Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo ở Việt Nam

Thứ bảy, 18/11/2023 09:47
(ĐCSVN) - Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, việc đi sâu phân tích, trao đổi, mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại trong chính sách pháp luật về báo chí, phản ánh những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo để kịp thời đưa ra những giải pháp sửa đổi, khắc phục tồn tại là một đòi hỏi cấp thiết trong đời sống báo chí và đội ngũ những người làm báo

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu kết luận hội nghị. 

Chiều 17/11, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì hội nghị.

Sau 6 năm thực hiện, Luật Báo chí 2016 gắn với 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam nhận được nhiều đánh giá tích cực từ những người làm báo và toàn xã hội. Với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí, công tác báo chí mang tính thời đại, Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, là chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nổi lên một số tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới.
 
Kể từ khi thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, báo chí đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. 

Đội ngũ những người làm báo trong cả nước đã trưởng thành, vững vàng, tự tin tiếp bước các thế hệ làm báo đi trước làm chủ công nghệ, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống và nền tảng lý luận, tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đội ngũ người làm báo đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà báo, hội viên trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, lao động cần cù, sẵn sàng hi sinh, cống hiến vì lợi ích của nhân dân, đất nước.

Tuy nhiên, hoạt động báo chí còn một số tồn tại, bất cập. Hiện tượng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, thổi phồng, bóp méo sự thật có chiều hướng ngày càng tăng. Đã xuất hiện hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí với nhiều cách thức tinh vi, đối phó với các biện pháp quản lý của cơ quan chức năng nhằm mục đích tống tiền hoặc vì động cơ không trong sáng khác...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận về một số nội dung: Giải pháp nâng cao trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực thi Luật Báo chí 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo. 

Các đồng chí chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Khắc Kiên)

Từ thực tiễn hoạt động báo chí ở địa phương nêu ra một số đề xuất kiến nghị về việc sửa đổi bổ sung Luật Báo chí 2016; đề xuất những giải pháp để thực hiện tốt 10 điều quy định nghề nghiệp người làm báo; phân tích thực trạng, đưa ra các giải pháp đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ thu hút hội viên là phóng viên thường trú, các văn phòng đại diện về sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương.

Các ý kiến cũng bày tỏ mong muốn Hội nhà báo các địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong chỉ đạo, quản lý báo chí, xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, nhấn mạnh vai trò của các cấp Hội nhà báo phát huy tính chủ động, quyết liệt trong công tác phòng ngừa, chấn chỉnh những sai phạm của hội viên trong việc tham gia mạng xã hội; kiến nghị về việc cần có quy định chặt chẽ về kinh tế báo chí trong Luật Báo chí; đi sâu phân tích mối quan hệ giữa nhiệm vụ triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” với việc thực hiện Luật Báo chí, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Lợi, việc đi sâu phân tích, trao đổi, mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại trong chính sách pháp luật về báo chí, phản ánh những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo để kịp thời đưa ra những giải pháp sửa đổi, khắc phục tồn tại là một đòi hỏi cấp thiết trong đời sống báo chí và đội ngũ những người làm báo, góp phần xây dựng một nền báo chí Xanh, lành mạnh tích cực, xứng đáng với niềm tin của Đảng, nhà nước, nhân dân đối với nền báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo, là nền tảng vững chắc để xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam luôn giữ “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.

 Ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát hiện vi phạm góp phần nâng cao đạo đức người làm báo. (Ảnh tư liệu)

Qua quá trình thảo luận, Hội nghị đã đề xuất một số kiến nghị, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 8 Luật Báo chí theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam trong giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo; thường xuyên theo dõi giám sát, kiểm tra kết luận hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và tăng cường xử lý vi phạm của hội viên, nhà báo.

Có quy định thêm về Hội Nhà báo, cơ quan báo chí trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí. Ngoài quy định về nhà báo và phóng viên thường trú, cần bổ sung quy định chặt chẽ về Văn phòng đại diện, về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên ở văn phòng đại diện ở các địa phương để tránh những kẽ hở trong phối hợp với địa phương trong thu nhận, cung cấp thông tin. 

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin truyền thông, Hội Nhà báo các cấp trong chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí; giáo dục, rèn luyện, đào tạo, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh vững vàng, đạo đức trong sáng, ý thức, trách nhiệm công dân trong hoạt động nghề nghiệp.

Quán triệt, tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo. Đề xuất, kiến nghị kịp thời các biện pháp giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về báo chí và pháp luật liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, phát huy tối đa lợi thế của mình trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin xã hội.

Luật cần quy định chặt chẽ việc tuyển dụng phóng viên của các cơ quan báo chí (về nhận thức ,về chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, ngoại ngữ, tin học) để nâng cao chất lượng, hạn chế những sai sót của phóng viên. Cần quy định hoạt động của các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ phóng viên trong cơ quan báo chí dưới 2 năm, chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo... 

Cần có những quy định cụ thể trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí để góp phần định hướng truyền thông trên môi trường số, đồng thời ngăn chặn những tiêu cực có thể nảy sinh từ xu hướng đang phát triển mạnh mẽ.

Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo; mở các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các các quan báo chí, chú trọng đội ngũ các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cơ quan cần phối hợp có hướng dẫn văn phòng đại diện về việc sử dụng cộng tác viên; có được trực tiếp tuyển cộng tác viên hay không, được sử dụng cộng tác viên trong trường hợp nào...

Các cấp Hội phát huy vai trò của Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam trong việc phòng ngừa, xử lý sai phạm cũng như kịp thời can thiệp bảo vệ quyền hành nghề của hội viên - nhà báo; tăng cường kiểm tra theo chuyên đề thực hiện Điều lệ Hội và Quy định đạo đức nghề nghiệp của Người làm báo Việt Nam ở các tổ chức hội./.

Khắc Kiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực