(ĐCSVN) - Năm 2016 đi qua với nhiều dấu ấn để lại đối với ngành nông nghiệp, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cán đích con số 32,1 tỷ USD,… Bước sang năm mới 2017, ngành nông nghiệp không ngừng tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng quy mô hàng hóa.
Xung quanh những bước chuyển mới của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: BT)
Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng khái quát về những kết quả nổi bật mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2016?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước hết có thể khẳng định năm 2016 là năm khó khăn và vất vả nhất đối với ngành nông nghiệp trong nhiều năm nay. Bởi vì ngay từ đầu năm, chúng ta đã gặp những thiên tai diễn ra trên nhiều vùng miền của đất nước. Đầu năm là đợt rét lịch sử 50 năm ở các tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại lớn đến sản xuất, trong đó có ngành nông nghiệp. Sau đó là đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, gắn với đó là đợt mặn lịch sử trong vòng 100 năm ở Đồng bằng sông Cửu Long mà 13/13 tỉnh trong toàn vùng đã công bố thảm họa thiên tai. Trong đợt cuối năm, từ tháng 10-12 là 5 đợt lũ lịch sử diễn ra đối với 8 tỉnh Nam Trung bộ và một số tỉnh Tây nguyên. Qua đó, có thể thấy năm 2016 là năm thiên tai xảy ra khốc liệt nhất đối với chúng ta, cùng với đó là tác động của thị trường thế giới năm 2016 nổi lên với tổng cung lớn hơn tổng cầu về các sản phẩm thiết yếu, trong đó đặc biệt là các nông sản phẩm, điều này làm cho công tác chỉ đạo của ngành nông nghiệp hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, năm 2016 cũng đánh giá là năm ngành nông nghiệp đón nhận sự chỉ đạo, quan tâm đặc biệt từ Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, các thành phần kinh tế. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá rất cao sự cố gắng vươn lên của bà con nông dân, vì thế kiểm lại 2016 chúng ta đạt được một số kết quả nổi bật.
Thứ nhất, chúng ta đã tập trung cả hệ thống chính trị cùng toàn dân ứng phó thành công với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại đến mức độ nhẹ nhất. Ví dụ, cơn bão số 1, lúc đó 229.000 ha lúa của Đồng bằng sông Hồng, chiếm 40% diện tích gieo cấy của vùng, sau khi vừa gieo cấy từ 10-15 ngày đã bị ngập. Nếu như lúc đó không có sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp cùng ngành nông nghiệp đi chỉ đạo 4 tỉnh trọng điểm, trong đó có tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, chắc chắn 40% diện tích của Đồng bằng sông Hồng và chắc chắn là vụ Mùa vừa qua thì chúng ta đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thứ hai, một dấu ấn nữa là năm nay với hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng chúng ta đã tập trung mọi biện pháp, từ biện pháp kỹ thuật, tổ chức chỉ đạo thực hiện, cơ chế chính sách, huy động tổng các nguồn lực, do đó, lần đầu tiên trong vòng 6 tháng đầu năm trong vòng 10 năm qua, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 0,18%. Tuy nhiên, kể từ quý III trở đi thì chúng ta đã dần lấy lại được đà tăng trưởng và đến thời điểm nay, tăng trưởng GDP của chúng ta đạt 1,2%. Chúng tôi cho rằng đây cũng là sự cố gắng của chúng ta, của bà con nông dân. Điều này cũng góp phần giảm thiểu khó khăn cũng như để tiếp tục cải thiện một phần đời sống và đặc biệt đảm bảo nhiệm vụ an sinh, xóa nghèo cho chúng ta.
Thứ ba là trong hoàn cảnh khó khăn về xuất khẩu nhưng chúng ta bằng những kết quả của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời tập trung vào những dư địa có thế mạnh, đến cuối năm nay, tổng xuất khẩu của toàn ngành nông lâm thủy sản không những không giảm mà tăng cao nhất từ trước đến nay. Năm 2016, xuất khẩu cán đích 32,1 tỷ USD, trong đó có 10 mặt hàng chúng ta vẫn duy trì được kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có những mặt hàng tăng từ 5-30% so với năm 2015.
Thứ tư là sự vào cuộc của các thành phần xã hội, các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đến nông nghiệp và trong đó có dòng chủ lưu tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới chuỗi sản xuất, đem lại giá trị cao nhất. Mặc dù điều này chưa thành phổ biến nhưng hầu hết các vùng kinh tế - xã hội trên tất cả các ngành hàng đều có sự tham gia tích cực. Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực này. Đây không chỉ là tiền đề của năm 2016 mà còn cho năm 2017, chúng ta sẽ đẩy nhanh hơn tái cơ cấu nông nghiệp để hướng đến nền nông nghiệp hội nhập, hiệu quả, bền vững.
PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những khó khăn mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt hiện nay?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Có rất nhiều điều chúng tôi trăn trở. Trong đó, nền nông nghiệp của nước ta hiện nay vẫn là nền nông nghiệp dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ là chính, sản xuất còn manh mún. Hiện nay, chúng ta có khoảng 13,8 triệu hộ sản xuất với 78 triệu mảnh ruộng. Với nền sản xuất như vậy thì không thể chiến thắng bền vững và hiệu quả trong hội nhập,
Từ đặc điểm này, vì vậy năng suất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của chúng ta thấp; bản thân quản lý ngành nông nghiệp cũng không thể nào hiệu quả cao, cũng như vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm. Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương cũng còn những điều bất cập, đòi hỏi phải cố gắng nhiều hơn.
Và một điểm nữa là hiện nay chúng ta hội nhập thị trường kinh tế quốc tế nói chung, trong đó có ngành nông nghiệp đi sâu vào các thị trường quốc tế, thì đi đôi với cơ hội là những thách thức bởi ở các nước cường quốc đang tập trung với nguồn công nghệ, nguồn nhân lực, quản trị, có truyền thống sản xuất nông sản tốt, buộc chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt này. Đây là những thách thức lớn cần nhìn nhận và cả hệ thống cần cố gắng làm sao khắc phục.
PV: Để có nền nông nghiệp phát triển bền vững, theo Bộ trường, ngành nông nghiệp cần triển khai những giải pháp gì?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Muốn có nền nông nghiệp bền vững thì phải tổ chức lại sản xuất theo quy mô tập trung với sản xuất hàng hóa lớn. Điều này có nghĩa là cần tổ chức lại sản xuất của nông hộ, không để 13,8 triệu hộ nhỏ lẻ sản xuất như vậy. Do đó, việc đầu tiên khó nhất là phải tổ chức lại sản xuất hộ theo quy mô hợp tác xã, gắn kết với doanh nghiệp, làm sao hình thành chuỗi sản phẩm, hình thành những vùng nông nghiệp tập trung, có quy mô hàng hóa nhất định.
Thứ hai, không còn con đường nào khác là phải tập trung vào công nghệ, ứng dụng tập trung công nghệ cao, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, để nền nông nghiệp có thể cạnh tranh bền vững, có giá thành sản xuất vừa phải, tích cực chủ động hội nhập với quốc tế.
Một vấn đề nữa là phải quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp; cơ cấu lại sản xuất cũng phải dựa trên yếu tố thích nghi với biến đổi khí hậu. Từng vùng miền cần lựa chọn đối tượng sản xuất, quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất để phù hợp với những tiến trình của biến đổi khí hậu, làm sao phát huy những mặt tích cực mà biến đổi khí hậu đưa lại, để nhân rộng các mặt tích cực này và giảm thiểu những tác hại mà biến đổi khí hậu mang lại.
PV: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp sau hơn 3 năm triển khai mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Có thể nói với ngành khó khăn như nông nghiệp thì 3 năm chưa đủ để làm được nhiều. Ba năm qua, chúng ta đã đạt được một số kết quả nền tảng, một số ngành đã có kết quả bước đầu. Ví dụ như ngành chăn nuôi, đặc biệt 3 đối tượng chăn nuôi là bò sữa, lợn, gia cầm, hay lĩnh vực thủy sản, một số lĩnh vực chế biến trái cây. Những ngành hàng này, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Về địa phương, trong 3 năm qua, đặc biệt trong năm 2016, tất cả các tỉnh, thành đều xem tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị. Với thời gian rất ngắn và chủ quan có thể khẳng định, ở một số ngành, địa phương tái cơ cấu chưa rõ nét. Nhưng với sự cố gắng và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng tôi tin rằng, ngành nông nghiệp, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, người dân, các hợp tác xã sẽ tìm ra các mô hình mới, hiệu quả, làm sao khẩn trương để đưa tái cơ cấu nông nghiệp thành công.
PV: Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn liền với xây dựng Nông thôn mới. Vậy cần tập trung vào những giải pháp nào để lồng ghép thực hiện hai nhiệm vụ này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Bản thân Chương trình xây dựng Nông thôn mới nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho chính người dân nông thôn của chúng ta. Mục tiêu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng là đem lại đời sống ấm no, trước hết cho người nông dân. Hai chương trình này cùng mục tiêu, vì vậy, trong chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, địa phương đều gắn hai chương trình đi cùng nhau.
Trong thời gian tới, chúng ta tập trung vào hai chương trình này. Trước hết, mục tiêu cao nhất là thúc đẩy sản xuất thông qua tái cơ cấu để khu vực sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh, bền vững, mang lại đời sống cao hơn cho bà con nông dân. Thứ hai là tập trung nhiều hơn về vấn đề môi trường vì cho đến nay, quá trình phát triển với các nhân tố chủ quan và khách quan đã dẫn đến nhiều vùng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Mục tiêu thứ ba là tập trung chăm lo phát triển đời sống văn hóa, tinh thần, đặc biệt là an ninh của khu vực nông thôn. Nhiều nét văn hóa cổ truyền của dân tộc cần giữ gìn, duy trì, mở rộng, để khu vực nông thôn không những phấn đấu về vật chất mà còn về đời sống tinh thần văn hóa cũng cần được quan tâm, chú ý.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.