Lễ kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân.
Dự Lễ kỷ niệm còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Cà Mau; các vị lão thành cách mạng; các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... các nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ, chức sắc tôn giáo, đại biểu các dân tộc tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; lãnh đạo, chỉ huy quân binh chủng, các đơn vị, lực lượng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; đại diện một số cơ quan Tổng Lãnh sự tại Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện các tầng lớp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Cách đây 50 năm, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ngay giữa lòng đô thị miền Nam, là một sự kiện chấn động, làm thay đổi hoàn toàn cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự kiện này đã mở ra bước ngoặt căn bản của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Pari, đơn phương ngừng ném bom không điều kiện miền Bắc, từng bước “phi Mỹ hóa” chiến tranh, rút quân về nước.
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã gửi lời tri ân sâu sắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc lãnh đạo tiền bối, các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, hiến dâng đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, mà Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một đỉnh cao chói lọi.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, tái hiện không khí hào hùng, sôi sục của những ngày này 50 năm trước
trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Ôn lại những ngày tháng hào hùng của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta để giành độc lập, tự do, được dẫn dắt, soi đường bởi sự lãnh đạo tài tình, đường lối đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là kết tinh vĩ đại sức mạnh toàn dân tộc, là thiên anh hùng ca bất diệt được viết nên bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ tuyệt vời và tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh của đồng chí, đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam - Bắc, hòa quyện ý Đảng với lòng dân, với khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; khát vọng hòa bình "Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn" như mong ước của Bác Hồ. Sức mạnh vô địch ấy là tinh thần dũng cảm vô song, mưu lược tài ba của các lực lượng vũ trang; sự tham gia đông đảo của các giới đồng bào, của các lực lượng chính trị, lực lượng quần chúng yêu nước. Từ thanh niên, sinh viên, học sinh đứng lên đấu tranh chính trị và cầm vũ khí sát cánh chiến đấu cùng các chiến sĩ quân giải phóng đến lực lượng phụ nữ tham gia vào các đội biệt động, điệp báo, trinh sát vũ trang, du kích, giao liên, dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong. Từ lực lượng giai cấp công nhân đến đội ngũ giáo chức, trí thức, các vị chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ và nông dân ở vùng ven đô thị tích cực tham gia phát loa, treo cờ, rải truyền đơn. Từ binh vận kêu gọi binh lính chế độ Sài Gòn bỏ ngũ đến bà con ở các lõm chính trị, các căn cứ “nhân tâm” của cơ sở cách mạng quần chúng ngay trong lòng đô thị, các gia đình cơ sở cách mạng nội thành chấp nhận hy sinh, mất mát, bất chấp hiểm nguy, vận chuyển, cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ chiến sĩ giữa vòng kìm kẹp gắt gao của địch. Trong thắng lợi chung của cả nước, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định với truyền thống kiên trung, quật khởi, nơi đầu sóng ngọn gió, chiến trường trọng điểm của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đã có những đóng góp và hy sinh to lớn.
Sức mạnh ấy càng được nhân lên bởi chính nghĩa sáng ngời của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước anh em, lực lượng tiến bộ, nhân dân yêu chuộng hoà bình, công lý trên toàn thế giới, kể cả nhân dân Mỹ.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm.
Bài diễn văn nhấn mạnh: Nửa thế kỷ đã đi qua kể từ mùa Xuân Mậu Thân hùng tráng ấy, khoảng thời gian đủ dài để chiêm nghiệm, đúc kết; một lần nữa khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử sâu sắc; để các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tự hào và tự tin, tiếp nối những giá trị lớn lao của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, là đỉnh cao chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc ở thế kỷ 20.
Tình hình, bối cảnh thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, thời cơ và thách thức đan xen; nguy cơ đe doạ sự ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ còn tiềm ẩn; các thế lực thù địch không ngừng phá hoại công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta; những hạn chế, yếu kém chủ quan trong quá trình phát triển còn tồn tại, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế còn hiện hữu. Đặc biệt, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tham nhũng gây xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đe doạ đến sự tồn vong của chế độ. “Thực tế đó đòi hỏi chúng ta trân trọng và tự hào về lịch sử hào hùng, phấn khởi trước những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới để làm động lực, hành trang và kinh nghiệm quý báu cho hiện tại và tương lai; nhưng tuyệt đối không được chủ quan, không được thoả mãn với những gì đã đạt được”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đúng vào dịp kỷ niệm thành lập Đảng 3/2/1930 - 3/2/2018 cũng là dịp làm sâu sắc hơn lòng tự hào về Đảng quang vinh, về sức mạnh dân tộc, tự tin tiếp nối tầm vóc ý nghĩa và bài học lịch sử của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng giúp Đảng ta rút ra những bài học thực tiễn quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Từ trong khói lửa chiến tranh mà trực tiếp là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cho thấy, vào những lúc khó khăn, gian khổ nhất, kể cả những lúc thực lực ta yếu hơn địch, chúng ta vẫn chiến đấu và chiến thắng vì được lòng dân, được nhân dân đùm bọc che chở, được nhân dân đi theo và ủng hộ.
Do đó, Đảng ta phải tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, để khẳng định uy tín của Đảng, khôi phục và củng cố niềm tin trước nhân dân, hiệu triệu và tập hợp được sức mạnh toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng hôm nay...
Để đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, để tiếp nối một cách xứng đáng sự hy sinh to lớn, niềm tin của quân và dân ta, của các thế hệ cán bộ lãnh đạo và đảng viên đi trước, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện hóa đất nước, bắt nhịp nhanh chóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Cùng với xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng an ninh từ trong thời bình, kết hợp xây dựng và phòng thủ đất nước làm cho dân giàu nước mạnh, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới; cần tăng cường giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, tình cảm cách mạng, đặc biệt cho thế hệ trẻ để lan tỏa các giá trị tốt đẹp, xây dựng đất nước thật sự phồn vinh bằng sức mạnh tinh thần như chúng ta đã làm được trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu phát biểu tại buổi lễ
Tại Lễ kỷ niệm, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia chỉ huy Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 xúc động cho biết: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt trong lịch sử đấu tranh và giải phóng dân tộc, ghi dấu một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất, một chiến thắng có ý nghĩa chiến lược mang tính bước ngoặt của quân giải phóng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đưa đến điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, thống nhất hoàn toàn đất nước.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu khẳng định, với niềm tự hào lịch sử vinh quang, những người cựu chiến binh cam kết sống xứng đáng với những hy sinh to lớn của các thế hệ chiến sỹ và nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Tự hào về Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, tự hào về truyền thống Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, các cựu chiến binh nguyện phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ, cống hiến hết mình cho nhiệm vụ xây dựng phát triển đất nước hôm nay.
Thay mặt thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm, sinh viên Nguyễn Thị Phương Nghi (trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, sinh viên 5 tốt cấp Trung ương) bày tỏ niềm tự hào trước những chiến công vang dội và lòng tri ân sâu sắc những anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến lịch sử cách đây 50 năm. Bạn Phương Nghi chia sẻ: Là thế hệ sinh ra trong hòa bình, không trực tiếp tham gia để cảm nhận hào khí của những ngày lịch sử Xuân Mậu Thân 1968 cũng như toàn bộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vĩ đại nhưng trong trái tim và khối óc của mỗi người trẻ hôm nay luôn giữ vững và cháy bỏng một niềm tin sâu sắc Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một biểu tượng sáng ngời của ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, tinh thần độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, là tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu.
Sinh viên Nguyễn Thị Phương Nghi đại diện cho thế hệ trẻ hôm nay phát biểu tại buổi Lễ
Ý thức được trách nhiệm của mình, thế hệ trẻ hôm nay nguyện sẽ nối tiếp mùa xuân 1968, tiếp tục tạo nên những đại thắng mùa xuân của đất nước, luôn cần cù, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất, xây dựng hình ảnh thanh niên thế hệ mới, tiến công vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, làm chủ khoa học công nghệ, tạo ra những công trình ích nước lợi dân và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Với nghị lực tràn đầy, với ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, được sống trong một môi trường hòa bình, đổi mới, phát triển của đất nước, tuổi trẻ Việt Nam nhất định nêu cao tinh thần tiến công, sáng tạo, đoàn kết cùng toàn Đảng, toàn dân phát huy các thành quả cách mạng vì Việt Nam mãi hùng cường.
Lễ kỷ niệm còn tái hiện không khí sục sôi, hào hùng của những tháng ngày lịch sử mùa Xuân Mậu Thân 1968 qua chương trình nghệ thuật đặc biệt với 3 chương: “Có một mùa xuân như thế” - “Khúc hát tri ân” - “Vang mãi những mùa xuân”./.