Trước thềm Xuân Mậu Tuấn 2018, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, về những kết quả đã đạt được trong năm qua cũng như những định hướng, trọng tâm công tác trong năm mới.
Đồng chí Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam
ở nước ngoài (Ảnh: Khánh Linh)
Phóng viên: Thứ trưởng đánh giá về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong năm 2017?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Năm 2017 là năm có nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước, trong đó có việc tổ chức năm APEC Việt Nam, tiếp tục khẳng định và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, công tác đối với NVNONN tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy đại đoàn kết dân tộc nhằm triển khai các hoạt động đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Công tác về NVNONN tiếp tục được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao quan tâm, thường xuyên đề cập trong chỉ đạo công tác cũng như các hoạt động tiếp xúc đối ngoại. Sự gắn bó, mối quan tâm của kiều bào với đất nước cũng tiếp tục gia tăng, không chỉ vì lợi ích kiều bào mà còn gắn chặt với lợi ích, sự phát triển của đất nước.
Cộng đồng NVNONN tiếp tục phát triển cả về số lượng và vị thế. Với bản tính thông minh, cần cù, chịu khó và yêu chuộng hòa bình, ham học, siêng làm, các thế hệ NVNONN đã không chỉ trở thành doanh nhân giỏi, nhà trí thức nổi tiếng mà ngày nay, nhiều đại diện của NVNONN đã tham gia vào nền chính trị của các nước, như: bà Ngọc Dung Stephanie Murphy, nữ nghị sĩ gốc Việt đầu tiên ở Quốc hội Mỹ, ông Lê Văn Hiếu là Thống đốc bang Nam Úc, bà Stephanie Đỗ là nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt và gốc châu Á đầu tiên trúng cử nghị sĩ Quốc hội Pháp, được Quốc hội Pháp chỉ định làm Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp – Việt. Thành phần kiều bào mới (du học sinh, cô dâu, lao động...) ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... được chính quyền sở tại tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, cộng đồng người Việt cũng chịu ảnh hưởng của những biến động về kinh tế, chính trị ở một số nước, một số nơi địa vị pháp lý của kiều bào còn rất thấp, các vấn đề an ninh trong cộng đồng còn diễn biến phức tạp.
Tên tuổi nhiều nhà khoa học Việt và gốc Việt đã được đính trên “bảng vàng” của thế giới: giáo sư Ngô Bảo Châu với giải thưởng Field được coi như Nobel Toán học, giáo sư Lưu Lệ Hằng với giải thưởng vật lý thiên văn Kavli được xem như Nobel Thiên văn học, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Khương ở Pháp, được Dự án RePec bầu chọn đứng thứ 12 trong top 200 nhà kinh tế toàn thế giới… Bên cạnh nhóm trí thức kỳ cựu như các nhà khoa học Trần Thanh Vân, Lê Văn Cường, Đặng Lương Mô... đã hình thành lực lượng trí thức nhà khoa học trẻ kiều bào mới hoạt động tích cực hướng về đất nước như Hội Chuyên gia các nhà khoa học toàn cầu mà nòng cốt là Pháp, Nhóm Sáng kiến Việt Nam.... Tuy nhiên, ta chưa tận dụng tốt nguồn lực này do cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, nhất là về đãi ngộ và môi trường làm việc.
Với sự hỗ trợ tích cực của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan đại diện, các tổ chức hội đoàn kiều bào được củng cố, mở rộng (năm 2017 có gần 20 Hội đoàn tổ chức Đại hội, có 10 hội được thành lập mới, kể cả ở Mozambique cũng đã thành lập được hội). Đặc biệt, đoàn kết trong cộng đồng tăng lên, thế hệ trẻ kiều bào và các doanh nhân bắt đầu tham gia vào bộ máy lãnh đạo hội đoàn tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu thống nhất trong hoạt động, chưa trẻ hóa bộ máy lãnh đạo tại một số hội đoàn, cản trở sự phát triển và phong trào cộng đồng. Tại một số địa bàn, các cơ quan đại diện còn chưa có sự quan tâm đầy đủ đến công tác cộng đồng, khiến phong trào còn mờ nhạt, các tổ chức hội đoàn chưa có hoặc không phát huy được vai trò.
Kết nối giữa kiều bào với trong nước đi vào chiều sâu, huy động nguồn lực doanh nhân – trí thức kiều bào trực tiếp tư vấn, đồng hành với Lãnh đạo, các cơ quan trong nước và địa phương. Các nhóm và các nhân sĩ, trí thức kiều bào có nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực kết nối nguồn lực quốc tế. Năm 2017, số lượng trí thức kiều bào về nước ngày càng đông, có 4 cá nhân kiều bào từ Mỹ, Nhật, Singapore, Pháp tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy một số dự án của kiều bào (hệ sinh thái dữ liệu mở - AVSE, Đồng hồ nước thông minh – TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Đại học Kinh tế đẳng cấp quốc tế – GS. Lê Văn Cường; Hội nghị thường niên các nhà kinh tế học 2017 Năng lượng sạch và Big Data). Đặc biệt, Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì tổ chức tại Mỹ tháng 12/2017 đã tạo dấu ấn quan trọng. Kiều hối năm 2017 ước đạt gần 10 tỷ USD, tăng so với 2016. Hiện có 2.160 doanh nghiệp có vốn đầu tư của NVNONN hoạt động tại 52 tỉnh/thành với số vốn gần 3 tỷ USD, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.
Phong trào giữ gìn văn hóa, nhất là dạy và học tiếng Việt, trong cộng đồng nở rộ, được triển khai thành nền nếp, đạt kết quả tích cực ở nhiều quốc gia, khu vực, kể cả những nơi có đông cộng đồng và nơi có ít cộng đồng. Đây cũng là một trọng tâm công tác của Ủy ban năm 2017 và những năm tiếp theo. Đến nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã cung cấp hơn 60.000 bộ sách giáo khoa tiếng Việt cho các cơ sở giáo dục, tổ chức tập huấn cho hơn 200 giáo viên kiều bào về nghiệp vụ sư phạm, tổ chức liên tục 14 Trại hè Việt Nam cho thanh niên, học sinh kiều bào.
Phóng viên: Bên cạnh những thành tựu đạt được, không thể phủ nhận rằng công tác đối với NVNONN còn một số tồn tại hạn chế nhất định. Thứ trưởng có thể cho biết rõ thêm về những khó khăn, tồn tại đã và đang gặp phải?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Công tác về NVNONN trong hơn 10 năm qua đã có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ nhưng vẫn còn hạn chế về nhận thức đối với cộng đồng và công tác chưa hoàn toàn đồng bộ; chủ trương Đại đoàn kết dân tộc trên tinh thần “NVNONN là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” chưa được quán triệt ở nhiều cấp. Vẫn tồn tại tình trạng một số nơi ít quan tâm tới việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho kiều bào. Một số hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai công tác như sau:
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan tới NVNONN: Việc thực hiện chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài còn chậm; cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính cần được cải tiến hơn nữa; một số chính sách lớn, gắn với quyền lợi thiết thân của kiều bào còn mất nhiều thời gian soạn thảo, điều chỉnh như vấn đề quốc tịch, mua và sở hữu nhà ở, đầu tư... chưa có cơ chế, biện pháp để tranh thủ tối đa nguồn lực tri thức rất lớn của kiều bào.
Công tác hỗ trợ NVNONN ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại: Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng việc vận động chính quyền tại một số địa bàn có kiều bào sinh sống chưa đạt kết quả như mong muốn. Một bộ phận không nhỏ NVNONN chưa có địa vị pháp lý ổn định, dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn.
Công tác vận động NVNONN: công tác thông tin, hỗ trợ duy trì bản sắc văn hoá dân tộc và tiếng Việt chưa đáp ứng hết nhu cầu cộng đồng và đặc thù của địa bàn; việc hỗ trợ phát triển hội đoàn và nòng cốt trong cộng đồng còn chậm. Chính sách khen thưởng đối với kiều bào, nhất là những kiều bào có đóng góp cho kháng chiến, cần được bổ sung, cập nhật để không bỏ sót người có công.
Nguyện vọng của đông đảo kiều bào được mang hai quốc tịch đang được các cơ quan liên quan tiếp tục giải quyết. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách này vẫn chưa được đồng bộ và nhuần nhuyễn.
Khóa tập huấn năm 2017 có gần 80 học viên là giáo viên đang giảng dạy các lớp tiếng Việt cho kiều bào (Ảnh: Khánh Linh)
Phóng viên: Những năm qua, công tác đối với NVNONN đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, khẳng định sức mạnh đoàn kết thống nhất của toàn dân tộc Việt Nam. Theo Thứ trưởng, trong thời gian tới, chúng ta cần làm gì để tiếp tục huy động tinh thần đoàn kết của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Cộng đồng NVNONN gồm nhiều thành phần, ra đi trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, vì vậy công tác về NVNONN trong những năm qua thực chất tập trung vào các hoạt động vận động, hỗ trợ, đoàn kết cộng đồng, hòa giải, hòa hợp dân tộc, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 26/3/2004 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; trong đó nêu rõ: “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc... Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp.... Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Sau hơn 10 năm triển khai, công tác đối với NVNONN đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Nhìn chung, hầu hết các Bộ, Ban, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương đã nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của công tác đối với NVNONN trong sự nghiệp đại đoàn kết, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa có sự thống nhất trong nhận thức và hành động để thực sự xóa bỏ mặc cảm quá khứ. Ở nhiều cấp độ, nhiều nơi còn chưa hết thành kiến, e ngại hoặc coi nhẹ nguồn lực kiều bào. Không ít trường hợp còn lợi dụng những bất cập và sự thiếu đồng bộ của luật pháp để gây khó khăn. Do vậy, chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị tiếp tục nhấn mạnh: “công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”. Để thực hiện được mục tiêu này, thời gian tới chúng ta cần làm tốt một số việc sau:
Một là, tiếp tục quán triệt Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị để thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; tăng cường phối hợp để đồng bộ, nhất quán từ chủ trương đến chính sách, hành động.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh các mặt công tác nhằm hỗ trợ cộng đồng phát triển ổn định, gắn bó với quê hương như tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung luật pháp, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời vướng mắc của kiều bào. Tăng cường công tác bảo hộ công dân; đàm phán và hỗ trợ giải quyết giấy tờ pháp lý cho kiều bào ở những nơi có khó khăn. Nghiên cứu, ban hành các chính sách nhằm thu hút, sử dụng hiệu quả hơn nữa đóng góp của chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào, phát huy vai trò cầu nối, động lực cho phát triển. Tăng cường hỗ trợ các tổ chức, hội đoàn người Việt phát huy vai trò gắn kết cộng đồng; nghiên cứu áp dụng chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân nòng cốt, tích cực.
Ba là, tăng cường thông tin, đáp ứng nguyện vọng của kiều bào, tạo điều kiện cho các phóng viên, cơ quan báo chí truyền thông trong cộng đồng trực tiếp về nuớc đưa tin khách quan về tình hình phát triển đất nước. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ và internet, NVNONN có thể tiếp cận kịp thời hơn với báo chí, truyền thông trong nước, trong đó có hệ thống truyền hình thông qua TV Box đã phổ cập. Việc tổ chức các hội thảo, hội nghị dành cho kiều bào nhằm tạo diễn đàn để bà con trình bày tâm tư, nguyện vọng, đề đạt kiến nghị giải quyết các khó khăn vướng mắc cũng sẽ được thường xuyên hơn.
Phóng viên: Bảo hộ công dân luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Thứ trưởng có thể cho biết rõ thêm về vấn đề này? Trong thời gian tới, cùng với quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của đất nước, công tác bảo hộ công dân sẽ tiếp tục được chú trọng triển khai như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đến lợi ích của người dân. Đối với NVNONN, Đảng, Nhà nước có chính sách rất rõ ràng. Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN tại mục 2 đã nêu: "Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài theo luật pháp, công ước và thông lệ quốc tế". Chỉ thị số 1737/CT-TTg ngày 20/09/2010 của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định "Bộ Ngoại giao tham mưu giúp chính phủ trong công tác bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài; Chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện nghiêm túc công tác bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam tại địa bàn. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục triển khai toàn diện công tác bảo hộ công dân, trong đó Bộ Ngoại giao được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, thực hiện công tác quan trọng này. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác này, cũng là để triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII.
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong tiến trình đó, giao lưu, nhu cầu đi lại của công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng đông. Bên cạnh đó, cộng đồng NVNONN có hơn 4,5 triệu người có mặt trên 109 quốc gia, vùng lãnh thổ, một số lượng không nhỏ công dân ta hàng năm ra nước ngoài, như có khoảng 500.000 người lao động, cùng với 230.000 người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài; hơn 100.000 sinh viên du học tại 40 nước. Với số công dân đi lại, giao lưu đông như vậy, công tác bảo hộ công dân chắc chắn sẽ nhiều. Trong khi đó, tình hình quốc tế, khu vực có những tình huống khó lường, tiềm ẩn như: khủng bố, thiên tai, đói nghèo… cũng tạo ra những khó khăn, thách thức, nên công tác này cần được thực hiện thường xuyên, cơ quan chuyên trách bảo hộ công dân trực 24/7.
Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện ngay từ đầu năm đã khẩn trương triển khai công tác này tại địa bàn, thăm lãnh sự đối với ngư dân, công dân còn bị giam giữ, vận động các nước thực hiện chế độ giảm án, miễn án đối với công dân đang thi hành án phạt tù tại nước ngoài nhân dịp Tết Nguyên đán sắp đến, khẩn trương giải quyết các vụ việc nảy sinh; khuyến cáo công dân trong đi lại dịp Tết sắp tới…
Tổng đài Bảo hộ công dân tiếp tục trực 24/7, nhận phản ánh về những trường hợp công dân ta gặp khó khăn ở nước ngoài, tiếp tục hỗ trợ công dân ở ngoài nước gặp sự cố và những trường hợp khẩn cấp khác, đảm bảo được hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Quỹ bảo hộ công dân cùng với các đơn vị của Bộ phối hợp chặt chẽ, xử lý ngay các vụ việc xảy ra với công dân hoặc ngư dân Việt Nam trên biển gặp sự cố.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!