Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC nêu rõ: Cải cách tư pháp là chủ trương lớn thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp nhằm bảo vệ công lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đối với hệ thống TAND, từ những định hướng về cải cách tư pháp trong các nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật, TANDTC đã chỉ đạo TAND các cấp triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng xét xử, hướng đến xây dựng một nền tư pháp trong sạch, phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Trong 3 năm qua, với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ mang tính đột phá, TAND các cấp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, tạo sự chuyển biến tích cực trên các mặt trận công tác, đặc biệt là công tác xét xử các loại vụ án được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: TH).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xét xử của các Tòa án vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần thẳng thắn nhìn nhận như: vẫn còn tình trạng vi phạm thời hạn xét xử các vụ án hình sự; vi phạm trong quá trình thụ lý đơn khởi kiện dân sự; tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán còn cao…
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Xét xử là hoạt động trụ cột của Tòa án các cấp. Do đó, sơ kết việc thực hiện nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW là công việc rất quan trọng, gắn chặt với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án.
Đặc biệt, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và đặc biệt diễn ra đúng dịp kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống TANDTC. Đây cũng là lần đầu tiên TANDTC tổ chức Hội nghị có sự tham gia của Chánh án 4 cấp Tòa án.
Trên tinh thần đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào 14 nhóm giải pháp mà TANDTC nhằm đưa ra các giải pháp chuyên nghiệp, đột phá, mang tính khả thi để nâng cao chất lượng công tác xét xử trong thời gian tới.
Hội nghị làm việc theo tổ, tập trung thảo luận, đánh giá lại toàn bộ các giải pháp mà tòa án các cấp đã triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua, hiệu quả trong thực tiễn áp dụng; đồng thời nêu lên các vướng mắc, khó khăn, bất cập… Trên cơ sở đó, tập trung đưa ra các giải pháp, phương hướng để tháo gỡ khắc phục những hạn chế, thiếu sót nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án trong thời gian tới.
Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày từ 11-12/9/2017.
Theo báo cáo TANDTC, từ ngày 01/10/2014 đến 31/7/2017, các Tòa án đã giải quyết được 1.072.451 vụ án các loại trong tổng số 1.336.861 vụ án đã thụ lý, tăng hơn 205.767 vụ so với cùng kỳ của 3 năm trước (2012-2014), số lượng các vụ án Tòa án phải giải quyết; đã giải quyết tăng 188.081 vụ.
Hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật; số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Tòa án đã giảm mạnh qua từng năm, tính đến 31/7/2017 chỉ còn 195 vụ. Chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được đảm bảo, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối với các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cũng như cả nước. |