Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực của nền kinh tế. Ảnh:vietnamnet.vn
Nghị quyết quan trọng này là sản phẩm của thành tựu tư duy lý luận của Đảng ta phát triển sâu sắc quan điểm về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH, xây dựng, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN gắn chặt với tổng kết thực tiễn 30 năm Đổi mới toàn diện đất nước và tiếp thu thành tựu lý luận kinh tế hiện đại.
Nghị quyết này khi đi vào cuộc sống sẽ thực sự cổ vũ động viên mạnh mẽ 500.000 doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phát triển lành mạnh, đúng hướng và bền vững, đặc biệt sẽ thổi bùng tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo của hàng triệu lao động có trí tuệ, tâm huyết để đến năm 2030 nước ta có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 60-65% GDP cả nước!
Công tác tư tưởng có vị trí quan trọng hàng đầu trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Do đó, Nghị quyết Trung ương 5 đã xác định nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đầu tiên là nhiệm vụ giải pháp công tác tư tưởng. Để hoàn thành trọng trách của mình, công tác tư tưởng phải tiếp tục đổi mới cả phương thức, nội dung, nâng cao chất lượng hiệu quả của từng binh chủng và phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng. Công tác tư tưởng phấn đấu thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giải pháp đầu tiên “Thống nhất nhận thức, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân”. Từ phương hướng, định hướng chung nêu trên, công tác tư tưởng cần tập trung làm tốt những việc sau:
- Khâu học tập, quán triệt Nghị quyết: Hơn 5 tháng qua, từ khi Nghị quyết Trung ương 5 được ban hành, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết này để tạo được sự nhất trí cao trong toàn Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Các cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị cần được học tập nghiên cứu sâu sắc Nghị quyết này, nhưng cần tập trung làm tốt nhiệm vụ này ở ba đối tượng chủ yếu sau:
Đối tượng thứ nhất là, đội ngũ cán bộ, đảng viên khối lập pháp và hành pháp cần được quán triệt sâu sắc để đạt được nhất trí rất cao với 6 quan điểm chỉ đạo, với mục tiêu tổng quát và 3 mục tiêu cụ thể, 5 nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế tư nhân đồng thời phải gắn với việc thực hiện quyết liệt 3 khâu đột phá chiến lược, đó là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục quốc dân gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Đối tượng thứ hai cần được tổ chức học tập nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 là cán bộ chủ chốt và đảng viên trong 500.000 doanh nghiệp tư nhân. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tạo ra nhiều hình thức, tổ chức có hiệu quả việc tổ chức học tập Nghị quyết Trung ương 5 cho đối tượng này. Nếu cán bộ, đảng viên ở 500.000 doanh nghiệp tư nhân, nhất là những cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ quán triệt sâu sắc Nghị quyết này thì họ sẽ tiếp nhận được nguồn cổ vũ tinh thần, niềm tin và sự yên tâm thực sự để xây dựng chương trình hành động đầu tư phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, đúng hướng và bền vững, đồng thời họ chủ động đóng góp ý kiến cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật nhằm phát triển kinh tế tư nhân đạt 3 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đối tượng thứ ba rất cần được học tập nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết này là thanh niên, sinh viên các trường cao đẳng, đại học, chủ yếu là các khoa ngành về kinh tế, khoa học công nghệ cao, nông nghiệp… Ban Tuyên giáo Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết này cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, nhất là các sinh viên năm cuối của các khoa kinh tế. Việc học tập nghiên cứu quán triệt nghị quyết cho đối tượng này cần gắn chặt với phát động, hướng dẫn, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên khi tốt nghiệp ra trường.
Sau các hoạt động tổ chức học tập nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, công tác tư tưởng cần tập trung vào việc hướng dẫn xây dựng và thực hiện chương trình hành động:
- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, cần quán triệt sâu sắc 24 nhiệm vụ giải pháp cụ thể của nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ hai và 6 nhiệm vụ giải pháp cụ thể của nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ ba để lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ sớm thể chế hóa 30 nhiệm vụ giải pháp cụ thể này thành hệ thống đồng bộ luật, cơ chế, chính sách...
Ngày 3/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong Nghị quyết này, Chính phủ đã xác định 5 nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân.
- Hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, ít rủi ro, nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.
- Bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh bình đẳng.
- Tăng cường khả năng cho kinh tế tư nhân tiếp cận cơ sở hạ tầng và các nguồn lực.
- Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.
Trong chương trình hành động của Chính phủ cần ban hành các biện pháp để hạn chế và khắc phục những mặt tiêu cực của kinh tế tư nhân, nhất là các biểu hiện lợi ích nhóm. Nghị quyết 98 của Chính phủ xác định chương trình hành động phải thể hiện được vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, chương trình hành động phải thể hiện các giải pháp cụ thể, thiết thực, được tổ chức tốt, thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và 3 mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết Trung ương 5 đề ra.
Hướng dẫn chương trình hành động cho 500.000 doanh nghiệp tư nhân theo hướng hệ thống luật mà Quốc hội ban hành và hệ thống cơ chế, chính sách Chính phủ ban hành được kịp thời tuyên truyền sâu rộng để lãnh đạo tất cả các doanh nghiệp tư nhân nắm bắt kịp thời để bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện chiến lược, kế hoạch đầu tư, kinh doanh trong ngắn, trung, dài hạn để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, sáng tạo, bền vững.
Một vấn đề quan trọng là phải tập trung tuyên truyền hệ thống cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho hàng vạn thanh niên nông thôn và hàng vạn sinh viên tốt nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo thành công.
Công tác tuyên truyền, cổ động phải bám sát thực tiễn hoạt động lập pháp, hành pháp, hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động khởi nghiệp của thanh niên sinh viên để phát hiện cổ vũ kịp thời các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, kịp thời phổ biến các cách làm hay, các kinh nghiệm tốt. Đấu tranh khắc phục những hạn chế, tiêu cực của các đối tượng chủ yếu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5.
Các trung tâm, các phòng nghiên cứu dư luận xã hội phối hợp chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều hình thức như: Hội thảo, đối thoại, khảo sát để kịp thời nắm bắt tâm trạng, tư tưởng, nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp và của thanh niên sinh viên khởi nghiệp báo cáo cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước để kịp thời điều chỉnh, bổ sung luật pháp, cơ chế, chính sách tạo điều kiện, môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn nhằm thực hiện thắng lợi cả mục tiêu tổng quát và 3 mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết Trung ương 5 đề ra.
Từ khi Nghị quyết Trung ương 5 được ban hành, Chính phủ và Thủ tướng đã nêu gương phong cách làm việc dân chủ, quyết liệt, thiết thực, hiệu quả. Sau khi ban hành và chỉ đạo chương trình hành động theo Nghị quyết 98, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất coi trọng kết hợp chỉ đạo thực hiện ba khâu đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, tập trung giải quyết 9 điểm nghẽn chính sách. Cụ thể có 3 điểm cần giải quyết ngay: về đất đai, những yếu kém về tài chính, ngân hàng; Bộ máy hành chính cồng kềnh kém hiệu quả. 3 điểm quan trọng ngắn hạn: Rủi ro kinh tế vĩ mô, chính sách thuế, cấp phép kinh doanh. 3 điểm giải quyết lâu dài: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tính thiếu đổi mới sáng tạo của thất bại thị trường. Trong thời gian qua, sau khi tổng hợp các đề xuất của doanh nghiệp thông qua hội thảo và cuộc đối thoại trực tiếp của Thủ tướng với doanh nghiệp, Chính phủ đã sửa 50 Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa trên 4.500 thủ tục hành chính, kết nối cơ chế một cửa ASEAN với 4 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma. Cùng với đó đã xử lý 850/1100 (77%) kiến nghị của doanh nghiệp...
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đã xây dựng chương trình hành động hỗ trợ tuổi trẻ khởi nghiệp sáng tạo. Đáp ứng nguyện vọng, yêu cầu của hàng trăm ngàn thanh niên, sinh viên. Báo chí, nhất là VTV đã phát sóng các chuyên mục: Khởi nghiệp, Cà phê khởi nghiệp, Chuyến xe khởi nghiệp và diễn thuyết kinh nghiệm khởi nghiệp thành công của các doanh nhân Việt Nam và thế giới.
Báo chí thời gian qua đưa rất đậm: Chương trình của Chính phủ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 35% tổng giá trị nông nghiệp cả nước. Trong đó, tập trung xây dựng 200 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Cách tuyên truyền này có giá trị hướng dẫn thiết thực và động viên mạnh mẽ các nhân tố mới, các cách làm hay trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân.
Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng, là một bước phát triển rất quan trọng tư duy, lý luận của Đảng ta về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Hoạt động giáo dục lý luận chính trị cần truyền bá sâu sắc những đột phá trong quan điểm phát triển kinh tế tư nhân của Đảng ta trong hơn 30 năm qua, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu “Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ, đã thừa nhận kinh tế tư nhân là một động lực và một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế và đến nay là một động lực quan trọng.”
Đồng thời, công tác lý luận của Đảng ta cũng cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ những vướng mắc về lý luận liên quan đến kinh tế tư nhân như:
- Quan niệm về kinh tế tư nhân có còn là kinh tế phi XHCN? hoặc kinh tế tư nhân với kinh tế tư bản tư nhân.
- Phát triển kinh tế tư nhân với vấn đề bóc lột và bị bóc lột.
- Vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân.
- Vấn đề làm giàu bằng phát triển kinh tế tư nhân gắn với công bằng xã hội.
- Mối quan hệ giữa Nhà nước và kinh tế tư nhân.
- Kinh tế tư nhân với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cần làm rõ mô hình CNXH trong điều kiện kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, mở rộng hội nhập quốc tế…
Làm rõ những vướng mắc lý luận trên đây sẽ tạo sự nhất trí cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, thông suốt trong toàn xã hội, tạo niềm tin và sự yên tâm thực sự của 500.000 doanh nghiệp tư nhân hiện nay và hàng triệu doanh nghiệp tư nhân sẽ ra đời và phát triển trong tương lai./.
PGS.TS Đào Duy Quát
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực
Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương