Mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ tư, 23/08/2017 18:50
(ĐCSVN) - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Ngài Bi-na-li In-đi-rim (Binali Yildirim) thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-24/8/2017.
Lễ đón chính thức Thủ tướng Bi-na-li In-đi-rim và Đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ
diễn ra trọng thể tại Phủ Chủ tịch.

Sáng 24/8, tại Phủ Chủ tịch, Lễ đón chính thức Thủ tướng Bi-na-li In-đi-rim và Đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ đã được diễn ra trọng thể. 

Tiếp đó, tại trụ sở Chính phủ, hai bên đã tiến hành hội đàm. Trong bầu không khi thân tình và hữu nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu thăm chính thức Việt Nam, coi chuyến thăm là mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ hai nước.

Hai nhà Lãnh đạo đã trao đổi về tình hình mỗi nước cũng như những vấn đề quốc tế và khu vực cả hai nước cùng quan tâm. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ngưỡng mộ với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu về kinh tế - xã hội của Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN và mong Việt Nam là cầu nối để Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, một tổ chức có vai trò quan trọng trong khu vực và thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và khẳng định sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ của ASEAN với các nước, các đối tác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.

Về quan hệ chính trị, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, khuyến khích quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước. Hai Thủ tướng khuyến khích tăng cường hợp tác giữa các tổ chức hữu nghị hai nước cũng như phát triển quan hệ giữa các thành phố kết nghĩa hai nước, cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Thủ tướng Bi-na-li In-đi-rim đề nghị Việt Nam ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ ứng cử vào Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021 và bày tỏ ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Hai nhà Lãnh đạo chia sẻ những quan ngại về tình hình khủng bố ngày càng gia tăng hiện nay, khẳng định cùng ủng hộ mọi nỗ lực của khu vực, quốc tế nhằm chống khủng bố, mang lại hòa bình, ổn định trên toàn thế giới nói chung và tại các khu vực, trong đó có khu vực Trung Đông.

Hai bên đã trao đổi về tình hình biển Đông. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bi-na-li In-đi-rim khẳng định ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì ổn định khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng; ủng hộ lập trường của Việt Nam và các nước ASEAN về việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Hai Thủ tướng đã trao đổi sâu sắc về các chủ trương, biện pháp để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước. Hai Thủ tướng hoan nghênh kết quả cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 7 vào tháng 7 vừa qua, khẳng định hai Chính phủ cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 4 tỉ USD vào năm 2020 thông qua tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bi-na-li In-đi-rim đề nghị nghiên cứu để có thể phát triển hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bi-na-li In-đi-rim tiến hành hội đàm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đoàn doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, mong rằng thông qua các tiếp xúc lần này, các doanh nghiệp sẽ phối hợp, hợp tác cụ thể thúc đẩy trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh đầu tư, khuyến khích giao lưu nhân dân, du lịch giữa hai nước. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị phía Thổ Nhĩ Kỳ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, đồng thời đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ bãi bỏ nhiều loại thuế phi lý đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như giày dép, sợi, dây cu-roa/băng truyền tải, điều hòa nhiệt độ, điện thoại di động...

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải (đặc biệt là hợp tác hàng hải, đóng tàu, đào tạo thủy thủ; khuyến khích hợp tác giữa các hãng hàng không hai nước như Turkish Airline và Vietnam Airlines), khoa học – công nghệ, văn hóa – giáo dục, trao đổi hợp tác giữa các trường đại học hai nước, an ninh – quốc phòng và ngoại giao nhân dân. Thủ tướng Bi-na-li In-đi-rim mong muốn khuyến khích sinh viên hai nước đi học văn hóa, ngôn ngữ của nhau, đề nghị hai bên xem xét cấp học bổng cho sinh viên của nhau.

Hai Thủ tướng nhất trí trong năm 2018, hai nước sẽ cùng phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực và ý nghĩa kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1978-2018).

Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận giữa Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Hải quan và Thương mại nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác và hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan, Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Kinh tế nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ về Hợp tác trong lĩnh vực khu tự do/khu chế xuất/khu kinh tế/khu kinh tế đặc biệt, Kế hoạch triển khai hợp tác 2017-2018 giữa Viện Tiêu chuẩn Thổ Nhĩ Kỳ (TSE), nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ, và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ), nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.    

Tin, ảnh: Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực