Niềm tin lớn cho Việt Nam

Thứ ba, 14/04/2020 22:49
(ĐCSVN) – Về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới. Đã đến lúc chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, và thị trường lao động. Tôi có niềm tin lớn rằng Việt Nam sẽ làm được.
TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam 

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến vấn đề lao động việc làm và những biện pháp hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch.

Phóng viên (PV): Báo cáo nhanh mới đây của ILO đã đưa ra những dự báo cập nhật về tình trạng mất việc làm và giảm số giờ làm việc nghiêm trọng trên toàn thế giới. Vậy tình hình của Việt Nam được dự báo như thế nào, thưa ông?

TS Chang-Hee Lee: Vẫn còn quá sớm để đưa ra những dự báo chắc chắn đối với Việt Nam do chúng ta chưa có những số liệu phản ánh tác động toàn diện của đại dịch COVID-19 gây nên đối với doanh nghiệp và việc làm. Chúng ta cần đợi tới khi công bố kết quả cuộc Điều tra Lao động Việc làm và Doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê đang thực hiện với sự hỗ trợ của ILO.

Cũng đã có một số dự báo được đưa ra dựa trên kết quả khảo sát, chẳng hạn như Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo sẽ có 2 triệu việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng và khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết 50% các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ có thể tồn tại được tối đa 6 tháng nếu tình hình khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây nên không được cải thiện. Nhưng hãy đợi đến khi kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê được công bố để có một bức tranh chính xác về hoạt động của doanh nghiệp và tình trạng mất việc làm.

Tuy nhiên, có một điều rất rõ ràng, hầu hết mọi quốc gia đang phải trải qua một thời kỳ thực sự khó khăn do cả thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II. Với các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội đang được áp dụng theo những hình thức khác nhau, khủng hoảng y tế toàn cầu đang nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trên toàn thế giới. Theo những ước tính mới của ILO, các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn diện đã ảnh hưởng tới 2,7 tỷ người lao động, tức 81% lực lượng lao động toàn cầu. Bản báo cáo nhanh mới được ILO công bố tuần trước cho thấy số giờ làm việc trên thế giới sẽ giảm 6,7% trong quý II năm nay, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian. 

Khoảng 38% lực lượng lao động toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực hiện đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, đi kèm với những nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm. Trong số đó có các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh, vận tải và giải trí.

Ở Việt Nam, những lĩnh vực này hiện đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, tức 40,8% tổng số việc làm của Việt Nam (tính toán của ILO dựa trên kết quả Điều tra Lao động Việc làm 2018). Chúng ta không nói rằng tất cả những lao động này sẽ bị mất việc, chúng ta chỉ đang nói rằng họ đang làm việc trong những lĩnh vực có rủi ro cao, đang phải đối diện với những thách thức vô cùng lớn để duy trì sự sống còn của doanh nghiệp và duy trì lực lượng lao động.

Điều này cũng đem lại hàm ý chính sách rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam. Đây là những lĩnh vực thâm dụng lao động và thường tuyển dụng người lao động được trả lương thấp và trình độ kỹ năng thấp. Đây cũng là những lĩnh vực mà phụ nữ chiếm phần đông. Điều đó có nghĩa rằng khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây nên ảnh hưởng nặng nề hơn đối với người lao động dễ bị tổn thương và lao động nữ. Bốn lĩnh vực được xác định có nguy cơ bị tác động nặng nề nhất theo Báo cáo nhanh của ILO hiện sử dụng 44,1% số lao động nữ của Việt Nam (trong khi đó chỉ có 30,4% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên). Vì vậy, khi Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ cần phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề này. Điểm đáng quan ngại là diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng này có thể sẽ làm suy yếu thêm vị thế của phụ nữ trên thị trường lao động.

PV: Theo ông, những nhóm đối tượng nào trong thị trường lao động Việt Nam được xét là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong tình hình hiện nay?

TS Chang-Hee Lee: Các nhóm dễ bị tổn thương nhất gồm có người lao động làm công việc phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ. Nhu cầu của họ cần phải được coi là vấn đề ưu tiên và cấp bách cần giải quyết.

Mặc dù tỷ lệ phi chính thức ở Việt Nam đã giảm, hơn 70% dân số có việc làm (bao gồm cả các việc làm nông nghiệp) vẫn đang làm các công việc phi chính thức. Phần đông những lao động này không được hưởng các hình thức bảo vệ cơ bản như khi làm những công việc chính thức, cụ thể là chế độ bảo vệ thu nhập, nghỉ ốm và chăm sóc y tế. Trong cuộc khủng hoảng COVID-19 này, họ có thể buộc phải tiếp tục làm việc hay không muốn tự cách ly khi cần, như vậy, họ tự đặt sức khỏe của bản thân vào tình thế nguy hiểm và có nguy cơ lây nhiễm cho thêm nhiều người. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động tự làm, lao động phi chính thức làm việc trong các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất, lao động giúp việc gia đình và lao động trong nền kinh tế gig (nền kinh tế việc làm tự do).

