Kiên quyết không để vướng mắc kéo dài

Thứ năm, 04/07/2019 12:12
(ĐCSVN) - Ngày 4/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Phiên họp hôm nay nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội sau nửa chặng đường của năm “bứt phá” 2019 và thảo luận các biện pháp trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là phiên họp rất quan trọng đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, bàn về tình hình triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, Thủ tướng.

Nhìn lại 6 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đến hôm nay, chúng ta có thể vui mừng đánh giá kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt kết quả quan trọng, toàn diện như: Chính thức ký Hiệp định EVFTA, IPA với EU; trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu rất cao; chuẩn bị phục vụ tốt Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc… Qua đó, thể hiện hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển và có trách nhiệm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Về kết quả 6 tháng đầu năm 2019, theo Thủ tướng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, tăng trưởng GDP, thu ngân sách, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển doanh nghiệp đều đạt khá. Thủ tướng đề nghị, tại phiên họp này, các đồng chí tư lệnh ngành, lãnh đạo các địa phương đề cập nhiều hơn, tập trung hơn vào những tồn tại, hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức mà đất nước, từng bộ, ngành, địa phương phải đối mặt. Trên cơ sở đó, cùng bàn kỹ để đưa ra đối sách, giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Vẫn còn một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, bê trễ trong công việc

Qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và trực tiếp theo dõi nắm bắt tình hình, Thủ tướng chỉ rõ tình hình sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có bước tiến thực chất. Phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần quan tâm nhiều hơn như gian lận thi cử, đạo đức văn hóa ứng xử, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, tình trạng trẻ em đuối nước, rác thải nhựa, xảy ra nhiều vụ trọng án giết người dã man, đánh bạc trên mạng quy mô lớn, nạn buôn bán ma túy… Tuy tai nạn giao thông giảm, nhưng vẫn còn nhiều vụ nghiêm trọng.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công nhân viên chức đại bộ phận là tốt, có nhiều cố gắng, có trách nhiệm, nhưng vẫn còn một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc lơ là, bê trễ trong công việc. “Lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành cần phải chấn chỉnh ngay tình trạng này, không để  đến khi vi phạm phải xử lý mất cán bộ. Tình trạng nói hay làm dở, làm chậm, trách nhiệm thấp, kể cả chuyển lòng vòng, cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi vẫn còn”- Thủ tướng nêu rõ.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác trong phát sinh ở từng bộ, từng ngành, đặc biệt là các địa phương, như các tồn tại, hạn chế về cơ chế điều phối vùng, quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, vấn đề đấu giá đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công, tài nguyên rừng, cát đá sỏi khai thác trái phép.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Ảnh: VGP

Cần nhân rộng kinh nghiệm quý, cách làm hay trên phạm vi cả nước

Thủ tướng hoan nghênh nhiều đồng chí bí thư, chủ tịch địa phương đã rất sát sao, chủ động, nắm chắc tình hình, chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh cũng như nhiều mô hình tốt xuất hiện ở địa phương. Vì vậy cần nhân rộng kinh nghiệm quý, cách làm hay từ thực tiễn để làm tốt hơn trên phạm vi cả nước.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa tập trung vào những vấn đề cụ thể phát sinh, đề xuất đối sách, biện pháp giải quyết một cách thẳng thắn.

Về phía các bộ, các ngành, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, tư lệnh ngành với trách nhiệm cao nhất, tiếp thu, lắng nghe và xử lý nhanh những vấn đề tồn tại kéo dài như vấn đề liên quan đến Luật Quy hoạch; Nghị định về BOT; vấn đề sân golf; vấn đề tự chủ các đơn vị sự nghiệp công…

Thủ tướng cho rằng một số vấn đề về văn hóa đạo đức xã hội còn nhiều tồn tại, bất cập, yếu kém, rồi vi phạm ở một số địa phương, bộ, ngành cũng cần được liên hệ để xử lý. “Chúng ta có thái độ nhìn nhận nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm nhưng đặc biệt là tìm giải pháp khắc phục trong 6 tháng cuối năm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong tinh thần ấy, Thủ tướng lưu ý bối cảnh quốc tế, khu vực hiện nay rất phức tạp, dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, yêu cầu đặt ra với tất cả các bộ, các ngành, các địa phương là cần phải linh hoạt ứng phó, có đối sách kịp thời, không được chủ quan, phải xác định rõ những nhiệm vụ, những giải pháp trọng tâm đối với từng bộ, ngành, địa phương trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ hơn, đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt được mục tiêu đã đề ra 6,8%

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương vừa khai mạc sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua 6 tháng triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và 3 tháng triển khai Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ 2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp đề ra, các nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong quý II cơ bản đáp ứng đúng tiến độ, trong đó đã hoàn thành 60% nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP, 67% nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 09/CT-TTg.

Kết quả đạt được về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của nền kinh tế cơ bản là tích cực so với khu vực và thế giới, duy trì được đà tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát... Động lực hỗ trợ tăng trưởng cả phía cung và phía cầu, trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng mạnh, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tiếp tục phát triển, nông nghiệp dần phục hồi.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt khá, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, trong đó, quý I tăng 6,82%, quý II ước tăng 6,71%, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng là mức tăng tích cực so với đầu nhiệm kỳ Chính phủ, cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu không có yếu tố bất thường tác động đến tăng trưởng, dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt được mục tiêu đã đề ra (6,8%).

Để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, trong 6 tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ, thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, duy trì nỗ lực của toàn hệ thống, củng cố niềm tin và sự an tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh, phấn đấu mục tiêu kế hoạch đã đề ra ở mức cao.

Nhiệm vụ phải thực hiện trong 6 tháng cuối năm là hết sức nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần đề cao trách nhiệm, tiếp tục tập trung chỉ đạo để hoàn thành đúng tiến độ những nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cần ưu tiên những nhiệm vụ chưa hoàn thành trong 6 tháng đầu năm để đẩy nhanh tiến độ, sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện, có giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực