Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ tập trung thảo luận những nội dung như: đánh giá kết quả bước đầu việc tổ chức kì họp thứ nhất và cho ý kiến việc chuẩn bị cho kì họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; Cho ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ; dự án Luật Công an xã.
UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ liên quan đến việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016; Cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư.
Ngay sau khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sau 10 năm tổ chức thực hiện, nhìn chung việc triển khai Pháp lệnh cảnh vệ đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực cảnh vệ mới là pháp lệnh nên hiệu lực thi hành thấp, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ trong tình hình hiện nay. Mặt khác, trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng Luật Cảnh vệ là cần thiết.
Dự thảo Luật Cảnh vệ được xây dựng gồm 5 chương, 29 điều.
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Theo giải trình của Bộ trưởng Tô Lâm, quy định này nhằm phù hợp với tình hình hiện nay về công tác cảnh vệ vì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng và ngoại giao, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao. Trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và mở rộng hợp tác quốc tế thì tính chất công việc của họ ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này. Vì vậy, cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho họ.
Tuy nhiên, phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đều đề nghị giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành.
Các ý kiến cho rằng khi bổ sung các đối tượng: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì một số chức danh Bộ trưởng khác như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cũng có vị trí, tầm ảnh hưởng quan trọng phải được bổ sung, như vậy sẽ tăng biên chế, cơ cấu, tổ chức của lực lượng cảnh vệ và làm cho dư luận quốc tế hiểu lầm vì an ninh, trật tự ở Việt Nam phức tạp nên phải mở rộng đối tượng cảnh vệ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, quy định như hiện tại là hợp lý. “Thực tiễn hoạt động cảnh vệ bây giờ cho thấy không nhất thiết cần mở rộng đối tượng cảnh vệ. Hơn nữa, kinh nghiệm các nước cũng không có cảnh vệ các đối tượng trên” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Về sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Pháp luật hiện hành quy định các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ tại Nghị định số 128/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27 tháng 10 năm 2006 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cảnh vệ (là văn bản mật) thì nay các trường hợp nổ súng được quy định ngay trong dự thảo Luật vì việc nổ súng của lực lượng Cảnh vệ liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nên theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải quy định trong Luật.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng việc quy định các trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ là cần thiết. Ngoài việc thực hiện các quy định tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì Luật này cần quy định cụ thể những trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ để chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối, an toàn đối tượng cảnh vệ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đề nghị, nghiên cứu thiết kế lại để quy định bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần cân nhắc quy định trên. Bởi lực lượng cảnh vệ trước hết phải khống chế đối tượng trước, chưa nhất thiết phải nổ súng, nếu quy định ngay như dự luật thì sợ rằng sẽ trao quyền quá lớn cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ.
Giải trình thêm tại phiên họp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, đây là quy định đặc biệt. “Việc nổ súng để đe dọa trấn áp là rất quan trọng, nếu luật không cho thì anh em luôn luôn lo sợ vi phạm luật pháp” – Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Ngoài các vấn đề trên, UBTVQH đã cho ý kiến về lực lượng cảnh vệ; quyền hạn của lực lượng cảnh vệ; chế độ, chính sách với lực lượng cảnh vệ... ,/.