Nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tại tỉnh Nam Định

Thứ bảy, 09/12/2023 16:49
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng và những vấn đề đặt ra về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tại tỉnh Nam Định” là diễn đàn khoa học cần thiết và quan trọng, tác động không chỉ đối với tỉnh Nam Định mà còn các tỉnh thành khác trên toàn quốc.

Ngày 9/12, Viện Nghiên cứu khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và những vấn đề đặt ra về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tại tỉnh Nam Định”. Với sự tham gia của 30 đại biểu đến từ Học viện Hành chính Quốc gia, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định, Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cải cách hành chính tại tỉnh Nam Định.

 PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Mai Tuấn)

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh, sự phát triển kinh tế nhanh, tăng trưởng ấn tượng và bền vững của các địa phương trong thời gian vừa qua có sự nỗ lực, hợp sức của các cơ quan nhà nước trong tiến trình cải cách hành chính nhà nước và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Chất lượng quản trị khác nhau có tác động khác nhau tới tăng trưởng kinh tế của địa phương, địa phương càng minh bạch thông tin trong quản lý sẽ giảm chi phí giao dịch, tạo ra được sự tin tưởng của khu vực tư nhân trong đầu tư làm cho các chính sách công trở nên dễ dàng tiếp cận, tạo môi trường kinh doanh ổn định, giúp cộng đồng doanh nghiệp, người dân yên tâm.

Trên thế giới đã thực hiện nhiều thước đo năng lực quản trị của các quốc gia và địa phương như Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của Liên hợp quốc, Chỉ số phát triển con người (HDI) của UNDP, Bộ chỉ số Chính phủ tốt Chandler (CGGI), Singapore…

PGS.TS. Lương Thanh Cường cho rằng, việc đánh giá hiệu quả quản trị quốc gia và địa phương là hết sức cần thiết, đó là cơ sở lý thuyết và thực tiễn bảo đảm có thêm căn cứ khách quan mức độ bền vững, phát triển của quốc gia và địa phương trong quá trình cạnh tranh quốc tế và khu vực. Để đo lường chất lượng, khả năng quản trị quốc gia và quản trị địa phương ở Việt Nam có rất nhiều chỉ số như Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). 

Trong đó, Chỉ số PAPI do UNDP khởi xướng từ năm 2009, PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam với nội dung đánh giá xây dựng, thực thi và giám sát chính sách và cung ứng các dịch vụ công. Đây là chỉ số duy nhất đo lường một cách toàn diện, có hiệu quả năng lực quản trị và hành chính công của địa phương. Chỉ số PAPI là công cụ hữu hiệu góp phần cải thiện sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chỉ số PAPI đã thúc đẩy việc tự đánh giá các cấp chính quyền địa phương đạt được và chưa đạt được để đổi mới cơ chế hoạt động, đề ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện cho người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tạo lập cơ chế cạnh tranh lành mạnh giữa các chính quyền địa phương, là công cụ tham khảo một số ngành như nội vụ, giáo dục, y tế, thanh tra… tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; bảo đảm quyền con người đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương; thúc đẩy đổi mới sáng tạo khu vực công và nâng cao chất lượng, hiệu quả điều hành quản trị quốc gia hiệu quả, khoa học.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: Mai Tuấn)

Trong những năm qua thực hiện sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh… Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã coi công tác cải cách hành chính là một trong ba khâu đột phá tạo động lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện Quyết định số 2084/QĐ-UBND ngày 28/9/2021của UBND tỉnh ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 34/CT-UBND ngày 07/10/2021 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 111/KHUBND ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh về kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025… là một trong những biện pháp then chốt, quyết liệt để thực hiện nâng cao chất lượng quản trị địa phương tại tỉnh Nam Định.

PAPI được đo tại tỉnh Nam Định từ năm 2011 đến nay, đa phần các chỉ số thành phần của tỉnh được xếp vào nhóm các các chỉ số cao hoặc trung bình cao, tuy nhiên, cũng có một vài chỉ số trung bình thấp hoặc thấp như chỉ số môi trường…. Sở Nội vụ đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện hội nghị phân tích các thành phần của các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI… để đánh giá trách nhiệm của từng địa phương, từng cơ quan, tổ chức đang đứng ở vị trí nào, cao hay thấp, nguyên nhân của việc tăng lên hay sụt giảm các chỉ số cải cách hành chính.

Năm 2021, Nam Định đạt 43,81 điểm, nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), điểm tổng hợp PAPI năm 2022 của tỉnh Nam Định đạt 43,14 điểm, xếp thứ 19/61 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước (hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang không đưa số liệu vào báo cáo do dữ liệu bị nhiễu). Tỉnh Nam Định mặc dù có chỉ số PAPI thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, tuy nhiên, trong hơn 10 năm thực hiện chỉ số PAPI tỉnh Nam Định chưa bao giờ được xếp là một trong những tỉnh nằm trong danh mục cao nhất của cả nước.

Năm 2023, Nam Định xếp thứ 6 toàn quốc về mức tăng trưởng GRDP. Chất lượng quản trị, cung cấp dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính của tỉnh Nam Định luôn thuộc tốp dẫn đầu toàn quốc. PGS.TS. Lương Thanh Cường tin tưởng, Hội thảo khoa học với chủ đề: “Thực trạng và những vấn đề đặt ra về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tại tỉnh Nam Định” là diễn đàn khoa học cần thiết và quan trọng, tác động không chỉ đối với tỉnh Nam Định mà còn các tỉnh thành khác trên toàn quốc và có ảnh hướng tới các quốc gia trên thế giới. Theo đó, các nhà khoa học, doanh nghiệp và chính quyền địa phương các cấp có cơ hội để nghiên cứu, tham vấn, đánh giá, chỉ ra những bất cập, hạn chế nhằm hoàn thiện hơn nữa cơ chế, thể chế và chính sách quản trị ở địa phương.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định khẳng định, trong năm 2023 tỉnh Nam Định lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng 2 con số, đứng thứ 6 toàn quốc và thứ 3 khu vực đồng bằng Sông Hồng sau Quảng Ninh và Hải Phòng. Mặc dù kinh tế của Nam Định chỉ đóng góp quy mô nhỏ tăng trưởng chậm so với toàn quốc, nhưng cải cách hành chính, Chỉ số giá tiêu dùng (PCI) đứng thứ 31/63 tỉnh thành cả nước, xếp thứ 19/61 về quản trị hành chính công cấp tỉnh. Năm nay cũng là năm đầu tiên Nam Định đạt thu ngân sách vào 10. 000 tỷ và hoàn thành kế hoạch của cả nhiệm kỳ.

Ông Trần Minh Hoan mong muốn, qua Hội thảo, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu sẽ đưa ra những tham mưu, đề xuất để tỉnh Nam Định giải quyết được những "điểm nghẽn" nhằm tiếp tục cải thiện những kết quả đạt được, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh nhà./.

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực