Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc.
Phóng viên (PV): Năm 2017 đã khép lại với những dấu ấn đa phương đậm nét, đặc biệt là Năm APEC Việt Nam 2017, kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, 50 năm thành lập ASEAN… Là người đang làm công tác ngoại giao đa phương, Đại sứ cảm nhận về năm ngoại giao đa phương vừa qua như thế nào?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Chắc rằng không chỉ riêng tôi mà mỗi người trong ngành ngoại giao đều rất tự hào về thành công của đối ngoại Việt Nam trong năm 2017, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao đa phương.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, ngoại giao đa phương đứng trước rất nhiều thách thức, với bản lĩnh, trí tuệ và uy tín quốc tế của mình, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của các đối tác, hoàn thành xuất sắc vai trò nước chủ nhà của Năm APEC 2017 và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao (HNCC) APEC 25 với sự tham dự của hầu hết các nhà lãnh đạo APEC. Những sáng kiến linh hoạt và sáng tạo của Việt Nam đã giúp vượt qua khác biệt, tạo dựng đồng thuận, giữ vững đà hợp tác liên kết trong APEC và xây dựng tầm nhìn chiến lược cho những năm tới, tạo dấu ấn mới trong liên kết kinh tế, chính trị tại châu Á – Thái Bình Dương. Một trong những điểm sáng là bên lề HNCC APEC, chúng ta đã thúc đẩy đàm phán, đạt được nhất trí về những thành tố cơ bản của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những kết quả này thể hiện cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế, tự do hoá thương mại và đầu tư.Với tư cách là nước chủ nhà của APEC, Việt Nam cũng đã tham dự các Hội nghị của G20, đóng góp tiếng nói vào việc giải quyết những thách thức to lớn trong đời sống quốc tế hiện nay.
Bên cạnh việc góp phần củng cố đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN, chúng ta đã tích cực thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác ngoài khu vực. Với sáng kiến lần đầu tiên tổ chức cuộc đối thoại cấp cao APEC và ASEAN, Việt Nam đã thể hiện vai trò cầu nối giữa các diễn đàn khu vực và tiểu khu vực. Chúng ta cũng đã cùng các nước ASEAN vận động thành công để Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về kỷ niệm 50 năm ASEAN.
Chúng ta đã kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc bằng những việc làm rất thiết thực, thể hiện vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp vào các nỗ lực chung nhằm duy trì và củng cố hoà bình, an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển và bảo vệ, phát huy quyền con người. Quan hệ giữa Việt Nam và Liên hợp quốc tiếp tục được tăng cường qua các tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao của ta với Tổng thư ký Guterres và ban lãnh đạo mới của Liên hợp quốc, và với việc hai bên đã thông qua Kế hoạch chiến lược về hợp tác cho giai đoạn mới 2017 - 2021. Chúng ta tích cực thương lượng và thuộc nhóm nước đầu tiên ký Hiệp ước cấm Vũ khí hạt nhân, cử thêm các sỹ quan tham mưu đến các phái bộ gìn giữ hoà bình (GGHB) của Liên hợp quốc và tích cực hoàn tất công tác chuẩn bị triển khai bệnh viện dã chiến cấp hai tại Nam Sudan. Chúng ta tiếp tục đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình và duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không tại Biển Đông.
Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam tích cực triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Phát huy vai trò là thành viên ECOSOC, chúng ta đóng góp tiếng nói xây dựng tại các diễn đàn về phát triển kinh tế, xã hội, cải tổ hệ thống phát triển của Liên hợp quốc, thúc đẩy quan tâm và lợi ích của các nước đang phát triển. Chúng ta đã phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức thành công Hội thảo về tăng cường hợp tác thuận lợi hoá thương mại trong khu vực Á - Âu nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước trung chuyển và các nước không có biển; tổ chức sự kiện về vai trò của công nghệ thông tin trong xoá nghèo đói, tham gia vào những sáng kiến mới như “P4G: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu” do Đan Mạch khởi xướng. Đồng thời, chúng ta tích cực tham gia xây dựng các khuôn khổ pháp lý quốc tế mới để điều chỉnh các vấn đề như bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ).
Thành công của những hoạt động sôi động trong năm qua đã cho thấy sự trưởng thành của ngoại giao đa phương Việt Nam trên nhiều phương diện, cả về xây dựng chiến lược, xác định trọng tâm ưu tiên, tổ chức triển khai thực hiện và trình độ, chất lượng của đội ngũ cán bộ. Ngoại giao đa phương đã mang hiệu quả thiết thực, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương, huy động được sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
PV: Đại sứ đã từng chia sẻ mong muốn ngày càng có nhiều cán bộ Việt Nam trúng cử vào các tổ chức khu vực và quốc tế. Nhìn lại năm qua, Việt Nam ứng cử và trúng cử vào các tổ chức quan trọng như Ủy ban Luật pháp quốc tế, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Phó Tổng Thư ký ASEAN, Tổng Thư ký Kế hoạch Colombo…Phải chăng điều này cũng cho thấy sự tín nhiệm mà bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Tôi rất mừng trước việc Việt Nam trúng cử vào các cương vị quan trọng của một số tổ chức quốc tế, cho thấy sự tín nhiệm đối với Việt Nam. Tuy nhiên, với việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào mọi mặt của đời sống quốc tế thì con số những người Việt Nam ở những cương vị như vậy còn rất khiêm tốn. Chúng ta cần xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách để chuẩn bị được đội ngũ cán bộ, chuyên gia, sẵn sàng tham gia vào nhiều tổ chức khu vực và quốc tế hơn nữa. Sự tín nhiệm của quốc tế phụ thuộc không chỉ vào uy tín, vị thế của đất nước mà còn vào khả năng đảm đương nhiệm vụ của cá nhân ứng cử viên.
PV: Đại sứ có thể chia sẻ một số dự định về những hoạt động của Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc trong năm 2018?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: 2018 là một năm rất bận rộn với Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ Việt Nam là thành viên ECOSOC. Chúng ta sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào công việc của Hội đồng, đặc biệt là thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (CTNS 2030) và các mục tiêu phát triển bền vững. Phái đoàn sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước chuẩn bị và bảo vệ thành công báo cáo tự nguyện quốc gia về thực hiện CTNS 2030 tại kỳ họp của Diễn đàn Chính trị cấp cao vào tháng 7/2018.
Chúng ta đã sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn trong các hoạt động kiến tạo và gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc cả về triển khai trên thực địa và tham gia hoạch định chính sách. Hiện nay, chúng ta đang đàm phán để sớm ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Liên hợp quốc, tiến tới triển khai bệnh viện dã chiến cấp II tại Nam Sudan trong thời gian tới.
Việt Nam cũng sẽ tích cực tham gia tiến trình đàm phán nhằm đạt được Hiệp định toàn cầu về Di cư an toàn, trật tự và thông thường, cũng như các thảo luận tại các diễn đàn của Liên hợp quốc về nhiều chủ đề như: Giữ vững hoà bình, Tài chính cho phát triển, Biến đổi khí hậu, Chống khủng bố...
Cùng với các nước thành viên, chúng ta sẽ tiếp tục các nỗ lực cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đổi mới phương pháp làm việc của Đại hội đồng và ECOSOC, nghiên cứu và đóng góp ý kiến về đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về cải tổ Liên hợp quốc trên cả 3 lĩnh vực: cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc, tái cấu trúc hệ thống hoà bình, an ninh và cải tổ bộ máy quản lý của Liên hợp quốc, với mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc, làm cho Liên hợp quốc thích ứng được với tình hình mới, đáp ứng được yêu cầu triển khai CTNS 2030 và kỳ vọng của các nước thành viên.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Phái đoàn là triển khai mạnh mẽ vận động để Việt Nam được bầu vào HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021 trong bối cảnh chỉ còn hơn một năm nữa là tới ngày bầu cử vào tháng 6/2019.
Tôi tin rằng với sự hợp tác, hỗ trợ của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành trong nước, với nỗ lực của toàn thể Phái đoàn, chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
PV: Đại sứ đã trải qua những cái Tết xa nhà như thế nào? Tết Việt ở xa quê hương có gì khác biệt và có những kỷ niệm nào Đại sứ khó quên?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Tết này sẽ là Tết cuối cùng xa nhà trong nhiệm kỳ công tác của tôi ở New York. Mỗi một cái Tết đều có nét độc đáo riêng. Tôi sẽ không quên không khí tất bật, nhộn nhịp khi anh chị em Phái đoàn và phu nhân, phu quân cùng trang trí phòng tiệc, sân khấu, chuẩn bị các món ăn truyền thống cho Tết Cộng đồng, hay các tiết mục múa, hát “cây nhà lá vườn” của các anh, các chị, các cháu học sinh, sinh viên.
Nhưng điều làm tôi nhớ nhất là tình cảm và sự ủng hộ của bà con kiều bào đối với quê hương đất nước, đối với Phái đoàn. Năm nào cũng vậy, đúng vào ngày Phái đoàn tổ chức Tết, tuyết lại rơi đầy. Mặc dù trời rất lạnh, nhưng bữa tiệc Tết bao giờ cũng rất ấm cúng, rất vui, như ngày đoàn tụ của những người thân trong một đại gia đình. Có những cô bác tuổi đã cao, ở rất xa, năm nào cũng có mặt và luôn lưu luyến nán lại, ra về cuối cùng.Tình cảm gắn bó của bà con là nguồn động viên lớn đối với tôi cũng như anh chị em trong Phái đoàn khi đón Tết xa nhà.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ./.