Kiên quyết loại bỏ cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy

Thứ năm, 12/09/2019 15:05
(ĐCSVN) – Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, cần tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước…

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 37, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày 12/9 để cho ý kiến về các báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2019 và các báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao…

Đã xử lý 21 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, trình bày báo cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ  Lê Minh Khái cho hay, trong năm 2019, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của  Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan báo chí, nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống”, với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn.

Liên quan đến minh bạch thu nhập, tài sản, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt tỷ lệ 99,9%; số bản kê khai đã công khai đạt 99,4%; có 46 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp và đang xem xét xử lý 2 trường hợp.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi vị trí công tác tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 9.106 cán bộ, công chức, viên chức.

Đáng chú ý, có 21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 2 người đang được xem xét, xử lý .

Nhìn chung, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi.

Để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn, năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ tiếp tục xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ. Kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm…

Còn tình trạng nhầm lẫn trong xử lý trách nhiệm của người đứng đầu

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng.

Tuy nhiên, theo Uỷ ban Tư pháp, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn chưa bị đẩy lùi.

Đáng lưu ý, khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che dấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…

“Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi”, bà Nga chỉ rõ.

Trên cơ sở đó, kiến nghị Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế. Quá trình xử lý cần chú trọng đến việc điều tra chứng minh yếu tố chiếm đoạt, vụ lợi trong các vụ án kinh tế…

Mặt khác, theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý trong thời gian qua.

“Nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu và còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng”, báo cáo nhận định./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực