Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.
Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Nhiều đại biểu nhất trí đầu tư dự án vì cho rằng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và đặc biệt là kết nối 04 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Cho ý kiến về dự án, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) và nhiều đại biểu khác đồng tình cho rằng, theo báo cáo dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có 8/11 dự án thành phần triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong điều kiện Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa tiến hành giám sát và chỉ ra nhiều sai phạm trong hình thức hợp đồng này, Nghị quyết giám sát mới ban hành nên chưa thể hoàn thiện ngay cơ chế chính sách. Vì vậy đề nghị Chính phủ trình Quốc hội biện pháp khắc phục những sai sót mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ ra.
Các biện pháp đó cần phải đảm bảo rõ các tiêu chí để lựa chọn dự án BOT; tiêu chí đánh giá năng lực và lựa chọn nhà đầu tư; quy định BOT chỉ áp dụng với những tuyến đường mới nhằm đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân; đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu; quy định việc tham vấn để lấy ý kiến của người dân; quy định vị trí đặt trạm và công nghệ thu phí.
Về quy mô đầu tư, nhiều ý kiến đại biểu đồng ý với đề xuất của Chính phủ theo phương án đầu tư giai đoạn phân kỳ có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 17 - 25 m, riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường là 12m nhưng yêu cầu phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí an toàn, hiện đại, đồng bộ, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải trong ít nhất 20 năm tới, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế thì phương án này có tính khả thi hơn.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị dự án cần thực hiện theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 24,75 m và 6 làn xe với bề rộng nền đường là 32,25 m theo mô hình đường cao tốc hoàn chỉnh có làn dừng xe khẩn cấp.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần phải giải phóng mặt bằng theo quy mô từ 8 đến 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai. Cụ thể, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị quy mô đầu tư phải tính đến hiệu quả, tầm nhìn dài hạn, tránh tình trạng đầu tư ra mà số lượng xe lưu thông ít hoặc không sử dụng hết công suất; hoặc đầu tư để hiệu quả ngay nhưng lại sớm quá tải. Đồng thời, khi thực hiện chủ trương này, Chính phủ phải quan tâm đến việc giải phóng mặt bằng với quy mô một lần, hạn chế việc phải đền bù trong thời gian tiếp theo, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng bộ ở các địa phương để khâu giải phóng mặt bằng diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, phù hợp với thực tế.
Giải trình ý kiến các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, về quy mô đầu tư, do kinh phí có hạn nên ưu tiên những đoạn đường thực sự rất cấp thiết, có lưu lượng xe cao, nếu không xây dựng thì trong vài năm nữa sẽ ách tắc nghiêm trọng.
Ngoài ra, với 8 dự án BOT đã được Bộ Giao thông Vận tải rút kinh nghiệm bằng cách đấu thầu toàn bộ các dự án BOT, nếu đấu thầu lần một không được thì sẽ tiến hành đấu thầu lần 2, lần 3 để đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh, minh bạch trong việc thực hiện dự án BOT./.