Nỗ lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông

Thứ tư, 07/06/2023 18:45
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chiều 7/6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.

Sắp tới sẽ đấu thầu 8 trạm dừng nghỉ

Quan tâm về kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Đoàn Ninh Thuận) phản ánh, các dự án thành phần có tuyến đã hoàn thành đưa vào sử dụng, có tuyến chưa, nhưng các hạng mục đường gom chưa hoàn thiện, ảnh hưởng việc đi lại, sinh hoạt, lao động sản xuất của nhân dân. Trên cơ sở đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp của tình trạng này?

Cũng theo đại biểu, hiện nay nhiều tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác nhưng chưa có trạm dừng nghỉ, gây bất tiện cho người tham gia giao thông.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.Hồ Chí Minh nêu: Hai tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh -Trung Lương và TP.Hồ Chí Minh - Long Thành luôn quá tải đặc biệt vào cuối tuần, kế hoạch mở rộng 2 tuyến này như thế nào?

Trả lời đại biểu Trần Anh Tuấn về 2 cao tốc TP.Hồ Chí Minh -Trung Lương và TP.Hồ Chí Minh - Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng phương án đầu tư tuyến Trung Lương (vì đây là tuyến có lưu lượng rất đông), Bộ đang có đề xuất. Còn với dự án TP.Hồ Chí Minh - Long Thành, Bộ trưởng cho biết sẽ phối hợp với nhà đầu tư để nghiên cứu mở rộng vì còn liên quan đến dự án sân bay Long Thành.

Về câu hỏi đầu tư trạm dừng nghỉ, Bộ trưởng cho hay, đây là vấn đề bất cập, nhiều tuyến đã có. Nhưng có một số tuyến cao tốc, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện nay đang thiếu vắng, không có các trạm dừng nghỉ. Ngay từ đầu năm, Bộ đã chỉ đạo phải làm bù, xây dựng thông tư hướng dẫn và tổ chức đấu thầu khẩn trương xây dựng các trạm dừng nghỉ. Sắp tới sẽ đấu thầu 8 trạm, nhưng có vấn đề liên quan đến quy mô, trước đây quy chuẩn khoảng 1ha, nhưng giờ không làm được phải tối thiểu 3ha.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: TH.

“Hiện nay Bộ GTVT đang rất quyết liệt việc này và cam kết với các đại biểu là khi chúng ta hoàn thành các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thì chúng ta sẽ có đầy đủ các trạm dừng nghỉ theo đúng quy hoạch để đưa vào khai thác vận hành”, Bộ trưởng cam kết.

Trước 30/6 sẽ xử lý những tồn tại liên quan đến đường gom, đường dân sinh

Liên quan đến đường gom dân sinh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận có một số tuyến chính còn một phần đường gom, dân sinh chưa hoàn thành. Tuy nhiên tuyến chính đã xong rồi và nhu cầu của người dân thì rất cao và người dân rất mong chờ, cho nên cũng không thể chờ đợi để chúng ta hoàn thành 100%.

“Dự kiến là trước 30/6 sẽ xử lý tất cả những tồn tại liên quan đến đường gom, đường dân sinh của một số dự án mà vừa qua chúng ta đưa vào khai thác”, Bộ trưởng cho biết.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện nay một số tuyến đường quốc lộ không đáp ứng nhu cầu đi lại, nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm của Bộ trưởng về cơ chế cho phép dùng ngân sách địa phương để mở rộng các tuyến đường quốc lộ xuống cấp?

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay theo quy định của Luật Ngân sách cũng như là quy định của Luật Giao thông đường bộ thì các tuyến đường cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông vận tải, còn các tuyến đường còn lại, tỉnh lộ trở xuống thì thuộc trách nhiệm của địa phương. Vừa qua trong bối cảnh nguồn ngân sách của chúng ta thì có hạn mà nhiều tuyến đường lại xuống cấp và ngân sách trung ương một năm Bộ Giao thông vận tải được giao chỉ đáp ứng được khoảng 66%.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh nguồn ngân sách trung ương có hạn, nếu địa phương bố trí được nguồn vốn này để cùng với trung ương thực hiện việc đầu tư nâng cấp đối với các tuyến quốc lộ là rất cần thiết, rất quan trọng và rất phù hợp.

“Nội dung này Ban Cán sự đảng Chính phủ đã có tờ trình Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Mặt khác, hiện nay trong dự thảo Luật Đường bộ sắp tới trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 và thông qua kỳ họp thứ 7 chúng tôi đã đưa nội dung này vào dự thảo của luật để cho phép thực hiện việc này khi luật được thông qua”, Bộ trưởng thông tin thêm.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: TH.

Rà soát, nâng cấp các tuyến cao tốc 2 làn xe

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên - Huế) đặt vấn đề về việc Thủ tướng chỉ đạo không khuyến khích đầu tư cao tốc 2 làn xe vì gây lãng phí. Nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh có hai tuyến cao tốc là La Sơn - Túy Loan và La Sơn - Cam Lộ dù phát huy hiệu quả nhưng lưu lượng phương tiện quá lớn nên vẫn phải lưu thông chủ yếu qua quốc lộ 1A, khiến tuyến này thường xảy ra tai nạn.

Trả lời đại biểu Thanh Hải, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc đầu tư các tuyến cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh hay 6-8 làn xe là nhu cầu đúng đắn, cần thiết. Thủ tướng luôn chỉ đạo cố gắng đầu tư tuyến nào hoàn thành tuyến đó, song theo Bộ trưởng, thực tế vừa qua nhiều tuyến do nguồn lực có hạn nên chỉ đủ ngân sách làm 2 làn xe, một phần do ban đầu lưu lượng xe qua các tuyến này cũng không lớn.

 Bộ trưởng thông tin, qua tổng hợp có 5 tuyến cao tốc hiện nay có 2 làn xe, trong đó có 2 tuyến ở Thừa Thiên – Huế như đại biểu Hải nêu.

“Thủ tướng đã chỉ đạo thời gian tới ưu tiên nguồn ngân sách tập trung nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 làn xe lên 4 làn.Tôi cho rằng chỉ đạo này rất đúng đắn và về phía Bộ GTVT chúng tôi sẽ ghi nhận những ý kiến của các đại biểu và cố gắng đề xuất để có nguồn vốn để chúng ta hoàn thiện tất cả các tuyến đường cao tốc 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh”, Bộ trưởng nói.

Về các giải pháp lâu dài đối với việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, người đứng đầu Bộ GTVT cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi các quy định chưa phù hợp nhằm rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư. Cải cách thủ tục hành chính, thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong huy động, sử dụng nguồn lực ở trung ương và địa phương tạo điều kiện để các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng.

Bên cạnh đó, cần huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước với mục tiêu lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, áp dụng linh hoạt các loại hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng lĩnh vực, xây dựng và áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý, bảo đảm lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Mặt khác, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng như đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ trọng yếu, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, các cảng biển, cảng hàng không quan trọng; tái cơ cấu thị phần vận tải…/.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực