Toàn cảnh hội nghị triển khai công tác nội vụ năm 2018 (Ảnh: KT)
Sáng 18/1, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác năm 2018. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Tinh giản 33.459 người
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, năm 2017 được xác định là năm trọng tâm về công tác tổ chức cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bằng sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Bộ và ngành Nội vụ đã tổ chức triển khai thực hiện và cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đạt được những kết quả quan trọng.
Điểm lại những kết quả hoạt động, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã triển khai nhiều hoạt động, kịp thời giải quyết những vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.
Đáng chú ý, về tổ chức bộ máy và biên chế, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng thông tin, năm vừa qua, cả nước đã tinh giản biên chế với tổng số 33.459 viên chức, công chức. Bên cạnh đó, Bộ thẩm định số lượng người làm việc trong các sự nghiệp công lập ở 42 địa phương, và tiếp tục tiến hành với 21 địa phương khác trong năm 2018.
Trong năm 2017, ngành đã hoàn thành tốt các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào các lĩnh vực như: Quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức; ký hợp đồng lao động chuyên môn; tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm công chức viên chức lãnh đạo, quản lý…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là tại một số bộ, ngành, địa phương việc thực hiện tinh giản biên chế chưa theo đúng mục tiêu, trình tự quy định. Việc giải quyết tinh giản biên chế mới chỉ dừng ở việc giải quyết theo nguyện vọng cá nhân, chưa thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu và chưa căn cứ vào kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển... cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận. Số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra của ngành Nội vụ còn ít; nội dung thanh tra, kiểm tra chưa bao quát hết các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành Nội vụ.
Kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số nơi còn lỏng lẻo, vẫn còn tình trạng tùy tiện do thiếu quy định về quy trình, thủ tục giải quyết công việc ở các cơ quan hành chính nhà nước...
Có nhất thiết phải kéo về Hà Nội thi nâng ngạch công chức hay không?
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình biểu dương những kết quả, thành tích trong công tác của ngành Nội vụ năm 2017. Theo đó, Bộ Nội vụ đã hoàn thành việc xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều đề án lớn về công tác tổ chức bộ máy, công chức, công vụ; công tác xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ được quan tâm chỉ đạo, triển khai đã góp phần xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu quả; Bộ Nội vụ đã chú trọng thể chế hóa chính sách tinh giản biên chế bước đầu góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức...
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, ngành Nội vụ còn những hạn chế, tồn tại như: xây dựng ban hành thể chế còn chậm; còn tình trạng xin lùi, xin rút văn bản, đề án khỏi Chương trình công tác; kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm; công tác cán bộ, thanh kiểm tra chưa toàn diện... Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị cần thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại.
Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra trong năm 2018 nặng nề, Chính phủ với phương châm xây dựng Chính phủ kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ phải hết sức gương mẫu, phát huy vai trò trong tham mưu giúp Chính phủ trong lĩnh vực nội vụ.
Với tinh thần ấy, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ thực hiện tập trung trí tuệ, đầu tư nghiên cứu hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế trong lĩnh vực công vụ, công chức, bảo đảm tương thích với những quy định của Đảng về công tác cán bộ. “Ngay từ bây giờ, cần chủ động triển khai nghiên cứu đánh giá tác động, bắt tay xây dựng các dự án luật; thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; xây dựng Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Luật Tổ chức chính quyền địa phương...” – Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất phương án có chính kiến, kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế theo tỷ lệ mục tiêu đã đề ra. Tăng cường thanh tra công vụ, đề bạt cán bộ, hạn chế những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các văn bản khi trình Chính phủ. Đồng thời quyết liệt hơn nữa, thu hút người có tài có đức vào bộ máy hành chính nhà nước.
Ngoài ra, rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đầu mối theo nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc nhưng một việc do một tổ chức chủ trì, chịu trách nhiệm. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm tỷ lệ người phục vụ khối văn phòng, hành chính.
Đáng chú ý, về vấn đề thi nâng ngạch công chức, Phó Thủ tướng đề nghị cần đánh giá lại hiệu quả thực tế của việc thi nâng ngạch công chức xem thực chất thế nào, có hình thức hay không. Phó Thủ tướng đặt vấn đề: “Có nhất thiết phải tổ chức thi để rồi ở các địa phương kéo về Hà Nội thi hay không, trong khi chuyên viên ở các địa phương công việc rất nhiều, làm bù đầu. Mà nhiều người kinh nghiệm qua thực tiễn thì rất giỏi nhưng khi thi lại rớt. Dư luận nói là có vấn đề tiêu cực này kia”. Đồng thời, đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu theo hướng có đánh giá, xác định có tiếp tục duy trì thi nâng ngạch không hay xác định ngạch công chức theo những tiêu chí rõ ràng, khoa học về trình độ, năng lực, đạo đức, kinh nghiệm... để nâng ngạch.
Về vấn đề cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ cần nghiên cứu đánh giá kỹ đề đề xuất, tham mưu... tiêu chí để xác định là đặc thù. “Không để ngành nào cũng bảo đặc thù nhưng cuối cùng không có đặc thù nào, ngành nào cũng bảo quan trọng nhưng lại quan trọng như nhau” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong công tác thi đua khen thưởng, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ làm tốt hơn nữa đảm bảo thi đua khen thưởng thực chất: đúng người, đúng thành tích, không cào bằng, không hình thức.../.