Làm rõ thêm cơ chế giám sát đối với Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Thứ sáu, 10/11/2017 18:32
(ĐCSVN)- Chiều 10/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trình bày Tờ trình dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

                                                       Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đọc Tờ trình tại Hội trường. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nhấn mạnh về sự cần thiết phải xây dựng Luật, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhằm Luật hóa chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về đặc khu kinh tế (ĐKKT) và xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về đơn vị HCKTĐB để áp dụng tại 3 đơn vị: HCKTĐB Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) theo Kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị.

 

Mặt khác, những năm gần đây, việc khai thác các tiềm năng tĩnh của nền kinh tế đang dần tới hạn và sức hút của các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC) sau 25 năm phát triển giảm dần, thiếu động lực phát triển đột phá. Mặc dù vậy, kinh nghiệm trong xây dựng, quản lý một số đặc khu, KCN, KCX, KKT, KCNC là tiền đề quan trọng để chúng ta thành lập các đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Đây là những đơn vị có vị trí chiến lược và có tiềm năng phát triển một số ngành, nghề có thể cạnh tranh quốc tế.

 

Thêm nữa, từ năm 1942, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã xây dựng, phát triển khá thành công các mô hình khu thương mại tự do, đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, thành phố tự do... Các đặc khu kinh tế này đã và đang trở thành đầu tàu phát triển, có tính lan tỏa và tiếp tục được hoàn thiện, thành lập mới ở trình độ cao hơn. Do vậy, cần có Luật điều chỉnh riêng để tạo cơ sở pháp lý áp dụng đối với mô hình phát triển mới tại 3 đơn vị: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

 

Quy định riêng về ngành, nghề ưu tiên phát triển đối với từng đơn vị HCKTĐB, Tờ trình nêu, Vân Đồn: phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không; dịch vụ thương mại và mua sắm. Bắc Vân Phong: phát triển các ngành công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, tài chính. Phú Quốc: phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm; dịch vụ quản lý tài sản; dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao; công nghệ sinh học.

 

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định một số chính sách ưu đãi riêng áp dụng đối với từng đơn vị HCKTĐB.

 

Đại biểu tham gia góp ý dự án Luật chiều 10/11. Ảnh: VA

 

Ngay sau đó, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật này. Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với những lý do như được nêu trong Tờ trình.

 

Bàn nhiều về tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB, hiện Chính phủ đề xuất và xin ý kiến Quốc hội về hai phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB, cụ thể là:

 

Phương án 1: Không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tại đơn vị HCKTĐB mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này;

 

Phương án 2: Tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB gồm có HĐND và UBND.

 

Theo đó, nhiều đại biểu như: Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng); đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc); đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa); đại biểu Trần Thanh Mẫn (Cần Thơ); Ngô Thị Minh (Quang Ninh)… đều tán thành phương án 1, vì cho rằng, như vậy mới tạo được sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB; bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị HCKTĐB.

 

Tuy nhiên hạn chế của phương án 1 theo các đại biểu Quốc hội là sẽ giao quá nhiều quyền cho Trưởng đặc khu thì khi đó có thể dẫn đến lạm quyền vì không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của HĐND, UBND. Do đó, các đại biểu đề nghị cân nhắc thêm để làm rõ hơn cơ chế thực hiện giám sát đối với Trưởng Đơn vị HCKTĐB bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực.

 

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nêu ý kiến, các khu hành chính được chọn phải chọn là những khu vực có những tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế, xây dựng cơ chế chính sách vượt trội để cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn trên thế giới nhằm thu hút đầu tư, kết nối phát triển lan tỏa theo vùng, tỉnh, và quốc gia.

 

Đại biểu chia sẻ thêm: Qua thực tế tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cho đến nay Quảng Ninh đã có quá trình xây dựng đề án, nghiên cứu và học tập các nước, cũng như vừa làm vừa báo cáo Bộ Chính trị. Chúng tôi thấy Quảng Ninh cũng đã chuẩn bị các bước cơ bản đảm bảo điều kiện để khi Quốc hội thông qua Luật thì có thể tổ chức thực hiện được ngay. Đề án Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn được thực hiện từ năm 2012, khi đó Quảng Ninh chỉ đạo xây dựng tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhận thấy Vân Đồn có đủ điều kiện để trở thành Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, có thể kết nối với Trung Quốc và các thị trường phát triển trên thế giới, vị trí gần cửa khẩu, có giao thông thuận lợi cả về đường hàng không, đường biển và đường bộ. Ngoài ra, Vân Đồn có cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, không chỉ Bái Tử Long là kỳ quan mà còn kết nối với Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên của thế giới, có thể thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, thu hút các nhà đầu tư. Quảng Ninh cũng đã nghiên cứu trên cơ sở học tập các nước, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà kinh tế, nhà khoa học đồng thời mời tư vấn nước ngoài tham gia xây dựng, nên đã học tập được kinh nghiệm của các nước, phục vụ xây dựng đề án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.

 

Đại biểu Đỗ Thị Lan kiến nghị, Dự án luật này đã đưa ra những mô hình mới với cơ chế, chính sách vượt trội và những quy định chưa có tiền lệ, nên quá trình xây dựng Luật cần có các văn bản quy phạm pháp luật để có thể thực hiện được ngay, nếu không sẽ vướng. Làm sao ban hành được Luật sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. 3 tỉnh đang chuẩn bị các bước sẵn sàng thu hút nhà đầu tư, tránh việc dành nhiều thời gian cho chuẩn bị.

 

Về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đồng tình cho rằng, chính sách thu hút đầu tư vào đơn vị HCKTĐB cần bảo đảm hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của các nhà đầu tư, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển của từng vùng, không ảnh hưởng đến văn hóa, môi trường và thiên nhiên. Việc xem xét, đánh giá về tác động của chính sách được đề xuất cần được tiến hành một cách toàn diện đối với các nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm các nhà đầu tư tiềm năng, các doanh nghiệp hiện hữu, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp cơ sở và tác động đối với cư dân địa phương./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực