(Ảnh minh họa. Nguồn: Đỗ Thoa)
Chương trình công tác 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo đó, trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm, các địa phương chủ động lựa chọn những vấn đề bức xúc về sản xuất và cải thiện đời sống của người dân trên từng địa bàn để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ rệt, trong đó ưu tiên chỉ đạo và hướng dẫn các xã dưới 5 tiêu chí và xã khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, hoàn thiện thủ tục phê duyệt, hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai hiệu quả Kế hoạch năm 2016.
Trong đó, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, huy động quá sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, các địa phương nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về kiểm soát đầu tư công, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Không được để phát sinh nợ mới, chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn; tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu thực hiện sai quy định.
Điều chỉnh, bổ sung hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí
Cũng theo Chương trình công tác, sẽ nghiên cứu điều chỉnh hoặc bổ sung hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp xã cho phù hợp với điều kiện đặc thù của các vùng theo hướng không hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng của các tiêu chí; đề xuất quy định những tiêu chí cơ bản bắt buộc phải thực hiện và những tiêu chí vận dụng để địa phương có thể linh hoạt áp dụng cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng; hướng dẫn các địa phương thực hiện sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Rà soát, xây dựng tiêu chí nông thôn mới ở mức cao hơn cho các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2010 - 2015, nhất là đối với các tiêu chí về tổ chức sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển ngành nghề, nâng năng lực sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh trật tự, quốc phòng ngày càng tốt hơn để nông thôn mới phát triển bền vững.
Tăng cường thu hút các nguồn lực cho Chương trình
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành xem xét, huy động tăng nguồn lực để cân đối, bố trí thực hiện Chương trình; các địa phương phải có trách nhiệm bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo quy định của Chính phủ và chủ động lồng ghép nguồn vốn của các chương trình khác; các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp phù hợp với khả năng; thực hiện các hình thức đối tác công tư, huy động các nguồn lực từ xã hội, các doanh nghiệp đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
Tích cực huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA, vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế…
Chú trọng thu hút, huy động nguồn lực đầu tư thực hiện một số tiêu chí còn ở mức thấp như tiêu chí về phát triển lực lượng sản xuất ở địa bàn nông thôn gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động; các tiêu chí về phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, tiêu chí về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn...