Kiên quyết xử lý xe chở quá tải trọng

Thứ năm, 17/12/2015 11:35
(ĐCSVN) - Sau hơn một năm triển khai kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ, bước đầu cho thấy, ý thức chấp hành quy định về tải trọng xe của lái xe, chủ xe, chủ hàng, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã có chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, để xử lý triệt để tình trạng này không thể trong ngày một, ngày hai.

Xe quá tải trọng phá đường, mất an toàn giao thông

Một vụ lật xe do chở quá tải trọng trên quốc lộ 20
đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai (Ảnh: K.V)

Nhiều năm qua, tình trạng xe chở quá tải trọng phá nát cầu đường, gây mất an toàn giao thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ diễn ra khá phổ biến, nhất là tại khu vực này, mật độ cảng sông, cảng biển, bến bãi, kho hàng và khu công nghiệp tập trung dày đặc. Chính vì vậy, lượng xe chuyên chở hàng hóa lưu thông qua đây rất lớn, dẫn đến việc kiểm soát tải trọng xe gặp khó khăn cho các cơ quan chức năng. Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tuyến đường trọng điểm đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mà một trong những nguyên nhân chính là do xe quá tải. Điển hình như đường dẫn vào cảng Cát Lái, trên địa bàn quận quận 2; Xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn thành phố này, mặt đường bị lún sâu, tạo thành những gờ cao, rất nguy hiểm cho người điều khiển xe gắn máy lưu thông. Đường Đồng Văn Cống, khu vực quận 2, đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến cảng Cát Lái, do lưu lượng xe container ra vào cảng dày đặc, nhất là giờ cao điểm, nên đã dẫn đến sụt lún mặt đường ở nhiều vị trí. Quốc lộ 1K, đoạn chạy qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, xe vận tải chở đá quá tải trọng hoạt động bất kể ngày đêm. Các phương tiện nói trên chở vật liệu xây dựng tại các mỏ đá đi các công trình, do quá tải trọng, không che chắn đúng qui định của ngành chức năng nên đã rơi vãi đất đá đầy mặt đường và bụi bẩn, tạo ra sự nguy hiểm luôn đe dọa các phương tiện lưu thông khác trên dường.

Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 29 cảng biển đang hoạt động, đây là đầu mối giao nhận hàng hóa đi hầu hết khắp nơi trên cả nước, nhất là các khu chế xuất, khu công nghiệp trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, chính vì vậy luôn có một số lượng rất lớn xe container lưu thông qua đây hàng ngày, việc tuân thủ chuyên chở đúng tải trọng cho các loại xe này đang là một vấn đề không đơn giản.

Trong một cuộc làm việc với đại diện 29 đơn vị cảng biển mới đây ở thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ kết hợp với Bộ Công an và các địa phương thực hiện quyết liệt, triệt để, đồng bộ trong việc kiểm soát tải trọng ở tất cả các cảng, từ cảng lớn đến cảng nhỏ; từ cảng của nhà nước đến các cảng cổ phần, liên doanh để không bỏ lọt bất cứ xe nào quá tải hoạt động trên đường.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng xảy ra tình trạng tương tự, bên cạnh những chủ xe, lái xe chấp hành tốt về chở đúng trọng tải thì vẫn còn những lái xe, chủ hàng chưa chấp hành nghiêm, tình trạng chở quá tải ở một số tuyến đường như quốc lộ 1K, đường Bùi Hữu Nghĩa, đường tỉnh 768 và 762, đường vào các mỏ đá khu vực Tân Cang. Hiện tượng lái xe né tránh khi có đoàn kiểm tra đang thực hiện việc kiểm tra tại các chốt trực đã xảy ra. Nhiều trường hợp xe chở bằng thùng bị lực lượng tuần tra kiểm soát kiểm tra lại qua phiếu xuất hàng và cân đối chứng, kết quả cho thấy các xe này quá tải cầu đường từ 18% đến 60%, quá tải trọng thiết kế từ 40% đến 200%..., một khó khăn đang xảy ra, đó là khi phát hiện xe vi phạm cũng chỉ dừng ở mức lập biên bản vi phạm hành chính và đành thả xe chứ không thể hạ tải vì không có kho bãi lưu hàng. Thêm vào nữa, các loại xe tải, xe container vi phạm Luật Giao thông trên đường có mật độ lưu thông dày đặc, nếu kiểm tra phương tiện ngay trên làn xe ôtô ngay lập tức sẽ gây ùn tắc kéo dài.

Có thể thấy, trên thực tế, hoạt động vận tải hiện nay được các đơn vị vận tải thực hiện từ nhiều đầu mối. Cảng biển, khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp là nơi hàng hóa được lưu thông với số lượng rất lớn. Thời gian qua, các điểm tập kết hàng hóa này chưa được cơ quan chức năng kiểm soát xe quá tải. Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Bình Dương, để có thể quản lý nguồn hàng hóa nói trên được vận chuyển đúng tải, các ngành chức năng cần có sự phối hợp với nhau chặt chẽ trong việc chống xe chở quá tải. Ngoài ra, cần quy trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị trong việc bốc xếp hàng hóa thay vì chỉ quy trách nhiệm cho một mình lái xe như hiện nay. Cùng với đó, hoạt động này cũng cần phải được tiến hành thường xuyên để bảo đảm không sót lọt xe quá tải, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của doanh nghiệp, lái xe nhằm hướng đến mục tiêu chung là bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường. Ông Phạm Tấn Đạt, Phó chánh Thanh tra Giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh có nhiều mỏ đá tập trung ở thị xã Dĩ An và huyện Bắc Tân Uyên. Mặc dù, lực lượng phối hợp đã yêu cầu các mỏ này cam kết không xếp hàng để phương tiện quá tải, không sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, tuy nhiên, một số nơi vẫn chưa chấp hành nên có nhiều trường hợp xe ô tô vi phạm chở quá tải.

Kiên quyết xử lý xe chở quá tải trọng

Kiểm tra xe container trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn: CATP. Hồ Chí Minh)

Việc xe chở quá trọng tải gây mất an toàn giao thông và hủy hoại kết cấu hạ tầng giao thông đã khiến cho dư luận bức xúc từ nhiều năm qua, do đó, các ngành chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…, đã ra quân kiên quyết xử lý tình trạng này với quyết tâm cao nhất. Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để xử lý các trường hợp quá tải trọng tại các khu vực đặt trạm cân góp phần hạn chế tình trạng xe chở hàng quá tải trên đường, giảm nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai lực lượng tăng cường tuần tra xử lý khép kín trên các tuyến trọng điểm phức tạp về tình trạng xe quá tải và phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thành phố bố trí lực lượng ứng trực 24/24..v.v…

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động tại các điểm như cầu Giồng Ông Tố, cầu Kỳ Hà 1(quận 2); cầu Ông Lớn (quận 7) và tại trạm thu phí An Sương - An Lạc trên tuyến Quốc lộ 1. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, góp phần chấn chỉnh hoạt động vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn Thành phố thông qua khai thác dữ liệu từ Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp kiểm tra hơn 10 nghìn lượt xe, xử lý trên 5 nghìn xe vi phạm quá tải, phạt hàng chục tỷ đồng và tước giấy phép lái xe có thời hạn trên 5 nghìn trường hợp.

Cũng từ đầu năm đến nay, các lực lượng phối hợp kiểm soát tải trọng xe tại tỉnh Bình Dương đã lập biên bản 1.417 trường hợp xe ôtô vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép; buộc hạ tải 4.842 tấn hàng; tước giấy phép lái xe hơn 800 trường hợp; xử phạt với tổng số tiền nộp Kho bạc Nhà nước trên 6 tỷ đồng. Ngoài ra, Thanh tra Giao thông tỉnh Bình Dương cũng lập biên bản trên 320 trường hợp tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe, xử phạt hàng trăm triệu đồng nộp vào Kho bạc. Trong đó, riêng Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động, chốt chặn trên nhiều tuyến đường như quốc lộ 13, Mỹ Phước – Tân Vạn, đường tỉnh 742 đã kiểm tra hơn 3 nghìn xe tải, lập biên bản vi phạm 291 trường hợp; xử phạt tổng số tiền hơn 2,1 tỷ đồng; buộc hạ tải hơn 845 tấn hàng.

Ở Đồng Nai, hầu hết các doanh nghiệp vận tải, đầu mối hàng hóa đều đã ký cam kết không xếp hàng quá tải lên phương tiện. Lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, tình trạng xe quá tải chạy xuyên Việt qua tỉnh này đã được hạn chế rất nhiều do hoạt động siết chặt kiểm tra tải trọng xe được thực hiện đồng loạt trên toàn quốc. Hiện nay, dư luận quan tâm chủ yếu đến tình trạng xe tải ben chở vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên các tuyến đường nội tỉnh. Thực tế cho thấy, từ khi các lực lượng chức năng siết chặt kiểm tra trọng tải xe trên đường, hầu như không còn thấy tình trạng xe tải cơi nới thành thùng, chở quá tải trọng như trước đây. Về cơ bản, đa số các chủ xe, tài xế xe tải đã có ý thức chấp hành các quy định như phủ bạt kín, chở vật liệu trong giới hạn thành thùng hàng, chạy đúng tốc độ quy định.

Chỉ còn gần hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, để tiếp tục chấn chỉnh tình trạng xe chở hàng quá khổ, quá tải thường diễn ra phổ biến vào thời điểm cuối năm, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, lực lượng chức năng trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ đã xây dựng kế hoạch cao điểm, tập trung ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm xe quá tải. Theo đó, Thanh tra giao thông các địa phương cũng như tổ liên ngành sẽ huy động lực lượng duy trì hoạt động hiệu quả kiểm soát trên các tuyến giao thông. Cùng với đó là tăng cường sử dụng cân xách tay kiểm soát trên các tuyến và quán triệt cán bộ nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. Ngành chức năng các địa phương cũng thành lập đoàn công tác giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ tại trạm cân, đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện./.

                                                                                                                                                                                         K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực