|
Đồng chí Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế. Ảnh: HM |
Đồng chí Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế: Đề xuất Quốc hội bố trí vốn đầu tư để nâng cấp các cơ sở y tế các tỉnh ven biển, các huyện đảo
Thực hiện Chương trình kết hợp quân dân y, trong những năm qua, đặc biệt là thời kỳ đổi mới; Hai Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành và địa phương chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền triển khai tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và bộ đội trên tuyến biển, đảo. Thông qua các hoạt động kết hợp quân dân y theo những chủ trương, định hướng chiến lược phát triển sự nghiệp y tế của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới, lực lượng quân y đã sát cánh cùng y tế các Bộ, ngành, địa phương tại những khu vực khó khăn, nhất là tại các đảo xa đất liền, trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão gió, biển động. Trong điều kiện y tế trên khu vực biển đảo còn mỏng, phương tiện vận chuyển, trang thiết bị y tế còn nhiều khó khăn, kết hợp quân dân y (KHQDY) là giải pháp pháp hiệu quả đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân và bảo đảm y tế trên khu vực biển, đảo.
Hiện nay, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh quân dân y có 5 trung tâm y tế quân dân y các huyện đảo, tất cả các xã đảo, xã ven bờ có các trạm y tế quân dân y. Các xã ven biển được các địa phương quan tâm đầu tư, nâng cấp bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng thu dung, cấp cứu, điều trị cho người dân và các lực lượng công tác trên địa bàn.
Hệ thống quân y có Đội điều trị 78 tại huyện đảo Phú Quốc, Bệnh xá quân dân xã đảo Thổ Châu thuộc huyện đảo Phú Quốc, Bệnh xá quân y Trung đoàn 242 thuộc Quân khu 3 (đóng quân tại đảo Cái Bầu, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), Bệnh xá quân y. Các đảo gần bờ thuộc Quân khu 3, 4, 5 đều có tổ quân y tại các tuyến đảo Đông Bắc, tuyến đảo khu vực miền Trung dọc các tỉnh ven biển có lực lượng quân đội đóng quân đều có các tổ Quân y tham gia cấp cứu điều trị cho người dân.
Trên quần đảo Trường Sa lực lượng quân y trên các đảo nổi là Bệnh xá do các Bệnh viện quân đội được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ luân phiên 1 năm đổi quân 1 lần. Ngoài lực lượng quân y thuộc các cơ sở quân y, tổ quân y, trên các đảo còn quân y lực lượng Bộ đội Biên phòng và đơn vị quân đội khác, số lượng nhân viên quân y mỗi đảo từ 1 đến 2 y sỹ. Trên các tàu hải quân, tàu biên phòng, tàu cảnh sát biển làm nhiệm vụ trên biển có 1 y sỹ hoặc 1 y tá thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị cho nhân dân và bộ đội khi bị thương, bị nạn, bị bệnh.
Cũng để bảo đảm y tế cho khu vực biển đảo, Bộ Y tế đã phân công nhiệm vụ, hướng dẫn tổ chức, trang bị, triển khai các đơn vị y tế trên toàn quốc tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trên biển và thu nhận điều trị đối với những bệnh lý đặc thù của biển, đảo; ưu tiên ngân sách đầu tư cho Viện Y học biển, Bệnh viện C Đà Nẵng để hoàn thiện, nâng cấp khoa cấp cứu để có đủ năng lực hỗ trợ y tế từ xa cho các huyện, xã đảo và tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh lý đặc thù biển, đảo; Nghiên cứu phát triển bộ môn y học biển tại các Trường Đại học được giao nhiệm vụ trong đề án để đào tạo dài hạn và cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề liên quan đến y tế biển đảo.
Trong những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và có nhiều dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm (SARS, Cúm A H5N1, ...bên cạnh đó những dịch bệnh lưu hành vẫn rình rập bùng phát trở lại ( bệnh tả, thương hàn, viêm não mô cầu, lao, sốt rét...), đặc biệt từ cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 là những mối nguy cơ đến sức khỏe cộng đồng, không những thế còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện quy chế kết hợp quân dân y giữa các đơn vị quân đội và chính quyền địa phương khu vực biển đảo, lực lượng quân y biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển đã phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trên khu vực biển, đảo; đặc biệt là ngư dân đánh bắt xa bờ; bảo đảm xử lý vệ sinh môi trường biển, phòng chống ngộ độc thực phẩm; nhất là kiểm soát chặt chẽ các tàu thuyền đánh bắt xa bờ bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh; không để dịch bệnh lây lan qua đường biển và vận tải biển...
Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kết hợp quân dân y chăm sóc sức khỏe Nhân dân; phòng chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021- 2030 và những năm tiếp theo” trong đó có kết hợp quân dân y trên khu vực biển đảo làm cơ sở để Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành và các địa phương liên quan triển khai có hiệu quả chương trình KHQDY nói chung và KHQDY trên biển, đảo nói riêng.
Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Đề án “Phát triển, y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2030 và những năm tiếp theo” trình Thủ tướng vào Quý 4/năm 2022; chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường đầu tư hỗ trợ phát triển y tế giai đoạn 2021 – 2025; đối với các tỉnh ven biển; đề xuất với Quốc hội bố trí vốn đầu tư phát triển để nâng cấp các cơ sở y tế các tỉnh ven biển, các huyện đảo; tăng cường các lực lượng, phương tiện bảo đảm cấp cứu, vận chuyển kịp thời, có hiệu quả trên khu vực biển, đảo.
|
Đại tá Trần Công Trường - Phó Cục trưởng Cục Quân y. Ảnh: HM |
Đại tá Trần Công Trường - Phó Cục trưởng Cục Quân y : Một số vấn đề cần được quan tâm hoạt động kết hợp quân dân y trên biển, đảo
Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo cơ bản, xuyên suốt quá trình phát triển của nền y tế cách mạng Việt Nam “Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, nhiều năm qua, hai Bộ Y tế và Quốc phòng đã phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, các đơn vị triển khai tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và bộ đội trên tuyến biển, đảo thông qua các hoạt động của chương trình kết hợp quân dân y theo những chủ trương, định hướng chiến lược phát triển sự nghiệp y tế của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.
Mặc dù có những giai đoạn, những thời điểm lực lượng y tế và quân y tại những khu vực này còn mỏng, phương tiện vận chuyển, trang thiết bị y tế còn nhiều khó khăn, song lực lượng quân y đã sát cánh cùng y tế các địa phương tại những khu vực khó khăn, nhất là tại các đảo xa đất liền trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão gió, biển động. Tại nhiều khu vực trên tuyến biển, đảo, lực lượng quân y đã làm thay chức năng của y tế, cấp cứu điều trị cho nhân dân và ngư dân làm ăn trên biển.
Trong những năm tiếp theo, biển, đảo, nơi tuyến đầu Tổ quốc vẫn sẽ là khu vực trọng điểm về kinh tế - chính trị - xã hội, đồng thời cũng là cửa ngõ của những cơn sóng, ngọn gió, bão lớn. Nhân dân, ngư dân vẫn vươn khơi bám biển, bám đảo và các cán, bộ chiến sĩ Quân đội tiếp tục tăng cường luyện tập, diễn tập, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, canh gác và thực thi pháp luật trên các vùng biển, đảo xa của Tổ quốc. Do vậy, nhiệm vụ của ngành y tế, lực lượng quân y trên biển, đảo cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư đúng mức, tập trung vào một số vấn đề, giải pháp cơ bản sau:
Một là, thực tế hiện nay đang thiếu hệ thống văn bản của Chính phủ, của liên Bộ quy định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ và phương thức hoạt động của các tổ chức KHQDY. Chưa có văn bản bảo đảm chính sách đãi ngộ thích đáng đối với cán bộ quân, dân y làm việc tại các địa bàn khó khăn, vùng biển, đảo Tổ quốc... Do đó, thế mạnh KHQDY thực sự chưa phát huy đầy đủ và đều khắp. Nhiều mô hình KHQDY hoạt động hiệu quả cần được mở rộng nhưng địa phương không triển khai thực hiện do sự ràng buộc về các mối quan hệ mang tính pháp lý. Do đó, cần thiết phải phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với bảo đảm y tế biển, đảo; nhất là chính sách đặc thù đối với cán bộ, nhân viên y tế công tác trên tuyến biển, đảo và nhân dân sinh sống, làm ăn trên biển, đảo.
Hai là, tiếp tục quan tâm đầu tư trang bị, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, điều trị cho các cơ sở quân y, dân y trên các đảo xa bờ. Phát huy tối đa kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ các cơ sở y tế trên biển, đảo, đặc biệt là Hệ thống Telemedicine tới các bệnh xá đảo trên quần đảo Trường Sa.
Ba là, vận dụng linh hoạt các cơ chế phối hợp, kết hợp quân dân y phù hợp để lồng ghép trong hoạt động của các cơ sở quân y trên tuyến biển, đảo với cơ sở y tế địa phương theo từng loại hình, từng nhóm đảo; qua đó, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bộ đội kịp thời nhất, chất lượng cao nhất, hiệu quả nhất.
Bốn là, thường xuyên rà soát, điều chỉnh các phương án y tế phối hợp các lực lượng thuộc Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với tàu tìm kiếm cứu nạn của các Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực 1, 2, 3, 4 tham gia cấp cứu, vận chuyển nạn nhân trên tuyến biển, đảo về đất liền hoặc trên biển, đảo về các đảo trung tâm.
Năm là, nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động KHQDY chưa được đầu tư thích đáng. Những năm qua, kinh phí đảm bảo cho hoạt động của chương trình được trích từ ngân sách thường xuyên của Bộ Y tế trong điều kiện đầu tư của Nhà nước về hoạt động y tế còn rất thấp so với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ và phát triển y tế của xã hội. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Quân đội trên biển, đảo, các Quân khu, Quân chủng cũng như ngành Quân y đã phải huy động từ nhiều nguồn để bổ sung, đảm bảo cho hoạt động. Thiếu nguồn tài chính cùng với cơ chế bảo đảm sẽ là nguyên nhân khiến cho suy tiềm năng hoạt động của chương trình.
|
Chuẩn Đô đốc Lương Việt Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Ảnh: Hoàng Mẫn |
Chuẩn Đô đốc Lương Việt Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân: Đề nghị có chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các ngư dân trên biển
Quân chủng Hải quân là Quân chủng chiến đấu, Quân chủng Kỹ thuật, có địa bàn rộng lớn, trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ; có nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, phải bảo vệ toàn bộ ngư trường trong các vùng biển quản lý để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, khai thác thủy sản.
Trong 30 năm qua, công tác bảo đảm quân y cho Trường Sa – DK1 luôn được sự quan tâm đặc biệt của Đảng ủy, chỉ huy các cấp, các bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và các địa phương trong cả nước, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời có hiệu quả của Cục Quân y/TCHC: Tình hình bảo đảm đời sống sinh hoạt của bộ đội đã có nhiều cải thiện. Hệ thống điện, các công trình phục vụ sinh hoạt văn hóa tinh thần được xây dựng. Hạ tầng các đảo được quy hoạch, củng cố...
Từ năm 1991 đến nay, quân y các đơn vị khu vực biển, đảo của Quân chủng Hải quân đã khám bệnh, cấp thuốc cho 96.596 lượt người, trong đó (quân: 28.352, dân: 68.064); cấp cứu cho 1512 lượt người (quân: 459, dân: 1053).
Các trường hợp nặng, vượt quá khả năng điều trị của quân y các đảo, nhà giàn, cần phải điều trị chuyên khoa sâu được vận chuyển vào bờ bằng tàu Hải quân hoặc máy bay quân sự: Đã có 131 trường hợp được vận chuyển vào bờ, trong đó 27 trường hợp được vận chuyển bằng máy bay. Các trường hợp vận chuyển đều đúng chỉ định và đúng quy định của Thông tư 193/TT-BQP, kịp thời cứu sống bệnh nhân và hạn chế các biến chứng.
Những năm gần đây, số lượng công nhân xây dựng đảo, ngư dân đánh bắt cá trên khu vực TS-DK1 tăng cao làm tăng số lượng bệnh nhân vào cấp cứu, điều trị tại các bệnh xá đảo, quân y nhà giàn với cơ cấu thương tật đa dạng. Việc tổ chức cứu chữa kịp thời đã làm giảm nhẹ di chứng, tàn phế cho các nạn nhân.
Để khẳng định chủ quyền và tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc trên trường quốc tế, Đảng và Nhà nước ta triển khai rất nhiều biện pháp như: Xây dựng chùa, tổ chức đưa các hộ dân ra sinh sống để dân sự hóa các đảo. Ngoài ra, để bảo vệ vững chắc chủ quyền, một nhiệm vụ then chốt mà Đảng và Chính phủ hướng tới, đó là khuyến khích các ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Thời gian tới, nhằm phát huy hiệu quả công tác kết hợp quân dân y có chiều sâu và hiệu quả, giúp cho bộ đội và nhân dân thuận tiện trong khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe, Quân chủng Hải quân đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương có ý kiến đề xuất với Chính phủ chỉ đạo, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng nâng cấp Đội điều trị 486 Vùng 4 Hải quân thành Bệnh viện quân dân y huyện đảo Trường Sa để đáp ứng được toàn bộ công tác bảo đảm y tế cho bộ đội, nhân dân và ngư dân trên quần đảo Trường Sa, cũng như các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo; Nâng cấp Đội điều trị 78 Vùng 5 Hải quân thành Bệnh viện Quân dân y 78 để bảo đảm y tế cho bộ đội, nhân dân, ngư dân và các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo phía Tây Nam của Tổ quốc; Biên chế thêm 01 tàu quân y cho Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân để bảo đảm quân y cho bộ đội, nhân dân và ngư dân ở phía Nam của Tổ quốc.
Hệ thống Telemedicine được lắp trên các đảo đã phát huy được rất nhiều tác dụng, đặc biệt trong khám, cấp cứu và điều trị cho quân, dân và các ngư dân trên đảo. Tuy nhiên, do các hệ thống được cấp từ lâu, nhiều đảo không còn kết nối được nên kính đề nghị thủ trưởng các cấp tạo điều kiện lên kế hoạch nâng cấp, bảo trì, bảo dưỡng cho đơn vị
Đồng thời đề nghị Bộ Y tế có chính sách hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho các ngư dân trên biển; chỉ đạo các bệnh viện dân y trong cả nước có chính sách hỗ trợ về viện phí và sẵn sàng tiếp nhận các ngư dân, lực lượng tham gia bám biển vào cấp cứu và điều trị./.