Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội xử lý vi phạm giao thông. Ảnh: TTXVN
Mục tiêu quan trọng của đợt cao điểm này là phòng ngừa, hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và ùn tắc giao thông kéo dài. Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tiến hành tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông…
Trên các tuyến giao thông đường bộ, lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; trọng tâm là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, như: chạy quá tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt sai quy định; chở quá tải, quá số người quy định; vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới; đón, trả khách không đúng nơi quy định; vi phạm về đội mũ bảo hiểm; không chấp hành tín hiệu điều khiển giao thông; không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không hợp lệ; xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm... Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng khai thác tối đa hiệu quả hệ thống giám sát, xử lý vi phạm, cân tải trọng và các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã được trang bị vào việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Cục Cảnh sát giao thông sẽ trực tiếp chỉ đạo cao điểm trên tuyến quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Thành phố Hồ Chí Minh với việc thành lập 5 cụm công tác phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát giao thông dọc tuyến để tăng hiệu quả công tác phát hiện, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông và phòng chống tội phạm.
Trên các tuyến giao thông đường sắt, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với chính quyền, Công an các địa phương và ngành Đường sắt tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, nơi tập trung nhiều phương tiện tham gia giao thông giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, các đường ngang phức tạp về an toàn giao thông, đường ngang không có cảnh giới, mở đường ngang trái phép; việc bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực nhà ga; việc chấp hành quy định về phòng, chống cháy nổ. Lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật công trình và thiết bị, phương tiện giao thông đường sắt, xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường sắt…
Trên các tuyến giao thông đường thủy nội địa, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp tiến hành đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông - trật tự xã hội, đình chỉ ngay các phương tiện thủy không đảm bảo các điều kiện an toàn, tập trung vào các đối tượng vận tải hàng hóa, các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, phương tiện chở khách ngang, dọc sông và các cảng, bến trái phép, không đủ điều kiện hoạt động. Các hành vi vi phạm như chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, chở quá số người quy định; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo an toàn kỹ thuật; không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; thuyền viên, người lái phương tiện thủy không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn giả... sẽ bị xử lý.
Cùng với việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác nắm tình hình, tập trung đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; chủ động phối hợp cùng các lực lượng nghiệp vụ khác để kịp thời phát hiện, bắt giữ các loại tội phạm trên tuyến giao thông; đồng thời phát động quần chúng tham gia vào công tác này. Phương thức tuần tra kiểm soát phối hợp với Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113, Cảnh sát hình sự cũng sẽ tiếp tục được thực hiện để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông, chống người thi hành công vụ, đua xe trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác./.