Suốt chặng đường 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (12/9/1945 - 12/9/2024), ngành Cơ yếu Việt Nam luôn xứng đáng là lực lượng đặc biệt tin cậy, cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
|
Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, Ban Cơ yếu Chính phủ luôn chú trọng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. |
Chặng đường 79 năm hình thành và phát triển
Cách đây tròn 79 năm, ngày 12/9/1945, Ban Mật mã quân sự - tổ chức tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu vào đúng thời khắc lịch sử “ngàn cân treo sợi tóc” của cách mạng Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trong Chỉ thị thành lập Ban Mật mã quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt tin tưởng giao trọng trách cho ngành Cơ yếu: “Phải tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ chính quyền cách mạng”. Người nhấn mạnh: “Giữ bí mật Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch”[1]. Với ý nghĩa đó, ngày 09/05/1950, khi đến thăm lớp đào tạo nhân viên mật mã thuộc Phòng Mật mã, Bộ Tổng tham mưu tại rừng Bản Cọ, xã Yên Thông (Định Hóa, Thái Nguyên), Người đã căn dặn: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang... Bác dặn các cô, chú: Làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa”. Thực hiện lời huấn thị của Bác, ngành Cơ yếu Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, nỗ lực vượt qua muôn ngàn khó khăn thử thách, vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa nghiên cứu phát triển kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước qua các giai đoạn cách mạng khốc liệt nhất. Không chỉ đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mình, với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là tự giúp mình” [2], ngành Cơ yếu Việt Nam còn sát cánh cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào, Campuchia chống lại kẻ thù chung, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, góp phần khắc sâu hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” tốt đẹp trong lòng nhân dân nước bạn.
|
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, được sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngành Cơ yếu Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống “Trung thành - Tận tụy - Đoàn kết - Kỷ luật - Sáng tạo”. |
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, được sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngành Cơ yếu Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống “Trung thành - Tận tụy - Đoàn kết - Kỷ luật - Sáng tạo” được xây đắp bằng sự hy sinh xương máu, trí tuệ và công sức của các thế hệ cán bộ cơ yếu đi trước, luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đánh giá đúng tình hình, nắm chắc thời cơ, thực hiện phương châm “đi tắt, đón đầu”, tiếp thu các thành tựu về tri thức khoa học và bí quyết công nghệ trong lĩnh vực mật mã của thế giới, xây dựng nền khoa học - công nghệ mật mã Việt Nam tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin, đặc biệt là quản lý nhà nước về công tác cơ yếu; xử lý có hiệu quả các tình huống phát sinh, không để bị động, bất ngờ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ bảo đảm bảo mật, an toàn, an ninh thông tin, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, tạo sự ổn định thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, Ban Cơ yếu Chính phủ luôn chú trọng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động, nhạy bén và tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội của các thế lực thù địch; ngăn chặn kịp thời và vô hiệu hóa làm thất bại âm mưu cài cắm gián điệp, thu tin mã thám, các hoạt động móc nối, mua chuộc lấy cắp thông tin bí mật nhà nước. Bên cạnh đó, ngành Cơ yếu luôn tích cực tham gia xây dựng, củng cố, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, tô thắm thêm trang sử vẻ vang của ngành Cơ yếu, làm rạng ngời phẩm chất của người cán bộ cơ yếu trong thời kỳ đổi mới.
Đặc biệt, từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 5/3/2020 về “Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045”, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, ngành Cơ yếu đã tập trung quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quân ủy Trung ương liên quan đến lĩnh vực cơ yếu và bảo mật, an toàn, an ninh thông tin tới tất cả các cơ quan, đơn vị; tích cực nghiên cứu đổi mới toàn diện các biện pháp công tác, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cơ yếu, chăm lo xây dựng lực lượng, phát triển nguồn nhân lực, trong đó trọng tâm là phát triển con người toàn diện về phẩm chất đạo đức, chuyên môn kỹ thuật và năng lực tham mưu; tập trung thực hiện tốt việc củng cố, kiện toàn tổ chức cơ yếu theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và đúng chức năng, đảm bảo tính hợp lý ngày càng cao giữa số lượng và chất lượng, giữa các thành phần lực lượng cơ yếu, giữa chức năng nhiệm vụ với quy mô, chất lượng tổ chức và khả năng thực hiện nhiệm vụ, giữa lực lượng thực hiện nhiệm vụ hiện tại với lực lượng kế cận, lực lượng kế tiếp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng cơ yếu để có thể đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tiến tới hiện thực thực hóa mục tiêu xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại.
Chiến thắng của ngành Cơ yếu Việt Nam
Trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ngành Cơ yếu Việt Nam đã và luôn là một ngành khoa học kỹ thuật cơ mật đặc biệt, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước đến các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Cần khẳng định rằng, những thành quả to lớn và vẻ vang mà ngành Cơ yếu Việt Nam đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử gần 80 năm qua chính là nhờ sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối về mọi mặt của Đảng cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy sự đúng đắn, tài tình, giá trị, ý nghĩa vượt thời đại và tầm nhìn chiến lược trong tư tưởng quân sự của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng về vai trò của công tác bảo mật thông tin cũng như sứ mệnh, trọng trách của ngành Cơ yếu Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Suốt 79 năm qua, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với ngành Cơ yếu. Đặc biệt, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vai trò lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Đảng đối với ngành Cơ yếu càng được khẳng định rõ hơn bao giờ hết. Điều này được thể hiện qua tinh thần của Nghị quyết số 56 - NQ/TW ngày 5/3/2020, trong đó xác định rõ nhiệm vụ cho ngành Cơ yếu: “phải có chủ trương, giải pháp đột phá, nhằm bảo đảm tuyệt đối bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại là giải pháp then chốt, quyết định”. Việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam là một dấu mốc lịch sử, có ý nghĩa vô cùng trọng đại, không chỉ thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với công tác cơ yếu và lực lượng cơ yếu trong tình hình mới mà một lần nữa khẳng định vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng và nguyên tắc tối thượng: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng cơ yếu trong mọi giai đoạn cách mạng.
|
Tự hào về truyền thống vẻ vang và lịch sử 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của ngành Cơ yếu Việt Nam. |
Hiện nay, cục diện thế giới và khu vực đang có những bất ổn, diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cao đối với ngành Cơ yếu Việt Nam trong đấu tranh, giữ gìn bí mật quân sự, bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ huy của các lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Để hoàn thành trọng trách vẻ vang, nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho, ngành Cơ yếu Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng giải pháp tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng và sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với hoạt động cơ yếu, coi đây là nguyên tắc số một trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Cơ yếu.
Tự hào về truyền thống vẻ vang và lịch sử 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của ngành Cơ yếu Việt Nam, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, ra sức thi đua, không ngừng phấn đấu và cống hiến, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với trọng trách là lực lượng trọng yếu - “thành trì kiên cố” bảo vệ bí mật, an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ huy của các lực lượng vũ trang; thực hiện thắng lợi Nghị quyết 56-NQ/TW của Bộ Chính trị, xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại, tô thắm thêm truyền thống mười chữ vàng: “Trung thành - Tận tụy - Đoàn kết - Kỷ luật - Sáng tạo” của ngành Cơ yếu Việt Nam anh hùng./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Sự thật, H.1986, Tập 6, tr.57
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Tập 8, tr.105.