Nhiều lợi thế của Việt Nam khi gia nhập WTO vẫn chưa được phát huy hết

Thứ sáu, 18/09/2015 16:57

(ĐCSVN) Sáng 18/9, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Đoàn giám sát báo cáo về “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO)”.

Báo cáo về kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu cho biết: Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc gia nhập WTO đã tác động toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước và kết quả đạt được là đáng ghi nhận. GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 43,4 triệu đồng, gấp 2,93 lần so với năm 2007.

Việc trở thành thành viên WTO giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao năm 2007, nhưng ngay sau đó, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã dẫn đến sụt giảm tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2008 - 2011. Sau khi hồi phục vào các năm 2010 và 2011, tăng trưởng kinh tế giảm các năm 2012 và 2013; năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã phục hồi trở lại. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2007 - 2014 (5,94%) thấp hơn giai đoạn 2001 - 2006 (7,27%).

 

 Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến.
 (Ảnh: TTXVN)


Trong giai đoạn 2007 - 2014, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,5%, trong khi tỷ trọng của khu vực công nghiệp và xây dựng thay đổi không nhiều, chỉ giảm 0,2%; khu vực dịch vụ tăng lên 1,7%.

Cũng từ năm 2007 đến nay, xếp hạng của WTO về xuất, nhập khẩu của Việt Nam tăng; kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh; thị trường xuất khẩu đa dạng, mở rộng sang tất cả các châu lục; chất lượng và giá cạnh tranh hơn. Sau khi gia nhập WTO, chỉ có 3 năm gần đây (2012 - 2014) cán cân thương mại thặng dư, bình quân năm giai đoạn 2007 - 2014 thương mại nhập siêu (8,07 tỷ USD) cao hơn mức nhập siêu giai đoạn 2001 - 2006 (4,05 tỷ USD), riêng năm 2008 nhập siêu lên đến 18,02 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu, xuất siêu chủ yếu là của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 2,47% (năm 2007) xuống 1,95% (năm 2014), trong đó khu vực thành thị giảm 1,58%, khu vực nông thôn giảm 0,26%. Cơ cấu lao động đã thay đổi đáng kể: tỷ trọng lao động thành thị tăng lên; lực lượng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm và tăng lên ở cả hai khu vực còn lại. Trong giai đoạn 2007 - 2014, lực lượng lao động trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm 342 nghìn lao động. Tuy nhiên, sự thay đổi về việc làm, giảm thất nghiệp từng địa bàn cụ thể chưa tốt; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, mối quan hệ thị trường lao động và doanh nghiệp còn lỏng lẻo.

Cũng theo báo cáo của Đoàn giám sát, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi các cam kết WTO và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung từ năm 2007 đến nay còn những hạn chế, bất cập. Chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm được cải thiện; cơ cấu hàng xuất khẩu chậm được thay đổi, giá trị gia tăng hàng xuất khẩu còn thấp; năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm thương hiệu Việt Nam còn hạn chế. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu…

Những hạn chế trên theo Đoàn giám sát có nguyên nhân khách quan là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, Báo cáo nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, đó là: Thể chế pháp luật kinh tế ngày càng hoàn thiện nhưng chất lượng và hiệu lực thực thi chưa cao. Chính sách kinh tế chưa đủ mạnh để tận dụng cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, nhất là chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân. Một số bộ, ngành, địa phương chậm thực hiện cải cách hành chính, cải cách khu vực công, điều hành thiếu quyết liệt, chưa năng động, sáng tạo trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế…

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng tình cho rằng, Việt Nam gia nhập WTO được nhiều hơn mất. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhìn nhận, từ khi gia nhập WTO, Việt Nam tăng trưởng thực chất hơn; thu hút nguồn lực bên ngoài được cải thiện rõ rệt; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang đi đúng hướng theo cơ chế thị trường góp phần vào tăng trưởng; năng suất lao động tăng lên.

Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển đặt ra câu hỏi, tại sao nhiều lợi thế của Việt Nam khi gia nhập WTO vẫn chưa phát huy hết, đặc biệt là nông nghiệp khi mà đất nước ta là nước nông nghiệp? Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành thủy sản thấp hơn so với trước khi gia nhập WTO và cả ngành nông nghiệp thay đổi không đáng kể.

Bên cạnh đó, ông Phùng Quốc Hiển còn chỉ ra nguyên nhân hạn chế, bất cập là do cơ chế, cải cách chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra mặc dù đã có rất nhiều cố gắng. “Vấn đề bảo hộ, rào cản đang đặt ra. Nước nào trên thế giới cũng nói tự do thương mại nhưng bản chất đều có những rào cản kỹ thuật. Các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trước các rào cản kỹ thuật thương mại của các nước, trong khi việc hình thành và áp dụng các rào cản kỹ thuật thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam còn thiếu và yếu” – ông Phùng Quốc Hiển cho hay.

Ngoài ra, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị: Báo cáo giám sát cần phải làm rõ được các thách thức giai đoạn tới là gì? Chỉ ra được những tồn tại, bất lợi của Việt Nam khi hội nhập quốc tế để đặt ra được những giải pháp cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, Báo cáo giám sát cần đánh giá tính bền vững của nền kinh tế, chất lượng của các doanh nghiệp FDI, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước; đồng thời đề nghị cần phải làm rõ thêm tác động đến đời sống xã hội qua quá trình Việt Nam gia nhập WTO.

“Việt Nam gia nhập WTO trong 8 năm qua đã tác đến đời sống xã hội, đời sống dân cư như thế nào? Người dân Việt Nam được lợi gì? đang đứng trước thử thách gì? Rõ ràng, Việt Nam gặp bất lợi khi vừa tham gia WTO thì xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của đất nước. Vậy cú sốc đó đã tác động gì đến người dân Việt Nam thì trong Báo cáo cần phải có đánh giá sâu sắc hơn” – bà Trương Thị Mai nói.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, sau khi gia nhập WTO, tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn là tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào tiềm năng sẵn có, còn tăng trưởng theo chiều sâu còn hạn chế và đang bộc lộ nhiều điểm yếu. Cơ sở hạ tầng bất cập; giá trị gia tăng từ khoa học kỹ thuật vào các ngành nghề không cao. Chủ tịch Ksor Phước đề nghị, cần phải nhìn nhận lại cơ chế điều hành. Mặc dù đã có nhiều chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính, trong bộ máy, kỷ cương trách nhiệm công chức nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực