Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương,
Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: HH)
Buổi họp báo do đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội; đại diện lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí.
Cuộc thi được tổ chức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là cho thế hệ trẻ của hai nước về quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong quá trình đấu tranh chống lại kẻ thù chung, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phát triển. Tiếp tục phát huy giá trị tốt đẹp của công trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930 - 2007” (xuất bản năm 2011) và công trình bổ sung đến năm 2017. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017”, chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào; 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào. Cuộc thi góp phần vun đắp ngày càng tốt đẹp hơn tình cảm của hai dân tộc anh em Việt Nam - Lào; đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử, gây chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào của các thế lực cơ hội, thù địch.
Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi cho biết, đây là lần thứ hai Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, tổ chức Cuộc thi đầy ý nghĩa sâu sắc này. Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam" năm 2012 đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, với hàng triệu lượt người tham gia thi trắc nghiệm và trên 3 triệu bài thi viết sâu sắc, lắng đọng và tâm huyết. Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào" năm 2017 tập trung vào chặng đường 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1962 - 2017), với những bước phát triển mới mạnh mẽ và sâu sắc, thắm đượm tình cảm giữa hai dân tộc Việt - Lào anh em - minh chứng của tình đoàn kết đặc biệt, trong sáng, mẫu mực, thủy chung.
Đồng chí Phạm Văn Linh khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế mà nhân dân hai nước Việt Nam và Lào đang tiến hành đã tạo ra những xung lực mới, đồng thời đặt ra những yêu cầu khách quan về gia tăng mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào với những phương thức và những nội dung mới. Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2017” sẽ thực sự trở thành một trong những hoạt động nổi bật và có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực trong “Năm Đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào 2017”, góp phần tô thắm thêm cho tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc ngày càng đơm hoa, kết trái.
Với sự tham gia tích cực của các cơ quan hữu quan; sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam, Lào cũng như người nước ngoài quan tâm đến cuộc thi; sự đồng sức, đồng lòng, tuyên truyền, cổ vũ trên các phương tiện thông tin đại chúng về cuộc thi cũng như mối quan hệ đặc biệt, thủy chung giữa hai nước, chắc chắn, Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào" năm 2017 sẽ thành công rực rỡ.
Đại diện Ban Tổ chức, đồng chí Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, cuộc thi được tổ chức theo hình thức: thi trắc nghiệm hằng tuần trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và các cơ quan báo chí điện tử phối hợp; thi viết theo các nội dung chủ đề do Ban Tổ chức công bố. Cơ quan thường trực Cuộc thi trắc nghiệm là Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; cơ quan thường trực Cuộc thi viết là Tạp chí Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài đều có quyền tham gia dự thi, không phân biệt lứa tuổi, thành phần, tôn giáo, trong đó, khuyến khích các đối tượng tham gia dự thi là kiều bào hai nước Việt Nam và Lào đang sinh sống, lao động và học tập ở nước ngoài, bạn bè quốc tế tham gia dự thi. Mỗi cá nhân được tham gia thi cả hai hình thức và không hạn chế số bài tham gia.
Các đại biểu dự buổi họp báo. (Ảnh: HH)
Với hình thức thi trắc nghiệm, mỗi tuần, Ban Tổ chức Cuộc thi đưa ra 3 câu hỏi thi, với các phương án trả lời trắc nghiệm có sẵn, trong đó có 1 phương án đúng. Người dự thi truy cập vào chuyên trang Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam của một trong các trang báo, tạp chí điện tử (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: http://vietlao.dangcongsan.vn; Báo Nhân dân: www.nhandan.org.vn; Báo Quân đội Nhân dân: www.qdnd.vn; Tạp chí Tuyên giáo điện tử: www.tuyengiao.vn; Báo Tiền phong: www.tienphong.vn; Báo Thanh niên: www.thanhnien.vn; Báo Tuổi trẻ: www.tuoitre.vn) để tham gia dự thi. Kết quả thi trắc nghiệm sẽ được cập nhật vào tuần cuối hằng tháng trên trang báo điện tử của các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp tổ chức Cuộc thi. Hằng quý, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ tổ chức trao giải thưởng cho những người đoạt giải trong các cuộc thi trắc nghiệm tuần.
Với hình thức thi viết, bài tham gia dự thi là các tác phẩm chưa được công bố ở bất kỳ báo, tạp chí, sách... và phải chuyển tải được một trong các chủ đề gợi ý viết của Ban Tổ chức. Bài dự thi có thể viết tay hoặc đánh máy, với dung lượng tối đa 5.000 từ, có thể sử dụng ảnh để minh họa phong phú thêm bài viết (ghi rõ nguồn, tên tác giả của ảnh). Các bài dự thi được trình bày trên các chất liệu khác như nhôm, nhựa, mô hình… không được xem xét giải cá nhân, mà sẽ được xét giải tập thể theo địa phương, cơ sở mà người dự thi nộp bài.
Về Giải thưởng cuộc thi: Đối với hình thức thi trắc nghiệm, mỗi tuần có 03 giải thưởng, bao gồm: 1 giải Nhất; 1 giải Nhì; 1 giải Ba.
Đối với hình thức thi viết, chia làm hai loại giải cá nhân và tập thể. Về cá nhân, có 28 giải, bao gồm: 1 giải nhất; 3 giải nhì; 5 giải ba; 20 giải khuyến khích. Về tập thể, có 28 giải, bao gồm: 1 giải nhất; 3 giải nhì; 5 giải ba; 20 giải khuyến khích.
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi dự kiến tổ chức vào tháng 12/2017./.