Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Ngày 27/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo đó, quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền (Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ).
Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.
Quyết định có hiệu lực ngày 01/12/2023.
Bổ sung thêm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí
|
Ảnh minh họa. Nguồn: TL. |
Kể từ ngày 03/12/2023, Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ có hiệu lực.
Theo đó, Nghị định 75 bổ sung nhiều điểm mới, có tính đột phá, gỡ được các "nút thắt" vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, tạo thuận lợi cho công tác KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Nghị định bổ sung và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, sửa đổi mức hưởng bảo hiểm y tế và tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Trong đó, bổ sung 02 nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước (NSNN) đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT, gồm: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng (ATK) vào nhóm được NSNN đóng; Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm được NSNN hỗ trợ đóng BHYT (hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 01/11/2023).
Quy định mới về thời hạn và lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước
Nghị định số 78/2023/NĐ-CP Chính phủ có hiệu lực từ 22/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
|
Quy định mới về thời hạn và lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước. Ảnh: TL. |
Trong đó, Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi thời hạn và lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước. Theo quy định mới, mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định, bảo đảm nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay được ký hợp đồng tín dụng kể từ ngày 22/12/2023, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ; ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với các khoản nợ vay này.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam căn cứ vào kết quả thẩm định dự án, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án và khả năng trả nợ của khách hàng để quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 22/12/2023.
Người bị bạo lực gia đình sẽ được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu khi thực hiện cấm tiếp xúc
Nghị định 76/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.
Trong đó, nêu rõ quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua địa chỉ quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 19 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Một trong những nội dung đáng chú ý là tại Điều 38, Nghị định 76 đã quy định mức chi hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình gồm các khoản: Tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình: Theo quyết định của UBND cấp tỉnh; Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu khi thực hiện cấm tiếp xúc: Mức chi như đối tượng bảo trợ xã hội; Thanh toán chi phí KCB nếu người bị bạo lực gia đình bị tổn hại sức khỏe được chăm sóc, điều trị tại cơ sở KCB./.