|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị họp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024 |
Chiều ngày 2/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị họp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024. Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, các Bộ trưởng: Ngoại giao, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo các địa phương, thủ trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp... theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội nghị nhằm điểm lại các kết quả triển khai công tác ngoại giao kinh tế từ năm 2023 đến nay và đề ra trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024.
Triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, công tác ngoại giao kinh tế đã được Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu định hướng tại hội nghị |
Phát biểu định hướng tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị được tổ chức sau 1 năm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển và sau 3 tháng triển khai kết quả Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng là 3 động lực tăng trưởng truyền thống cần làm mới, cùng với các động lực mới cần thúc đẩy là kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra là phải phát triển nhanh và bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, văn hóa, môi trường.
Theo Thủ tướng, cần tiếp tục kết hợp hài hòa, hợp lý hiệu quả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giữa nội lực và ngoại lực, phát huy tối đa tiềm lực đất nước để phát triển, trên quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân"; hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác.
|
Lãnh đạo các địa phương, thủ trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp... dự họp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến |
Cho biết so với hội nghị lần trước, hội nghị lần này có thêm đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở một số nội dung để các đại biểu thảo luận: Tiếp tục rà soát, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực, triển khai các giải pháp để củng cố các thị trường đã có, mở rộng các thị trường mới; khắc phục các đứt gãy trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; công tác phối hợp trong nước và ngoài nước, giữa các bộ, ngành với nhau, giữa doanh nghiệp - Nhà nước - người dân; các doanh nghiệp cần năng động, sáng tạo, chủ động thích ứng tình hình thế nào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "3 cùng": Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển. Đồng thời, phải giữ vững bản lĩnh, bĩnh tĩnh, kiên trì, không quá say sưa với thắng lợi và khi thuận lợi, không hoang mang, dao động khi gặp khó khăn, thách thức, tuân thủ và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước phù hợp tình hình.
|
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn báo cáo tại Hội nghị |
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo hết sức sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ. Trong 18 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 5 hội nghị ngoại giao kinh tế (hội nghị này là lần thứ 6) để trực tiếp định hướng, chỉ đạo các bộ, ngành, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, địa phương trong đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, từng bước trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm, đóng góp tích cực vào các kết quả phát triển kinh tế - xã hội đất nước, với 3 kết quả nổi bật.
|
Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước (Nguồn: vtvgo.vn) |
Một là, việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện ngoại giao kinh tế được triển khai kịp thời, bài bản hơn. Chính phủ lần đầu tiên ban hành Chương trình hành động về ngoại giao kinh tế để thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư; các bộ, ngành, địa phương tích cực ban hành kế hoạch hành động để cụ thể hóa Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ.
Công tác phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế được tăng cường, đổi mới; tích cực tham mưu, thiết lập các cơ chế phối hợp liên ngành như: Ban chỉ đạo Quốc gia về bán dẫn, Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2023-2026 giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch hợp tác thu hút du lịch kiều bào giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Hai là, ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp quan trọng trong duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước. Nội dung kinh tế tiếp tục là trọng tâm trong gần 60 hoạt động đối ngoại Cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay với nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế được ký kết.
Quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế được mở rộng; các khuôn khổ quan hệ với 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được củng cố, mở rộng, nâng tầm, nâng cấp (từ nửa cuối năm 2023 đến nay, ta đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 4 đối tác lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia với nhiều nội hàm hợp tác quan trọng như khoa học công nghệ, bán dẫn, ODA thế hệ mới, kinh tế xanh, kinh tế số…)
Ba là, ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp vào các kết quả tích cực của kinh tế đối ngoại và hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế. Ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới như phát triển ngành Halal, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua. Trong đó có việc cụ thể hóa và tận dụng các khuôn khổ quan hệ đã được thiết lập, nâng cấp và cam kết, thỏa thuận đạt được trong thời gian qua còn hạn chế, có độ trễ trong triển khai; Việc giải quyết các vướng mắc tồn đọng với một số đối tác còn kéo dài, chưa dứt điểm, tác động không thuận đến quan hệ kinh tế thương mại, thu hút đầu tư, vận động ODA…
Việt Nam cũng chưa có hoặc đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng các chính sách, cơ chế ưu đãi đặc thù để thu hút đầu tư, phát triển một số ngành chiến lược. Cuối cùng là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đôi lúc chưa đồng bộ; tính kết nối, liên kết vùng giữa các địa phương chưa cao.
Sau khi chỉ rõ các bài học kinh nghiệm cần rút ra, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng nêu 5 trọng tâm ngoại giao kinh tế trong năm 2024.
Thứ nhất, thúc đẩy triển khai quyết liệt các cam kết, thỏa thuận đã đạt được; tận dụng tối đa các cơ hội từ việc nâng tầm, nâng cấp, mở rộng quan hệ với các đối tác và chuyển hoá thành các dự án, có kết quả cụ thể. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại Cấp cao và các cấp trong năm 2024 với nội dung kinh tế là trọng tâm nhằm tiếp tục làm sâu sắc hợp tác kinh tế, mở ra các khuôn khổ hợp tác mới, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc tồn đọng với các đối tác, góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển.
Thứ hai, tăng tốc thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Củng cố xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt; mở ra các thị trường mới, tiềm năng; đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA mới. Đẩy mạnh phát triển ngành Halal theo tinh thần Đề án đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai hiệu quả hợp tác nông nghiệp ba bên với một số nước châu Phi.
Đẩy mạnh truyền tải thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về bảo đảm môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Tập trung triển khai hợp tác đầu tư, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen… Thu hút các nguồn tài chính xanh phục vụ chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững, nhất là Kế hoạch thực hiện JETP.
Quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm; thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam; tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho khách quốc tế vào Việt Nam. Triển khai hiệu quả các khuôn khổ hợp tác lao động đã ký và mở ra hợp tác với các thị trường lao động tiềm năng. Đẩy mạnh tham mưu, triển khai các cơ chế mới, mang tính đột phá để huy động hiệu quả nguồn lực về tri thức, vốn đầu tư, vai trò cầu nối của kiều bào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thứ ba, đẩy mạnh hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế đất nước, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, cân bằng và hài hoà trong ứng xử quốc tế. Nghiên cứu và xác định định rõ các lợi ích, trọng tâm cần thúc đẩy trong các cơ chế, chú trọng hợp tác thực chất, hiệu quả và thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển. Chuẩn bị sớm cho việc đăng cai các sự kiện đa phương lớn. Tham mưu các bước đi phù hợp của Việt Nam và tận dụng hiệu quả các sáng kiến mới (IPEF, BRI, Global Gateway, AZEC, ISA…). Hỗ trợ nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương, doanh nghiệp.
Thứ tư, nâng cao nhạy bén và chất lượng của công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Trọng tâm là tình hình kinh tế thế giới, khu vực; kinh nghiệm các nước trong xử lý các khó khăn, thách thức của nền kinh tế, phát triển các lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen xanh…
Triển khai các nghiên cứu chiến lược phục vụ Đại hội Đảng XIV. Đẩy mạnh tham mưu cho các địa phương, doanh nghiệp thích ứng các xu hướng, tiêu chuẩn mới trong hợp tác kinh tế quốc tế. Tăng cường đối thoại, tư vấn chính sách quốc tế về các vấn đề kinh tế - phát triển.
Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ trong phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế, như thiết lập các cơ chế phối hợp liên ngành và nâng cao hiệu quả triển khai các cơ chế đã có để tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy hiệu quả các nhiệm vụ ngoại giao kinh tế.
Tăng cường đầu tư nguồn lực triển khai ngoại giao kinh tế, gồm nguồn lực tài chính và nguồn lực về con người, đội ngũ cán bộ. Đẩy mạnh tuyên truyền về ổn định chính trị - xã hội, môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi tại Việt Nam, đóng góp của ngoại giao kinh tế đối với phát triển kinh tế đất nước.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn sâu sắc tới Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao và quyết liệt công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian qua; cảm ơn sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan báo chí, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Qua đó, có thể khẳng định ngày càng có sự thống nhất, đồng lòng mạnh mẽ trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các trụ cột kinh tế - văn hóa - xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp để đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới.
Tại hội nghị, đại biểu đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay; thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế như: Thiếu sáng tạo, nhạy bén; tham mưu chưa theo kịp diễn biến; sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa kịp thời; tính kết nối trong quảng bá, triển khai công tác ngoại giao kinh tế chưa cao; hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược chưa xứng tầm với khuôn khổ quan hệ; việc khai thác, mở rộng thị trường với đối tác tiềm năng chưa hiệu quả và còn các hạn chế nhất định.
Đặc biệt, một số vướng mắc tồn đọng với một số đối tác chưa được xử lý dứt điểm; chưa có các cơ chế ưu đãi đặc thù để nắm bắt, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ những xu thế mới của thế giới và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong một số lĩnh vực quan trọng như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, công nghiệp hàng không...
Các đại biểu đề xuất tiếp tục thúc đẩy triển khai quyết liệt các cam kết, thoả thuận đã đạt được; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế; đổi mới mạnh mẽ trong phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế...
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị |
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe và thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến các đại biểu, đại diện các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cho biết, Tổng Bí thư mong các đồng chí làm hết sức mình vì sự phát triển đất nước.
Thủ tướng nhất trí với các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị; đề nghị các chủ thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động trên tinh thần 3 cùng: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển.
Thủ tướng cũng đề nghị các chủ thể đẩy mạnh “3 phát huy”: Phát huy thế và lực của đất nước để thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư; phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân, phát triển du lịch; phát huy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, thông minh của người Việt Nam để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Phân tích tình hình thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, công tác ngoại giao kinh tế còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên ngoài, kinh tế thế giới phục hồi chậm; căng thẳng địa chính trị gia tăng, xu hướng chính trị hóa hợp tác kinh tế tiếp tục lan rộng; tình trạng phân hóa, phân mảnh, đứt gãy các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng…
Trong khi đó, ở trong nước, sức ép lạm phát còn cao; tình hình sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là về thị trường, tiếp cận vốn, chi phí. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là cho các ngành, lĩnh vực mới nổi. Thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà. Một số cơ chế, chính sách chậm được sửa đổi. Hạ tầng chiến lược trên một số lĩnh vực còn hạn chế…
Trước tình hình đó, Thủ tướng đề nghị phải luôn giữ thăng bằng, “thắng không kiêu, bại không nản”, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, kiên trì; không quá say sưa với thắng lợi khi thuận lợi; không hoang mang, dao động khi gặp khó khăn, thách thức; tuân thủ và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước phù hợp tình hình.
Cho rằng công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục phục vụ nhiệm vụ phát triển đất nước, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của các đối tác, Thủ tướng chỉ rõ 4 định hướng lớn với ngoại giao kinh tế thời gian tới. Theo đó, phải tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại; xác định rõ các sản phẩm, dự án, kế hoạch cụ thể, khả thi với từng đối tác để thúc đẩy triển khai.
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải cùng nhau làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (thương mại, đầu tư, tiêu dùng), đồng thời phát huy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức), các lĩnh vực mới và mang tính đột phá (công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo…).
Thủ tướng yêu cầu khai thác tối đa tiềm năng của các khuôn khổ, quan hệ vừa được nâng cấp, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết; nghiêm túc rà soát, theo dõi và thúc đẩy quá trình triển khai các cam kết với các đối tác quốc tế; đẩy mạnh huy động nguồn lực hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước.
“Phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kiều bào được đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, trở thành một chủ thể quan trọng trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới”, Thủ tướng lưu ý.
Về các biện pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, tích cực, chủ động chuyển tải thông điệp tới các đối tác quốc tế về tinh thần cầu thị và cam kết của Chính phủ bảo đảm môi trường chính trị, đầu tư, kinh doanh an toàn, hấp dẫn tại Việt Nam; đôn đốc triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế đã ký kết, trong quá trình xây dựng báo cáo định kỳ về tình hình triển khai Chỉ thị 15, Nghị quyết 21 về công tác ngoại giao kinh tế, các bộ, ngành, địa phương phải lượng hóa, báo cáo rõ về những kết quả cụ thể đã đạt được, nếu có khó khăn thì phải xác định rõ kiến nghị giải quyết, cấp có thẩm quyền giải quyết.
Cùng với đó, củng cố quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các thị trường lớn, chủ chốt và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chú trọng hơn các địa bàn tiềm năng, còn nhiều dư địa hợp tác như UAE, Trung Đông - châu Phi, thị trường Halal… ; tạo đột phá trong thu hút đầu tư các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng...; thúc đẩy và đón tiếp chu đáo đoàn công tác của các tổ chức doanh nghiệp, các tập đoàn lớn trên thế giới tới Việt Nam; nắm bắt và kiến nghị xử lý phù hợp, kịp thời các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp…
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tổ chức thiết thực, hiệu quả Diễn đàn trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài và Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài để các chuyên gia, trí thức Việt kiều chia sẻ, đóng góp cho những vấn đề về phát triển của đất nước; nâng cao chất lượng, tính nhạy bén, kịp thời của công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, nắm bắt xu thế, phản ứng chính sách kịp thời, phục vụ điều hành kinh tế - xã hội; tập trung vào các xu thế mới, xu hướng điều chỉnh chính sách, ưu tiên mới của các đối tác, “những thứ họ cần chứ không phải thứ mình có”.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024 với tinh thần: “Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động; cơ hội phải nắm bắt, vướng mắc phải tháo gỡ, giải pháp phải đột phá, triển khai phải quyết liệt, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm và bền vững, nhất là trong điều kiện đất nước còn khó khăn./.