Ngày 27/4, tại Hà Nội, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam phối hợp cùng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Ba Đình tổ chức hội thảo “Giải pháp quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm và hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2023”.
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống.
Theo thông tin được đưa ra tại hội thảo, trung bình mỗi năm, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm; đồng thời tiêu hủy sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm phụ gia, thực phẩm hết hạn, không bảo đảm an toàn của gần 4.000 cơ sở, nộp ngân sách nhà nước lên đến 50 tỷ đồng trong giai đoạn 2017 - 2022.
|
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Kha Thoa) |
Đánh giá tổng thể trong các báo cáo về vệ sinh, an toàn thực phẩm hằng năm của Bộ Y tế cho thấy, nhìn chung, tình trạng sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn diễn biến phức tạp. Việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm “bẩn” không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng mà còn có tác động rất xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể, việc sản xuất thực phẩm “bẩn” sẽ khiến cho ngành công nghiệp thực phẩm gặp khó khăn, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ra sự bất công đối với các nhà sản xuất uy tín, trách nhiệm…
Để ngăn chặn thực trạng này, theo TS. Lê Văn Giang, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cần phải có những giải pháp phù hợp để quản lý. Thời gian qua, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam đã xây dựng các luận cứ, đưa ra các chỉ tiêu kỹ thuật để khẳng định và công bố những sản phẩm thực sự an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam Nguyễn Văn Nhiên nhấn mạnh: An toàn thực phẩm là vấn đề y tế cộng đồng nổi cộm trên thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam đang hòa nhập với khu vực và thế giới. Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong tất cả các công đoạn ngày càng được quan tâm và kiểm soát chặt chẽ. Các nguy cơ an toàn thực phẩm điển hình đã được Quốc hội quy định trong Luật An toàn thực phẩm (Điều 5). Các yếu tố pháp lý về bảo đảm an toàn thực phẩm cũng được quy định cụ thể như điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; quy định về quảng cáo, kiểm nghiệm; quy định về phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn… cũng như quy định xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Chia sẻ về vai trò của kiểm nghiệm trong kiểm soát an toàn thực phẩm, TS. Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết: Kiểm nghiệm là một trong ba yếu tố nền tảng của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, cung cấp bằng chứng về các mối nguy an toàn thực phẩm. Đảm bảo chất lượng kết quả kiểm nghiệm có ý nghĩa quan trọng và cần được thực hiện tốt ở tất cả các bước của quá trình kiểm nghiệm. Nguy cơ ô nhiễm thực phẩm có thể xuất hiện tại mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm và kiểm nghiệm thực phẩm giúp đánh giá chất lượng và an toàn thực phẩm.
Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận đã đề cập đến nguy cơ và quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm; trách nhiệm của doanh nghiệp về bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và giống nòi; vai trò của kiểm nghiệm trong kiểm soát nguy cơ an toàn thực phẩm; một số quy định mới về quản lý phụ gia thực phẩm tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp nước ngoài về nhận diện và quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm.../.