Ngày 27/5, Quốc hội dành trọn 1 để nghe báo cáo giám sát và thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Tránh tình trạng đầu cơ, thổi giá đất
Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), hiện nay, giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách rất bất cập, không sát với thị trường làm thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách.
Thừa nhận đúng là khó khăn trong việc xác định khung giá đất của Chính phủ và việc xác định Bảng giá đất, giá đất cụ thể của các địa phương, tuy nhiên ĐB Hoàng Quang Hàm đề nghị, Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất kịp thời, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường. Đồng thời, cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất và các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định Bảng giá đất, giá đất cụ thể phù hợp thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách.
ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ)phát biểu tại Hội trường Quốc hội. Ảnh: TH.
Đồng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) chỉ ra việc xác định giá đất còn vướng mắc, không sát với giá thị trường, gây thất thoát ngân sách.
"Ở nhiều địa phương giá đất do chính quyền địa phương đưa ra không sát với giá thị trường mà cũng không có cơ quan thẩm định, người dân thì không được biết", ĐB phản ánh.
Nhấn mạnh giá đất đang là vấn đề nóng, nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện chủ yếu thời gian qua, ĐB Hoà đề nghị thời gian tới Chính phủ cũng cần quản lý chặt để tránh tình trạng đầu cơ, lợi dụng quy hoạch để thổi giá bất động sản.
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cũng chỉ ra, hiện nay, chưa có giải pháp cụ thể để xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất thị trường và giám sát việc định giá đất cũng là những yếu tố gây khó khăn cho việc xác định giá đất cụ thể.
Điều chỉnh quy hoạch nhiều lần: Ai được lợi?
Theo báo cáo giám sát chưa đầy đủ của các địa phương, cả nước có 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1 - 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng làm gia tăng chênh lệch địa tô, tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số và thường xảy ra tại các tỉnh, thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao.
Theo ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) con số cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần là điều đáng suy nghĩ và đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải v.v... ngày càng tăng.
“Suy cho cùng, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất cũng là làm nát quy hoạch, nát vốn, đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí, thất thu ngân sách giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy bức xúc khác”, ĐB thẳng thắn nói.
Trên cơ sở đó, ĐB đề nghị Chính phủ thắt chặt kỷ cương, quản lí trong quy hoạch đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng căn bệnh trên.
Đề cập đến các dự án “treo” mà theo ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An) thực tế con số còn lớn hơn như báo cáo của đoàn giám sát nêu, gây bức xúc rất lớn cho người dân, ĐB Đỉnh đề nghị cần có chế tài xử lý, quy định rõ trách nhiệm bồi thường đối với tổ chức cá nhân liên quan đến việc để xảy ra quy hoạch treo.
"Các dự án đều có thời gian yêu cầu thực hiện nhưng lại không có ràng buộc bồi thường khi chậm, muộn triển khai gây thiệt hại cho dân", ĐB Đỉnh nói.
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ năm 2015-2018, toàn ngành Tài nguyên - Môi trường đã tiến hành hơn 2.300 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý thu hồi diện tích 22.362 ha đất. Qua thanh tra, đã chỉ ra việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai ở các địa phương còn chậm, nhất là đối với các dự án khu thương mại, du lịch, dự án phát triển nhà ở không phải là khu đô thị mới... không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm, gây lãng phí đất đai. Số liệu báo cáo của 48 tỉnh, thành phố cho thấy, có đến 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80.453,2 ha. Đến nay, 38 tỉnh trong số 48 tỉnh, thành phố có báo cáo thì mới xử lý được 1.336 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 22.707,9 ha. Cũng trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu đến hết năm 2018, ngành Thanh tra đã tiến hành 4.289 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Qua đó, phát hiện sai phạm về đất đai hơn 1.373 tỷ đồng, 40.185 ha đất; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm, xử lý hành chính 2.931 tổ chức, 14.120 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 71 vụ, 91 đối tượng.../. |