Sáng 29/6, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
|
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo (Ảnh: QH) |
Sau 27,5 ngày làm việc (đợt 1: từ ngày 20/5 đến ngày 8/6/2024; đợt 2: từ ngày 17/6 đến sáng ngày 29/6/2024) với tinh thần đoàn kết, dân chủ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác. Công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội.
Vì sao chỉ tăng lương hưu 15%?
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong (Ảnh: QH) |
Tại cuộc họp báo, lý giải việc tăng lương cơ sở 30% mà chỉ tăng lương hưu 15%, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, ở các lần điều chỉnh trước đã áp dụng tăng lương hưu. Theo tính toán, trong lần này, nếu chỉ tăng lương hưu 11,5% đã ngang bằng với mức tăng lương cơ sở 30% cho cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, do đời sống của người hưởng lương hưu còn khó khăn nên đã quyết định tăng lương ở mức 15% cho người về hưu.
"Mức tăng lương hưu như vậy là rất nhân văn" - ông nói.
Liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ: Chủ trương cải cách tiền lương toàn diện đã 3 lần lùi, thực hiện theo lộ trình với tinh thần làm thận trọng, chắc chắn, hiệu quả. Ban Chỉ đạo Cải cách tiền lương đã họp nhiều lần. Hiện nay, 4 nội dung đã được thực hiện và 2 nội dung chưa thực hiện được.
Đề cập đến nguyên nhân, theo ông Đặng Thuần Phong, việc xác định vị trí việc làm chưa đồng bộ, chưa có sự thống nhất tương đối với nhau giữa các bộ, ngành, địa phương dù chung một lĩnh vực. Bên cạnh đó, chế độ phụ cấp vẫn còn nhiều vướng mắc. Nếu không xử lý đồng bộ việc này sẽ có nhiều người thiệt thòi, nhất là người công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, người hưởng lương hưu trước và sau 1/7/2024 cũng có sự khác nhau, sẽ phát sinh bất cập, thiếu đồng bộ. Đặc biệt, vấn đề lớn hơn là phải sửa hơn 20 văn bản liên quan khi bỏ lương cơ sở nên Chính phủ chưa thể trình, xử lý được. Do đó, vấn đề này cần phải đánh giá rất kỹ lưỡng, cân đối nguồn lực.
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân cần tuân theo trình tự, thủ tục
Trả lời báo chí liên quan đến việc chưa đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết, trong Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đưa ra nhiệm vụ yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung các luật về thuế.
Tại phiên họp của Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội vừa qua, phản hồi ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có nêu vấn đề sửa đổi thuế thu nhập cá nhân liên quan tới xác định mức khởi điểm và giảm trừ gia cảnh.
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Ảnh: QH) |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận định, dư luận xã hội thấy đây là vấn đề cần triển khai ngay. Tuy nhiên, để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì phải tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ. Do đó, khi nào Bộ Tài chính - cơ quan trực tiếp phụ trách lĩnh vực này chuẩn bị và tham mưu giúp cho Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để đề nghị đưa dự án này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, báo cáo Quốc hội về việc bổ sung việc sửa đổi luật này vào kỳ họp gần nhất có thể.
"Việc này tuy là yêu cầu cấp thiết nhưng vẫn phải tuân theo các quy định về trình tự, thủ tục”, bà Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.
Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, bản chất là sửa đổi nhằm đưa 4 Luật trên có hiệu lực sớm hơn so với thời hạn có hiệu lực đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường đầu năm. Đây là chủ trương rất đúng đắn để sớm đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống.
Về băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội là khi Luật có hiệu lực sớm hơn thì có đảm bảo tính khả thi, đảm bảo việc ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành, ông Phan Đức Hiếu nêu rõ: Chính phủ đã có báo cáo chi tiết về mặt tiến độ và thể hiện cam kết, quyết tâm bằng những giải pháp rất cụ thể. Chính phủ đã và đang rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan có liên quan trong việc hoàn thiện các dự thảo, nghị định ở cấp Trung ương, văn bản của địa phương, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các luật từ ngày 1/8/2024.
Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 cũng nhấn mạnh, Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa./.