Trong khi đó, lao động di cư trong nước, lực lượng chiếm 13,6% tổng dân số, thường làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức không có hợp đồng làm việc và không được tiếp cận với các chế độ bảo trợ xã hội. Lao động di cư trong nước thường làm việc trong những lĩnh vực bị khủng hoảng việc làm nặng nề nhất.

Bên cạnh đó, phụ nữ là đối tượng phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng lần này. Như tôi đã đề cập, bốn lĩnh vực ILO xác định có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và hoạt động kinh doanh hiện đang sử dụng 44,1% lao động nữ ở Việt Nam, trong khi tỷ lệ này đối với lao động nam chỉ là 30,4%.

Phụ nữ cũng là lực lượng đảm nhiệm các công việc chăm sóc ở tuyến đầu. Họ chiếm phần đông trong số hai triệu lao động gia đình không được trả lương. Đa phần họ là những người chăm sóc chính cho con cái và cha mẹ già. Họ cũng chiếm số đông trong các công việc thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất (dệt may, giúp việc gia đình). Chính vì vậy, rất cần thiết phải đảm bảo cách có tính đến yếu tố giới trong các phản ứng chính sách.

Thêm vào đó, trẻ em cũng có thể bị ảnh hưởng do bố mẹ mất việc làm hay bị cắt giảm thu nhập. Khi xảy ra khủng hoảng, tình trạng bỏ học, suy dinh dưỡng, bóc lột lao động và lao động trẻ em có thể gia tăng nghiêm trọng dẫn đến những hệ quả lâu dài và không thể đảo ngược được đối với công cuộc phát triển nguồn lực con người.

PV: Bảo trợ xã hội có vai trò như thế nào trong việc giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội mà COVID-19 gây nên, thưa ông?

TS Chang – Hee Lee: Chính phủ đã triển khai nhóm giải pháp đầu tiên nhằm cung cấp hỗ trợ khẩn cấp bằng hình thức trợ cấp tiền mặt. Đây là những nỗ lực rất đáng khen ngợi. Những hệ thống bảo trợ xã hội thực sự đóng vai trò quan trọng trong mọi biện pháp ứng phó khủng hoảng, giải quyết ba khía cạnh chính của đại dịch và những tác động về kinh tế và xã hội mà đại dịch gây nên.

Bảo trợ xã hội giúp kiểm soát dịch bệnh và giảm tỷ lệ tử vong. Bảo trợ xã hội về sức khỏe giúp đảm bảo việc tiếp cận hiệu quả dịch vụ chăm sóc y tế với chi phí phải chăng để người bị mắc bệnh được điều trị kịp thời. Trong khi đó, các biện pháp hỗ trợ an ninh thu nhập như trợ cấp ốm đau, trợ cấp thất nghiệp và các trợ cấp khác bằng tiền cho các hộ gia đình có thể duy trì một số thu nhập trong trường hợp ốm đau hay mất việc, từ đó bảo vệ mọi người trước nguy cơ lây nhiễm và cho phép họ thực hiện tự cách ly và kiểm dịch, do đó đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự lây lan của virus.

Bảo trợ xã hội mang lại an ninh thu nhập và ngăn ngừa nghèo đói. Trợ cấp ốm đau, trợ cấp thất nghiệp và các trợ cấp khác bằng tiền làm giảm những tác động kinh tế bất lợi do khủng hoảng gây nên, tạo việc làm và an ninh thu nhập cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, từ đó góp phần tăng cường khả năng phục hồi của họ và ngăn ngừa tình trạng người lao động bị rơi vào vòng xoáy nghèo đói, thất nghiệp và phi chính thức. Cơ chế bảo trợ xã hội về y tế hiệu quả cũng đảm bảo những người bị ảnh hưởng không phải tự gánh vác những khoản chi phí y tế khổng lồ, đẩy họ vào tình trạng khó khăn về tài chính và nghèo đói. Những cuộc khủng hoảng trước đây đã nêu bật sự cần thiết phải phối hợp giữa các biện pháp can thiệp y tế hiệu quả với các cơ chế bảo trợ xã hội trong mọi phản ứng chính sách phù hợp của chính phủ.

Bảo trợ xã hội là công cụ bình ổn kinh tế và xã hội. Cú sốc đối với phía cung và cầu do đại dịch có thể sẽ gây tác động nghiêm trọng về kinh tế và xã hội trong dài hạn, điều này kêu gọi hành động nhanh chóng và các chính sách kinh tế xã hội quyết liệt. Bằng chứng từ các cuộc khủng hoảng trước đây cho thấy bảo trợ xã hội có hiệu quả tích cực trên nhiều phương diện đối với nền kinh tế hơn so với các giải pháp tài khóa khác, bảo trợ xã hội đóng vai trò là công cụ quan trọng để bình ổn kinh tế và xã hội.  Bảo trợ xã hội đảm bảo các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình có thể duy trì tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tổng cầu và vạch ra một con đường chắc chắn cho công cuộc phục hồi sau khủng hoảng. 

PV: Ông có đưa ra lời khuyên nào về một khung chính sách hiệu quả để đối phó với đại dịch không?

TS Chang – Hee Lee: Tôi đánh giá cao việc Việt Nam đã bắt đầu đưa ra và triển khai các gói chính sách kích thích nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập. Chắc chắn có thể có những lĩnh vực có thể làm tốt hơn. Nhưng tôi tin rằng, gói hỗ trợ thông qua Nghị quyết mới của Chính phủ nhìn chung phù hợp với những khuyến nghị ILO đã đưa ra ở cấp độ toàn cầu đối với các phản ứng chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với COVID-19 bao gồm: kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập, và bảo vệ người lao động tại nơi làm việc. Khung chính sách đó sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục hậu COVID-19 bằng việc giảm thiểu những tác động tiêu cực lên con người cũng như tiềm năng phát triển kinh tế của tương lai.

Tôi có ba điểm muốn nhấn mạnh.

Thứ nhất, trong tình hình hiện tại, doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ phải cho thêm nhiều người lao động nghỉ việc – điều mà chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy. Nếu không có biện pháp kiềm chế, điều này sẽ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng xã hội, dẫn tới hút cả hệ thống đi xuống.

Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những doanh nghiệp có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động bằng các hình thức phân công công việc đảm bảo sức khỏe. Chẳng hạn như việc đổi ca hàng ngày có thể vừa giúp giữ người lao động vừa thực hiện giãn cách xã hội. Đây là cách thức chia sẻ công việc trong thời kỳ khó khăn. Làm như vậy cũng sẽ giúp làm chậm lại và giảm thiểu cú sốc từ khủng hoảng việc làm. Để làm được điều đó, quan trọng là cần phải tổ chức đối thoại xã hội giữa doanh nghiệp và người lao động, và giữa cả hai bên với Chính phủ để tìm được hướng điều chỉnh dần dần đối với việc làm, số giờ làm việc và tiền lương, dựa trên cơ sở đồng thuận. Đối thoại xã hội có thể tạo ra niềm tin và sự tín nhiệm vào chính sách và các biện pháp mà Chính phủ và doanh nghiệp thực hiện nhằm giảm thiểu khả năng dẫn tới bất ổn xã hội. Điều đó sẽ giúp nền kinh tế hồi phục khi COVID-19 được khống chế. Về phương diện này, Việt Nam đã có một số sáng kiến hay, chẳng hạn như những gì Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng vừa thực hiện.

Tôi muốn nói thêm về mối liên quan giữa giữ việc làm, kinh doanh an toàn và thúc đẩy các ngành dịch vụ. Chẳng hạn, việc luân phiên lực lượng lao động theo ngày có thể vừa giúp giữ người lao động vừa thực hiện giãn cách xã hội. Hoặc nhà máy có thể chia ca làm việc, ví dụ một số người lao động bắt đầu từ 7 giờ sáng, một số khác lúc 11 giờ trưa, và tốp còn lại bắt đầu lúc 3 giờ chiều. Cách này có thể đảm bảo giãn cách xã hội không chỉ trong phạm vi nhà máy mà còn cả ở ngoài phố nữa, do người lao động cần di chuyển đến và đi từ nơi làm việc. Nó cũng tạo tác động tích cực, chẳng hạn đối với các ngành dịch vụ, bởi vì người lao động có thể đến nhà hàng, quán ăn, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, trong các khung thời gian khác nhau phù hợp với thời gian làm việc của họ, nên có thể giúp tăng số lượng khách hàng và duy trì giãn cách xã hội ở các địa điểm đó. Điều này giúp đảm bảo kinh doanh an toàn, giữ việc làm và thúc đẩy tiêu dùng nội địa đồng thời.

Thứ hai, cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, nông hộ và khu vực nông nghiệp - nông thôn. Đó chính là những loại hình kinh tế đã giúp Việt Nam vượt qua thời kỳ chiến tranh và các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ. Tuy nhiên, đại dịch hiện tại và các biện pháp giãn cách xã hội đang ảnh hưởng lớn tới khả năng khu vực kinh tế này đối phó với cú sốc kinh tế xã hội. Trong trường hợp sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, thì chính hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, đơn vị kinh doanh hộ gia đình và khu vực nông nghiệp - nông thôn mang lại sự hỗ trợ thay thế. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong giai đoạn quan trọng này, với sự hỗ trợ của Chính phủ.

Thứ ba, như tôi đã nói, bảo trợ xã hội cần được tiếp tục đóng vai trò ưu tiên trong các gói hỗ trợ kích thích, bao gồm cả các gói hỗ trợ trong tương lai, để củng cố các biện pháp đã được thực hiện nhằm bảo vệ người dân và sinh kế của họ.

Giờ chính là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận cân bằng để đối phó với cuộc khủng hoảng kép này. Về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới. Đã đến lúc chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, và thị trường lao động. Tôi có niềm tin lớn rằng Việt Nam sẽ làm được. Cộng đồng quốc tế, trong đó có ILO và các tổ chức Liên hợp quốc, luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn./.

 

 

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực