai đoạn 2015-2018 (ký tháng 8/2015), Kế hoạch hợp tác chiến lược về giáo dục 2015-2017 (ký tháng 11/2015). Niu Di-lân tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam theo học các chuyên ngành khác nhau tại các trường Đại học của Niu Di-lân, duy trì Chương trình đào tạo tiếng Anh cho cán bộ, quan chức cao cấp Việt Nam. Ngoài ra, Bạn cũng giúp ta tổ chức các khóa đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng phục vụ Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
Việt Nam và Niu Di-lân đều là thành viên của các tổ chức, diễn đàn khu vực, quốc tế quan trọng: Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEM và một số cơ chế hợp tác của ASEAN; ủng hộ, phối hợp chặt chẽ trong đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Niu Di-lân nhiệm kỳ 2015-2016, Việt Nam nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021). Niu Di-lân ủng hộ Việt Nam vào Ủy ban Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) 2016-2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO 2015-2019, ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017.
Chuyến thăm chính thức Niu Di-lân của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu; khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn không ngừng tăng cường quan hệ song phương với Niu Di-lân. Chúng ta tin tưởng, chuyến thăm chính thức Niu Di-lân của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thành công tốt đẹp, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trên mọi lĩnh vực quan trọng, hướng tới thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Niu Di-lân./.