Có 118 chương trình, chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng DTTS&MN
(Ảnh minh họa: Kim Thanh)
Con số 118 chương trình, chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng DTTS&MN, trong đó có 54 chính sách trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số được Chính phủ đưa ra báo cáo tại phiên họp 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chưa kể đến, ngoài những chính sách tác động trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS, MN), hiện nay còn 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến vùng DTTS, MN.
Thêm vào đó, đã có 40 tỉnh, thành phố ban hành chính sách riêng của địa phương để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo đời sống của đồng bào DTTS.
Dẫn những số liệu trên để thấy được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt với chính sách dân tộc, hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS, MN. Thực tế, việc thực hiện các chính sách đã cải thiện đáng kể về hạ tầng, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân; bộ mặt miền núi có nhiều đổi mới.
Có điều, phân tích những con số thống kê trên, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá, trong số 15 chính sách dân tộc thì chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực xã hội như: Giáo dục, văn hóa, thông tin; còn thiếu vắng và chưa làm đậm nét nội dung các chính sách cho vùng dân tộc, miền núi liên quan đến vấn đề kinh tế, lao động, việc làm, phát triển hạ tầng, giải quyết đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS. Trong khi đó, đây là những chính sách căn bản để giải quyết vấn đề nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc.
Cơ quan này cũng nhận xét, việc ban hành các chính sách còn mang tính ngắn hạn, tư duy nhiệm kỳ, thiếu tính chiến lược, có chính sách vừa ban hành đã hết thời hạn thực hiện. Chính sách manh mún, vừa thừa, vừa thiếu, chồng chéo về nội dung, trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng. Minh chứng là có tới 12/54 chính sách trực tiếp cho đồng bào DTTS, vùng DTTS liên quan đến lĩnh vực giáo dục; 19/118 chính sách liên quan đến giáo dục đồng bào DTTS; 10/54 chính sách liên quan đến công tác cán bộ; 9/118 chính sách thuộc lĩnh vực Lâm nghiệp liên quan đến đồng bào DTTS...
Chưa kể đến, trên cùng địa bàn, cùng đối tượng nhưng mức hỗ trợ một số chính sách khác nhau gây khó khăn trong thực hiện và đánh giá hiệu quả. Các chính sách thường hỗ trợ, cho không, giải quyết tình thế, chưa tập trung đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh vùng, chưa có chính sách khuyến khích đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững. Cơ quan này chỉ ra có 14/54 chính sách trực tiếp cho đồng bào DTTS mang tính chất hỗ trợ.
Không chỉ vậy, tìm hiểu kỹ hơn, Hội đồng Dân tộc cho rằng, con số thống kê 118 chính sách dân tộc là chưa chính xác do chưa thống nhất khái niệm, chưa làm rõ phạm vi, đối tượng tác động của chính sách. Kết quả phân tích cho thấy, trong số 54 chính sách dân tộc trực tiếp đang có hiệu lực, chỉ có 16 chính sách quy định cho vùng DTTS, vùng miền núi, vùng ĐBKK; 18 chính sách quy định cho người DTTS, người công tác tại vùng DTTS, ĐBKK; 9 chính sách quy định trực tiếp cho người DTTS; còn 11 chính sách chung cho mọi đối tượng trong cả nước. Còn 64 chính sách chung là áp dụng cho toàn quốc, hoặc phạm vi vùng, rất nhiều chính sách không liên quan trực tiếp đến đối tượng DTTS.
Xuất phát từ việc không xác định, tách bạch được phạm vi, đối tượng nên Chính phủ không báo cáo được nguồn lực ngân sách đã đầu tư cho vùng DTTS, MN. Chính phủ, các bộ, ngành đều đưa số liệu vốn đầu tư chung cho 51 địa phương là đầu tư cho vùng DTTS, MN. Từ đó, vùng DTTS, MN nhận được sự đầu tư rất lớn và tăng dần lên hằng năm, nhưng thực chất, người DTTS không được thụ hưởng như con số báo cáo nêu. Đơn cử, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư công kế hoạch 2018 của 52 địa phương vùng DTTS, MN là 258.543 tỷ đồng, chiếm 85,1% vốn đầu tư toàn khối địa phương và chiếm 67,8% so với tổng dự toán đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2018. Nhưng thực tế, người DTTS chỉ có 13.273.411/75.914.200 người, chỉ chiếm 17,48% dân số 52 tỉnh.
Rõ ràng, thực tế trên đòi hỏi Chính phủ cần rà soát, làm rõ về số lượng chính sách dân tộc hiện nay trên cơ sở tiêu chí thống nhất về đối tượng, phạm vi; lược bỏ sự trùng lắp, không đồng nhất số lượng văn bản với số lượng chính sách; lược bỏ văn bản chính sách đã hết hiệu lực.
Việc phải có đơn vị làm đầu mối để thống nhất quản lý toàn bộ nguồn lực, chính sách của nhà nước đối với vùng DTTS, MN cũng là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Hơn nữa, Chính phủ cũng cần đánh giá, làm rõ công tác phối hợp giữa các bộ, ngành khi đề xuất, ban hành chính sách, dẫn đến tình trạng có quá nhiều chính sách, do nhiều bộ, ngành quản lý như hiện nay. Trong khi đó việc theo dõi, quản lý chính sách ở các bộ, ngành chưa thực sự tốt. Nhiều bộ, ngành không thực hiện được báo cáo đầy đủ, không có đánh giá chính sách, không nắm được tình hình thực hiện ngân sách.
Một vấn đề nữa cần thực hiện là việc nghiên cứu, tích hợp, lồng ghép, thu gọn đầu mối văn bản chính sách theo hướng, tập trung nguồn lực cho chính sách cơ bản, tăng khả năng tiếp cận chính sách của người DTTS.
Nếu tích hợp được các chương trình đầu tư cho dân tộc miền núi, có ban điều hành, theo dõi, đôn đốc thực hiện tổng thể thì chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều.
Phải khẳng định rằng, những vấn đề trên đã được Chính phủ đánh giá tương đối thẳng thắn về tồn tại, hạn chế ngay trong báo cáo. Thẳng thắn nhìn vào yếu kém trên để thấy rằng, vẫn còn rất nhiều việc mà chúng ta phải trăn trở, tìm cách giải quyết, tháo gỡ cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi./.