Nhiều pháp nhân vi phạm về môi trường nhưng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự?

Thứ sáu, 06/11/2020 14:57
(ĐCSVN) – Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí, không phải hành vi vi phạm môi trường nào cũng bị xử lý hình sự. Việc xử lý phụ thuộc vào mức độ định lượng gây ô nhiễm môi trường. Có những hành vi đã bị xử lý hành chính và tái phạm mới bị xử lý hình sự; cũng có trường hợp sai phạm cá nhân núp bóng pháp nhân vi phạm.

Sáng 6/11, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, Quốc hội thứ XIV, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường, dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày. Đây là lần thứ hai Quốc hội thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nêu chất vấn về việc, năm 2020 phát hiện 25.256 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với 3.093 tổ chức vi phạm, trong đó có nhiều vụ việc rất nghiêm trọng, tuy nhiên, vẫn chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ pháp nhân vi phạm nào.  “Xin hỏi Viện trưởng cho biết nguyên nhân không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vi phạm là gì?”.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí cho biết, không phải hành vi vi phạm nào cũng bị xử lý hình sự. Việc xử lý phụ thuộc vào mức độ định lượng gây ô nhiễm môi trường. Có những hành vi đã bị xử lý hành chính và tái phạm mới bị xử lý hình sự; cũng có trường hợp sai phạm cá nhân núp bóng pháp nhân vi phạm.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí. Ảnh: TL 

Viện trưởng dẫn chứng trường hợp giám đốc công ty chỉ đạo xả thải gây ô nhiễm, khởi tố điều tra rồi nhưng công ty này có xử lý tiếp không? Căn cứ truy tố còn là vấn đề.

Theo Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, cần có hướng dẫn của các cấp, từ Nghị quyết đến các thông tư liên tịch quy định rõ từng chi tiết cụ thể  để cán bộ và cơ quan thực thi luật  không sợ oan sai .

Theo Viện trưởng, vấn đề đặt ra là chỉ đạo các cơ quan chức năng có lộ trình nghiên cứu, đề xuất xác định những nguyên nhân chính của những việc không khả thi này, để có biện pháp, trong đó có cả nguyên nhân của hướng dẫn pháp luật và nguyên nhân thực thi pháp luật.

Tăng cường kiểm soát chất lượng, tiết kiệm chi phí ngân sách biên soạn sách giáo khoa

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT): “Thực tế chúng ta đã  chi trả bao nhiêu tiền từ ngân sách quốc gia và vay từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn 1 bộ sách giáo khoa, tài liệu và tổ chức tập huấn?”.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, Chính phủ phê duyệt dự án cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa, tổng thể là 80 triệu USD, trong đó 77 triệu USD là vay ODA, còn 3 triệu USD là vốn đối ứng. Trong cấu phần dành cho biên soạn một bộ sách giáo khoa như thiết kế ban đầu, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ báo cáo Quốc hội là không sử dụng khoản tiền này. Do vậy, Bộ đã trả lại  16,5 triệu USD cho xây dựng bộ sách giáo khoa và cũng để trong tài khoản của World Bank, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa sử dụng.

Với số tiền còn lại, Bộ trưởng cho biết, đã triển khai xây dựng chương trình, các hoạt động phát triển chương trình tổng thể và môn học, đến tháng 12 năm nay, cố gắng phấn đấu tiêu được 12 triệu USD.

Như vậy, Bộ trưởng cho hay, hơn 200 tỷ đồng và số tiền còn lại, sau khi rà soát tất cả chi phí mà không thiết thực, hiệu quả (liên quan đến tập huấn...), “vừa rồi chúng tôi xin trả lại Chính phủ và tổng số tiền trả lại là 29,7 triệu USD. Có nghĩa, số tiền tiết kiệm sẽ trả lại, chúng tôi chi vào cái khoản thực thi”.

Hướng tới để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết, sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng sách giáo khoa và vẫn thực hiện chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Giải pháp căn cơ nhất là tiếp tục chung sống an toàn với dịch

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và giải pháp căn cơ cho vấn đề vaccine, “Dịch sẽ kéo dài đến bao giờ?”,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn: “Ta phải chuẩn bị tinh thần ít nhất đến 2021”. Trong khi đó, quan trọng nhất là vaccine nhưng ít nhất cũng phải 5-10 năm mới có để xem vaccine có tác dụng phòng bệnh không, giữ chất phòng bệnh trong người được bao lâu; và quan trọng nữa là có tác dụng phụ không?.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam . Ảnh: QK

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam có 4 đơn vị nghiên cứu vaccine, trong đó có 2 đơn vị đã “đi trước”, dự kiến cuối năm nay thử nghiệm trên chuột, có nghĩa là nếu vaccine trong nước, thì nhanh nhất, thuận lợi cũng phải cuối năm 2021, đầu năm 2022 mới sản xuất được.  Bên cạnh đó, mua vaccine quốc tế cũng không kém phần khó khăn trên thế giới hiện nay. Đây là vấn đề nóng toàn thế giới.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn là tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch, chung sống an toàn với dịch.

Phó Thủ tướng tha thiết đề nghị các Bí thư Tỉnh ủy, các Đoàn đại biểu Quốc hội, tất cả các ngành không thể chủ quan được, bởi ngày hôm nay  thế giới là nửa triệu ca nhiễm mới một ngày và “tới đây, tất cả chúng ta đều phải tự chống dịch, chống dịch đến từng người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Vì sao một số luật có tuổi thọ thấp?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) về việc văn bản pháp luật có tuổi thọ không cao, phải sửa đổi và bổ sung nhiều lần, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, tuổi thọ trung bình của một đạo luật là trên 10 năm, 5 năm thì sửa đổi, bổ sung một số điều, 10 năm thì có sửa đổi tổng thể.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận trong thời gian vừa qua, có một số luật có tuổi thọ dưới 5 năm để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những vấn đề chưa kịp cập nhật như Luật Đầu tư công, Luật Tố tụng hành chính. “Đấy là một thực trạng về tuổi thọ trung bình của một đạo luật trong bối cảnh đất nước đang phát triển, phát sinh nhiều nhu cầu”, Bộ trưởng Long cho hay.

Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đã và đang thực hiện, trong đó Bộ trưởng Long nhấn mạnh đến các giải pháp như: Tổng kết các Nghị quyết của Đảng, cụ thể là Nghị quyết 48, 49 sẽ đề xuất ban hành một nghị quyết chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa tới về xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đồng thời, thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều quy định khắt khe hơn đối với tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng văn bản; nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định của các chủ thể có liên quan, đặc biệt là các bộ, ngành cũng như thẩm định của Bộ Tư pháp; tiếp tục có cơ chế xin ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học…/.

 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực