Nghiên cứu sửa đổi Nghị định về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật

Thứ năm, 02/03/2017 14:33
(ĐCSVN) - Chiều 1/3, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về công tác xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học Nghệ thuật năm 2017.

Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2017

Theo báo cáo, công tác xét tặng giải thưởng được thực hiện đảm bảo quy định theo 3 cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước; Hội đồng cấp Nhà nước. Theo đó, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2016, Hội đồng cấp Nhà nước đã họp phiên toàn thể do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Hội đồng chủ trì (ngày 12 và 13/7/2016) để xét 25 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 133 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật do 09 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trình theo đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ quy định tại Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Căn cứ kết quả kiểm phiếu bầu của thành viên Hội đồng, có 18 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 95 hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật đạt từ 90% số phiếu trở lên đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước, đủ điều kiện trình Thủ tưởng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật năm 2016.

Ngày 31/8/2016, Bộ VHTTDL đã có Tờ trình số 168/TTr-HĐGT trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật cho 18 tác giả, đồng tác giả (trong đó có hồ sơ của tác giả Nguyễn Thị Xuân Quỳnh và Hà Đức Trọng (Thu Bồn); Tờ trình số 169/TTr-HĐGT trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật cho 95 tác giả (đồng tác giả) có tác phẩm, cụm tác phẩm đủ điều kiện và tiêu chuẩn.

Trước đó, ngày 14/2/2017, Bộ VHTTDL đã có Tờ trình số 31/TTr-HĐGT trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật cho 2 cố tác giả: Nguyễn Thị Xuân Quỳnh và Hà Đức Trọng (Thu Bồn), có hồ sơ đủ điều kiện và tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% trở lên của tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước. Hồ sơ này tuy thiếu Giải thưởng theo quy định tại khoản 3, Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ nhưng các tác phẩm này được Hội đồng đánh giá có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, tác dụng giáo dục và định hướng thẩm mỹ cao cho thanh, thiếu niên; góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã báo cáo Thủ tướng về những bất cập trong lần đầu tiên thực hiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật theo Nghị định được ban hành năm 2014. Hiện nay, có 7 hồ sơ trong đó có nhà thơ Thu Bồn và nhạc sĩ Thuận Yến chưa được xem xét vì không có giải thưởng trong các cuộc thi hay liên hoan chuyên nghiệp do trong điều kiện chiến tranh nên không tổ chức được các cuộc thi.

Ngày 23/2/2017, bà Lưu Khánh Thơ - đại diện gia đình của cố tác giả Nguyễn Thị Xuân Quỳnh đã có Đơn đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” cho tác giả Nguyễn Thị Xuân Quỳnh do gia đình đã xin được Giấy xác nhận của “Hội Nhà văn Việt Nam về việc tập thơ thiếu nhi “Bầu trời trong quả trứng” của tác giả Xuân Quỳnh được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982- 1983.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ VHTTDL nghiên cứu sửa đổi Nghị định về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật trong đó bổ sung quy trình để Hội đồng xét tặng các danh hiệu này có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét các trường hợp đặc biệt trước khi trình Chủ tịch nước quyết định.

Các trường hợp đặc biệt này là các tác giả, tác phẩm không có giải thưởng trong các cuộc thi hay Liên hoan chuyên nghiệp do điều kiện chiến tranh hoặc tác giả đã mất nhưng có những tác phẩm nổi tiếng được xã hội tôn vinh.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Không được phép để các quy trình máy móc cản trở việc tôn vinh các tác giả có các tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng và có những đóng góp to lớn cho dân tộc”./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực