Sáng 4/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV làm việc tại hội trường, thảo luận về Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Cần ngăn chặn trục lợi, tham nhũng trong xây dựng NTM
Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến cho rằng Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sau 5 năm thực hiện góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trên cả nước, tạo nên những bước đột phá, có sự khác biệt rõ rệt về hệ thống kết cấu hạ tầng tại các xã; cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đã góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Tuy nhiên, mở đầu phần thảo luận, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng chỉ ra, về việc đầu tư cho xây dựng NTM hiện nay có một số tiêu chí rất lãng phí như xã nào cũng xây chợ, trung tâm bưu điện, trong khi lại thiếu trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa, nhất là nhà văn hóa thôn, bản đang rất cần hay thư viện cho các em học sinh nông thôn.
ĐB Phương cũng nêu một thực trạng “nhức nhối” nữa trong xây dựng NTM, đó là nhiều xã chạy theo thành tích huy động quá sức dân, thậm chí huy động cả người già, gia đình chính sách. Từ đó dẫn đến vấn đề nợ trong NTM cao, hiện có tới 53/63 tỉnh, thành đang nợ đọng xây dựng NTM. Thậm chí, có một số cán bộ thôn bản còn lợi dụng chương trình này để tham ô, tha hóa, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận). (Ảnh: TH)
Phân tích báo cáo xây dựng NTM đến hết năm 2015, số xã đạt tiêu chí NTM là 17,1%, tuy nhiên chỉ sau 9 tháng (tháng 10/2016) con số này đã tăng lên một cách bất thường là 23%, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi: “Liệu có việc chạy theo thành tích ở đây không?”.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương phản ánh: Thực tế việc đánh giá xuê xoa, nợ tiêu chí đã được các đại biểu nhắc rất nhiều, nợ không biết bao giờ mới trả được? Nhiều địa phương chủ yếu chỉ chú trọng tiêu chí NTM liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng đúng mức đến các tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao mức sống, thu nhập của bà con nông dân, việc xây dựng đời sống văn hóa bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.
Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, nguyên nhân của bất cập, tồn tại được nhận diện như sau: Chạy theo thành tích trước sức ép chạy theo tiêu chí, nhiều địa phương đã tìm mọi lực để huy động chương trình dẫn đến các khoản nợ không có khả năng thanh toán. Số liệu thống kê nhiều tỉnh “sa lầy” trong nợ đọng xây dựng NTM, chủ yếu tập trung công trình trụ sở làm việc, nhà văn hóa. Hay các dấu hiệu không minh bạch trong xây dựng NTM, cụ thể xé lẻ các gói thầu; lãng phí trong xây dựng các công trình…
“Cần ngăn chặn trục lợi, tham nhũng trong xây dựng NTM”, ĐB kiến nghị.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng bộ tiêu chí trong xây dựng NTM hiện nay vẫn còn một số điểm chưa phù hợp, việc tổ chức triển khai xây dựng NTM còn thiếu kiểm tra, uốn nắn trong việc chấp hành các chủ trương. Từ đó, xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản khá nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do thành tích, nóng vội, chấp hành không nghiêm quy định.
“Tôi cho rằng nếu không xử lý nghiêm sẽ tạo ra tiền lệ không tốt”, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé nói.
Song song với xây dựng NTM, theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé, tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua còn luẩn quẩn, chưa tìm được lối ra. Sự gắn kết giữa xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp vẫn chưa được chú trọng, đặc biệt chỉ quan tâm đến xây dựng hạ tầng cơ sở mà không tập trung mô hình sản xuất chất lượng gắn với giải quyết đầu ra còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tiêu chí nâng cao chất lượng thu nhập cho người dân nông thôn còn thấp.
“Tôi đề nghị Chính phủ phải có chỉ đạo sửa đổi sâu sắc hơn bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 theo hướng phù hợp với vùng miền. Cần có chính sách đặc thù trong phân bổ đầu tư công, đối với các vùng thiên tai, hạn hán, khó khăn, đồng bào dân tộc. Chính phủ cũng cần mạnh dạn kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc chấp hành chưa nghiêm, chạy theo thành tích nóng vội để xảy ra nợ đọng cơ bản, đặc biệt là đối với Dự án, công trình gây lãng phí, ảnh hưởng đế ý nghĩa tốt đẹp của chương trình xây dựng NTM”, ĐB đề nghị.
Lấy doanh nghiệp làm chủ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp
Nhấn mạnh thách thức to lớn với địa phương nghèo, trình độ phát triển thấp, điều kiện khó khăn, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đặt vấn đề: Những tỉnh vùng sâu, vùng xa, trình độ phát triển còn hạn chế như: Gia Lai, Sơn La, Bình Phước, Trà Vinh… sẽ dựa vào nguồn tài chính nào và lực lượng chủ thể nào đủ mạnh để chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang dựa vào lực lượng nông dân nghèo, manh mún, trình độ khai thác còn lạc hậu để vượt lên đáp ứng yêu cầu rất cao, cạnh tranh của thị trường quốc tế. Câu hỏi này còn để lại khoảng trống trong Đề án tái cơ cấu.
Trên cơ sở đó, ĐB Nguyễn Tuấn Anh cho rằng Chính phủ phải tích cực hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các địa phương chưa phát triển, còn nhiều khó khăn, xây dựng Đề án tái cơ cấu phù hợp với hoàn cảnh riêng, bên cạnh đó các địa phương cần tích cực tối đa tận dụng trí tuệ các chuyên gia để chủ động xây dựng Đề án tái cơ cấu của địa phương mình.
Đồng thời, cần có những thay đổi mạnh mẽ trong thực hiện xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, điều tra thống kê đầy đủ, công bố tình trạng nợ của các xã, số hộ nông dân bị huy động quá sức lâm vào tình trạng phá sản; đánh giá chi tiêu ngân sách cho chương trình này và mức độ tác động của nó đối với ngân sách chung.
ĐB Nguyễn Anh Tuấn cho rằng trong giai đoạn tới, lực lượng chủ thể mới trong nông nghiệp chính là doanh nghiệp liên kết với nông dân với sự hỗ trợ khuyến khích của Nhà nước, nhà khoa học. “Không có doanh nghiệp dẫn dắt không có sự phát triển nông nghiệp theo hướng kinh doanh thị trường mới, hướng tới sản phẩm chất lượng cao, phát huy lợi thế đặc sản, nông nghiệp sẽ không thể phát triển, nông thôn sẽ không thể khang trang, người nông dân không trở lên giàu có thì không có ý nghĩa gì".
ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) nêu quan điểm, tái cơ cấu nông nghiệp cần lấy doanh nghiệp làm chủ lực, người dân không tự làm được một mình, Nhà nước là bà đỡ, chỉ có 1 lực lượng làm được là doanh nghiệp. Cần đề ra cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tránh tình trạng “thua ngay trên sân nhà”.../.