Hội nghị Cấp cao APEC 2018 sẽ được tổ chức tại Papua New Guinea (PNG). Bên lề Đối thoại Chính sách Cấp cao về An ninh lương thực và Nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Mawe Bacchi Gonapa, đại biểu Papua New Guinea về an ninh lương thực và quá trình chuẩn bị Hội nghị cấp cao APEC 2018 tại Papua New Guinea.
Ông Mawe Bacchi Gonapa trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
(Ảnh: Đặng Hải)
Phóng viên: Xin ông cho biết những sáng kiến của Papua New Guinea tại đối thoại nông nghiệp và an ninh lương thực được tổ chức tại Cần Thơ?
Ông Mawe Bacchi Gonapa: Papua New Guinea (PNG) là một trong những nền kinh tế có đóng góp quan trọng tại buổi đối thoại lần này với chủ đề về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực. Trong quá trình chuẩn bị của mình tại bốn diễn đàn ở APEC, chúng tôi đã tích cực đóng góp cho việc hình thành kế hoạch hành động nhiều năm cũng như đóng góp cho Tuyên bố Cần Thơ nhằm hỗ trợ cho các nền kinh tế trong đó có Việt Nam. Papua New Guinea sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC năm 2018, vì vậy chúng tôi đã tham gia tích cực tại các cuộc họp nhằm học hỏi kinh nghiệm cho quá trình chuẩn bị của chúng tôi vào năm 2018.
Phóng viên: Papua New Guinea đã làm gì để đảm bảo an ninh lương thực?
Ông Mawe Bacchi Gonapa: An ninh lương thực là hoàn cảnh thực tế của PNG. Mặc dù chúng tôi đã phát triển rất mạnh số lượng lương thực, nhưng vẫn chưa đảm bảo đầy đủ được cho toàn bộ dân số trong nước. Chúng tôi có 7,2 triệu dân, trong đó 85% người dân sống bằng nông nghiệp, vì thế an ninh lương thực là vấn đề hết sức quan trọng đối với chúng tôi.
Chính bởi vậy, Chính phủ PNG đã thực hiện chính sách an ninh lương thực với những mục tiêu lớn trong đó kêu gọi thực hiện phát triển bền vững, đồng thời tuân thủ các quy định khung của FAO nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho toàn bộ người dân của PNG.
Chúng tôi có chính sách an ninh lương thực quốc gia hướng tới năm 2050, đây là một chính sách cực kỳ quan trọng, đặc biệt là kế hoạch hành động toàn diện.
Vì vậy chúng tôi ủng hộ kế hoạch hành động toàn diện của APEC. Trên hết, chúng tôi mong muốn được chứng kiến một cộng đồng phát triển bền vững nhờ tăng trưởng cao số lượng lương thực, khi chúng ta ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thì việc đảm bảo an ninh lương thực cho người dân sẽ trở thành hiện thực.
Phóng viên: Tại Tuần lễ An ninh lương thực, các nền kinh tế thành viên của APEC đã thảo luận nhiều về việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp. Xin ông cho biết Papua New Guinea đã ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp như thế nào?
Ông Mawe Bacchi Gonapa: Như bạn đã biết, nông dân ở nước chúng tôi là những người thuần nông, bởi vậy, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp thực sự là thách thức cho chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang học hỏi kinh nghiệm từ những nền kinh tế thành viên của APEC có công nghệ thông minh trong ứng phó với biến đổi khí hậu như Việt Nam, Thái Lan, Philippines… Đó là những công nghệ mà chúng tôi khuyến khích nông dân sử dụng; có rất nhiều sáng kiến hay chiến lược mà chúng tôi cố gắng theo đuổi để nông dân của chúng tôi có thể tiếp cận.
Có một cách để tiếp cận công nghệ vào PNG, đó là thông qua các dự án có sự phối hợp giữa chính phủ và lĩnh vực tư nhân nghiên cứu về nông nghiệp, nhờ vậy nông dân sẽ ứng dụng công nghệ đặc biệt là nắm bắt được những thông tin về thời tiết, khi nào bắt đầu trồng cây, khi nào phải thu hoạch, trong điều kiện thời tiết thay đổi như hiện nay.
Đây là vấn đề mới và chúng tôi mong muốn được các nền kinh tế thành viên APEC chia sẻ kinh nghiệm để tiếp cận với công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp được dễ dàng hơn.
Phóng viên: Ông mong muốn Papua New Guinea sẽ thực hiện những gì sau khi sau khi kết thúc đối thoại chính sách cao cấp về nông nghiệp lần này?
Ông Mawe Bacchi Gonapa: Sau khi học tập kinh nghiệm tại đối thoại này, chúng tôi sẽ nhanh chóng đề ra kế hoạch hành động, chúng tôi cần chuẩn bị sớm cho tuần lễ an ninh lương thực được tổ chức vào tháng 3/2018.
Ngay bây giờ chúng tôi sẽ tổ chức và thúc đẩy nhóm công nghệ và nhóm chính sách, thậm chí các quan chức chính phủ của chúng tôi ở bộ nông nghiệp sẽ làm việc cùng nhau để đề ra kế hoạch cho năm an ninh lương thực trong thời gian tới.
Chúng tôi cần sớm có kế hoạch cho tuần lễ an ninh lương thực và các cuộc họp cấp cao khác tiến tới hội nghị các lãnh đạo các nền kinh tế APEC vào tháng 11/2018.
Phóng viên: Papua New Guinea đã học được những gì từ hội nghị lần này ở Việt Nam?
Ông Mawe Bacchi Gonapa: Chúng tôi đã học được rất nhiều từ Việt Nam. Chúng tôi học từ cách Chính phủ Việt Nam chuẩn bị cho tuần lễ an ninh lương thực, cách thức tổ chức hội nghị, các nguồn lực được cam kết để tổ chức như ngân sách, hậu cần, và sự tham dự của tất cả các nền kinh tế tới Việt Nam.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông rất nhiều./.