Khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Thứ tư, 08/11/2023 21:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản sau hơn 05 năm thi hành Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 8/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Qua thảo luận, đa số đại biểu đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản sau hơn 05 năm thi hành Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 8/11. Ảnh: ĐT

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, về cơ bản, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị, cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định của một số luật hiện hành liên quan cũng như các dự án Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung.

Đồng tình với dự thảo Luật quy định về tài sản đấu giá là cần thiết và phù hợp với các pháp luật chuyên ngành nhằm bảo đảm sự rõ ràng, tránh khoảng trống về mặt pháp lý, song Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần có “điểm quét” trong các quy định của luật, vì nếu không, khi phát sinh các trường hợp khác nằm ngoài các trường hợp đã liệt kê, cũng chưa từng được pháp luật quy định thì có thể sẽ dẫn đến lỗ hổng, không bảo đảm khả thi khi thực hiện.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc cũng đề nghị, cần nghiên cứu, rà soát kỹ quy định về việc người có tài sản đấu giá, xem xét người tham gia đấu giá. Bởi, với cá nhân riêng lẻ có tài sản đấu giá thì rất khó thực hiện quy định này, mà tổ chức thực hiện đấu giá phải thực hiện xem xét, sàng lọc đối với người tham gia đấu giá, bảo đảm có thể thực hiện được nghĩa vụ sau đấu giá.

Ngoài ra, về niêm yết tài sản đấu giá, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, hiện đang có sự bất cập khi triển khai thi hành luật, người có tài sản và tổ chức đấu giá có vướng mắc về niêm yết tài sản, nhất là về bất động sản. Do đó, đề nghị cần sửa đổi quy định đối với tài sản bất động sản, theo đó, tổ chức hành nghề đấu giá phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại chính bất động sản đấu giá.

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Dương Ngọc Hải (Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh) bày tỏ băn khoăn cơ quan, tổ chức cá nhân tham giải đấu giá tài sản thì năng lực như thế nào, đặc biệt đối với những tài sản có giá trị lớn. Về bước giá, đại biểu băn khoăn chêch lệch giữa giá khởi điểm và giá bỏ lần đầu, hoặc từ giá bỏ lần đầu đến giá bỏ lần hai và các giá tiếp theo, đề nghị cần phải quy định rõ ràng, mức chênh lệch tối thiểu, tối đa, bỏ đến mức giá nào là vừa.

Đại biểu Dương Ngọc Hải (Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh) phát biểu tại tổ chiều 8/11. Ảnh: ĐT

“Trong thực tiễn hiện nay, có những doanh nghiệp hứng lên thì bỏ giá thoải mái, vượt xa giá trị của tài sản đấu giá, vượt xa khả năng tài chính của họ để mua được vì mục đích của họ không hẳn là mua được tài sản đấu giá mà là mục đích khác như thao túng hình thành mặt bằng giá mới hoặc phô trương thanh thế…”, đại biểu nêu dẫn chứng.

Về quy định tiền trước đặt cọc, đại biểu Dương Ngọc Hải đề nghị cần quy định sao cho ràng buộc được người tham gia đấu giá để họ thấy nếu vi phạm pháp luật thì có thể sẽ mất tiền cọc.

Về các hành vi cấm, đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng, quy định nghiêm cấm “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi” rất khó thực hiện, rất khó chứng minh vi phạm, do đó nên cân nhắc quy định về hành vi này. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, yêu cầu người có tài sản đấu giá phải xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá là chưa phù hợp, nhất là đối với trường hợp người có tài sản đấu giá là cá nhân hoặc trường hợp có số lượng lớn người tham gia đấu giá đối với cùng một tài sản đấu giá là không khả thi, nên để cho các cơ quan tổ chức đấu giá thực hiện nội dung này.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho rằng, các quy định trong dự thảo có đề cập đến Cổng dịch vụ đấu giá tài sản quốc gia, nội dung này cần cân nhắc kỹ. Trong dự thảo cũ, việc công bố các thông tin, nội dung liên quan đến đấu giá tài sản được thực hiện trên Cổng Thông tin điện tử của các Sở Tư pháp. Việc xây dựng Cổng Thông tin đấu giá quốc gia cần được đánh giá kỹ, bởi đấu giá tài sản liên quan đến nhiều cơ sở dữ liệu khác như cơ sở dữ liệu về công chứng, đất đai, đăng ký tài sản. Đại biểu đề nghị cần sửa đổi dự thảo luật để có những quy định cụ thể hơn, đảm bảo việc xây dựng cơ sở dữ liệu không bị ảnh hưởng hay bị lãng phí.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh) thì lo ngại đây là Luật hình thức nên áp dụng khó, khả năng tương thích với quy định pháp luật khác là vấn đề cần được rà soát, đồng bộ. Do đó, đại biểu cho rằng cần điều chỉnh các nội dung về đấu giá đang được quy định tại các luật nội dung khác.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực