Làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016

Thứ bảy, 10/06/2023 13:21
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 để trên cơ sở đó định hình những quan điểm, tầm nhìn, kế hoạch mới để báo chí Việt Nam phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: T.L) 

Sáng 10/6, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Báo chí, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo Vietnamnet) và Trường Đại học Luật Hà Nội (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 – Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016”.

Tham dự và chỉ đạo Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Hội thảo cũng có sự tham gia của gần 80 chuyên gia, các nhà báo, luật sư, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí và luật học.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi hội thảo khoa học thường niên “Diễn đàn báo chí tháng Sáu" do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức. Đây cũng là một trong những chương trình công tác năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao gắn với nhiệm vụ lập đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 để trên cơ sở đó định hình những quan điểm, tầm nhìn, kế hoạch mới để báo chí Việt Nam phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Sau 6 năm thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí. Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập do Luật Báo chí 2016 không theo kịp với sự đổi mới về khoa học và công nghệ thông tin, trong thời kỷ nguyên số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30/3/2022 báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Báo cáo nêu đã ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí. Những vấn đề đó cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: daibieunhandan.vn)

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Diễn đàn báo chí tháng Sáu lần thứ hai này đề cập đến một chủ đề rất thời sự, nóng bỏng hiện nay của báo chí Việt Nam. Luật Báo chí là khung khổ pháp lý quan trọng nhất để báo chí hoạt động trong bối cảnh xã hội và bản thân nền báo chí đang có nhiều biến động, chuyển đổi liên tục, đa chiều như hiện nay".

Nhà báo Trần Anh Tú, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông nhận định: "Để việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016 theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại cần thiết phải có sự tham gia đồng hành tích cực trên cả phương diện lý luận và thực tiễn của đông đảo chuyên gia nghiên cứu, các chuyên gia xây dựng chính sách, các nhà quản lý và đội ngũ những người làm báo, làm luật trên toàn quốc".

Hội thảo đi sâu vào các vấn đề chính, bao gồm: Đánh giá 6 năm thi hành Luật Báo chí 2016, phân tích thực trạng về công tác quản lý nhà nước và hoạt động báo chí và những nhóm vấn đề gợi mở cho nhiệm vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới; Phân tích dự báo, đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn về xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, những khó khăn thách thức trong việc thực hiện các chiến lược, chủ trương lớn phát triển báo chí Việt Nam (Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến 2030...) và cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.

Hội thảo cũng là dịp trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức thực thi Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề báo./.

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực