Mỹ ủng hộ thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine

Thứ năm, 16/02/2017 15:32
(ĐCSVN) – Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang ở thăm Mỹ ngày 15/2, Tổng thống Donald Trump đã cam kết ủng hộ mục tiêu về một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine, tuy nhiên không nói rõ ràng có ủng hộ giải pháp hai nhà nước hay không.

Cuộc hội đàm ngày 15/2 giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Benjamin Netanyahu
là cuộc hội đàm đầu tiên kể từ khi ông Trump nhậm chức. (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, phát biểu tại cuộc họp báo, người đứng đầu Nhà Trắng còn cho biết: “Tôi muốn nhìn thấy các bạn từ bỏ một chút trên những khu định cư này”.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói rằng ông đồng ý với những lời của người đồng nhiệm Donald Trump về các khu định cư. Trong một tuyên bố đưa ra tại Ramallah (khu Bờ Tây), ông Abbas kêu gọi đáp ứng lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ và của cộng đồng quốc tế "bằng cách ngừng tất cả các hoạt động định cư, bao gồm cả ở Đông Jerusalem".

Kể từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức ngày 20/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thông qua việc xây dựng thêm 6.000 ngôi nhà tại khu vực Bờ Tây và Đông Jerusalem. Việc làm này đã bị cộng đồng quốc tế đặc biệt lên án, song Tổng thống Mỹ Donald Trump thời điểm đó lại đưa ra lập trường về các khu định cư của Israel mềm mỏng hơn người tiền nhiệm Barack Obama.

"Đi tìm" một thỏa thuận hòa bình thực sự

Về cuộc khủng hoảng tại Trung Đông nói chung, Tổng thống Donald Trump tái khẳng định quan điểm truyền thống của Washington và cho biết Mỹ sẽ ủng hộ một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine: “Mỹ sẽ ủng hộ hòa bình và một thỏa thuận hòa bình thực sự”. Ông Trump cam kết sẽ hợp tác thiết thực để làm việc về vấn đề này song không đưa ra những định hướng cụ thể. Ngoài ra, theo người đứng đầu Nhà Trắng, “chính các bên phải tự đàm phán trực tiếp về một thỏa thuận như vậy”.

Kêu gọi cả hai bên phải thỏa hiệp, ông Donald Trump đặc biệt kêu gọi người Palestine thoát khỏi "hận thù" bị cáo buộc chống lại Israel.

Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đưa ra một số điều kiện, trong đó ông đánh giá rằng các vấn đề về khu định cư "không phải là trung tâm của cuộc xung đột" và một lần nữa kêu gọi sự công nhận "nhà nước Do Thái" của Israel.

Trong tuyên bố chung được đưa ra, hai bên tuyên bố một "ngày mới" đối với quan hệ Mỹ - Israel.

Khả năng thay đổi chính sách

Dù khẳng định ủng hộ một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine, song tân Tổng thống Mỹ tránh trả lời về việc Washington có công khai ủng hộ giải pháp hai Nhà nước cho cuộc xung đột Israel – Palestine hay không. “Tôi đang xem xét giải pháp về một Nhà nước, và giải pháp hai Nhà nước (…) và nếu Israel và Palestine hài lòng, tôi cũng hài lòng với những gì họ ưa thích hơn. Cả hai đều phù hợp với tôi.” - ông tuyên bố.

Trước đó, hôm 14/2, Nhà Trắng đã phát đi tín hiệu cho thấy sự thay đổi trong chính sách của chính quyền của Tổng thống Donald Trump, dừng việc ủng hộ giải pháp hai Nhà nước đối với cuộc xung đột Trung Đông. Một quan chức cấp cao giấu tên của Nhà Trắng cho rằng Mỹ không nhất thiết theo đuổi giải pháp một Nhà nước Palestine bên cạnh Israel và sẽ không gây sức ép để buộc Israel phải đàm phán với người Palestine. Tuy nhiên, quan chức trên cho biết Washington ủng hộ những gì mà hai bên đã nhất trí với nhau.

Kể từ nhiều thập kỷ qua, giải pháp dựa trên nguyên tắc chung sống hòa bình của Israel và Palestine vốn luôn là trọng tâm trong quan điểm của Washington và cộng đồng quốc tế.

Và nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược quan điểm về vấn đề này thì sẽ có thể làm dấy lên làn sóng giận dữ của thế giới Hồi giáo, đặc biệt là từ các nước dòng Sunni vốn luôn mong muốn Mỹ ủng hộ họ trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các phần tử thánh chiến dòng Shiite tại Iran.

Ngoài ra, người Palestine ngày 15/2 cũng đưa ra cảnh báo đối với chính quyền của tân Tổng thống Mỹ nếu ông Donald Trump từ bỏ giải pháp hai Nhà nước, đồng thời bày tỏ quan ngại về những tuyên bố khác nhau của Tổng thống Donald Trump về vấn đề này.

“Nếu chính quyền của ông Trump bác bỏ chính sách này, điều này sẽ phá hủy các cơ hội hòa bình và làm suy yếu các lợi ích, quan điểm và độ tin cậy của Mỹ đối với nước ngoài” – bà Hanan Ashrawi, một thành viên ban lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho biết.

Còn tổ chức Hồi giáo Hamas kiểm soát tại Dải Gaza thì lên án "một trò chơi dối trá" của Washington.

Trong khi đó, phát biểu nhân chuyến thăm tới Ai Cập ngày 15/2, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres một lần nữa nhấn mạnh rằng giải pháp hai Nhà nước là giải pháp duy nhất có thể cho cuộc xung đột Israel – Palestine. Tại cuộc họp báo với Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tại Cairo, ông Guterres nêu rõ: “Trước hết, chúng tôi hoàn toàn nhất trí việc liên quan tới tình hình giữa Palestine và Israel, không có một giải pháp nào khác là giải pháp hai Nhà nước và mọi thứ phải được thực hiện để bảo tồn khả năng này”. Ngoài ra, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố với một "quyết tâm toàn diện" và vấn đề hiệu quả là phải "tìm được các giải pháp chính trị cho các cuộc khủng hoảng trong khu vực". Theo ông, điều quan trọng là các cuộc đàm phán Geneva về Syria phải được tổ chức.

Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng cam kết ủng hộ giải pháp hai Nhà nước trong một bài phát biểu vào năm 2009 và từ đó nhiều lần tái khẳng định mục tiêu này. Tuy nhiên, nhiều thành viên trong chính phủ của ông tin rằng tình hình không có lợi cho việc tạo ra một Nhà nước Palestine vì tình hình bất ổn tại khu vực và sự chia rẽ của người Palestine.

Cuộc hội đàm ngày 15/2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là cuộc hội đàm đầu tiên kể từ khi ông Trump nhậm chức. Chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Netanyahu cũng được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ hội để Washington và Tel Aviv thảo luận về nhiều vấn đề nổi bật trong quan hệ hai nước, trong đó đặc biệt là tiến trình hòa bình Trung Đông. Đây cũng được xem là khởi đầu cho một chương mới tích cực hơn trong quan hệ giữa hai nước, nhất là sau khoảng thời gian bất đồng giữa Thủ tướng Netanyahu và chính quyền của Tổng thống Barack Obama./.

Khánh Linh (Tổng hợp theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực