Phát động Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Thứ hai, 13/06/2022 17:01
(ĐCSVN) – Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2022 được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trực tuyến hằng tuần trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng xã hội VCNet và các cơ quan báo chí phối hợp trong thời gian 12 tuần từ ngày 13/6/2022 đến ngày 05/9/2022.

Chuẩn bị tổ chức hiệu quả Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Lan tỏa tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Sẻng-phết Hùng-bun-nhuông - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2022 (Ảnh: Thế Dương) 

Nhằm góp phần vào thành công của “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022”, thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2022), 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022), Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2022. Lễ phát động Cuộc thi diễn ra chiều 13/6/2022 tại Học viện Ngoại giao (Hà Nội).

Tới dự Lễ phát động Cuộc thi có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Trịnh Văn Quyết - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi; Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi; Sẻng-phết Hùng-bun-nhuông (Sengphet Houngboungnuang) - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam.

Cùng dự có lãnh đạo một số ban, bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội; lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Việt Nam và sinh viên Lào đang học tập, nghiên cứu tại Học viện Ngoại giao.

 Đồng chí Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu tại Lễ phát động (Ảnh: Thế Dương)

Mục đích của Cuộc thi nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, làm cho mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ của hai nước hiểu sâu sắc hơn về quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.

Cuộc thi cũng nhằm thông tin rộng rãi, có sức lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế về ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

 Đồng chí Sẻng-phết Hùng-bun-nhuông - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam phát biểu tại Lễ phát động (Ảnh: Thế Dương)

Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động Cuộc thi, đồng chí Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi khẳng định: Quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào là tài sản vô giá của hai dân tộc. Xây dựng và phát triển mối quan hệ đặc biệt này là rất quan trọng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam lên tầm cao mới.

Đồng chí Lê Hải Bình cho rằng, Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam” năm 2022 là một sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm Năm “Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 2022”. Việc tổ chức Cuộc thi chính là thông điệp tuyên truyền quan trọng nhằm lan tỏa lịch sử, tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay.

Các đại biểu dự Lễ phát động (Ảnh: Phương Hoa) 

Để Cuộc thi đạt kết quả, có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế, đồng chí Lê Hải Bình đề nghị Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam - cơ quan thường trực của Cuộc thi, Vụ Thông tin Đối ngoại và Hợp tác quốc tế; các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan báo chí cần phối hợp thực hiện tốt một số nhiệm vụ, cụ thể là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cuộc thi và tổ chức triển khai thực hiện nội dung Cuộc thi bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức; đảm bảo tính chính xác, phong phú trong xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm, các câu hỏi cần bao quát trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội, giáo dục,…; thực hiện tốt công tác quản trị mạng, phần mềm dự thi, bảo đảm chính xác và an toàn tuyệt đối, không xảy ra sai sót; duy trì hiệu quả, thông suốt đường dây nóng của Cuộc thi để tháo gỡ, giải đáp kịp thời những vướng mắc của người tham gia dự thi. Ban Tổ chức, Ban Nội dung, Ban Thư ký Cuộc thi cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, bảo đảm Cuộc thi triển khai đúng kế hoạch, đạt mục đích, yêu cầu và nội dung đề ra.

Tại Lễ phát động, đồng chí Trần Doãn Tiến – Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi đã công bố Thể lệ Cuộc thi. Theo đó, tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài đều có quyền tham gia dự thi, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, nghề nghiệp, tôn giáo. Độ tuổi dự thi: Từ đủ 14 tuổi trở lên tính đến thời điểm làm bài thi. Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trực tuyến hằng tuần trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng xã hội VCNet và các cơ quan báo chí phối hợp trong thời gian 12 tuần từ ngày 13/6/2022 đến ngày 05/9/2022.

Đồng chí Trần Doãn Tiến – Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi công bố Thể lệ Cuộc thi (Ảnh: Thế Dương)

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Sẻng-phết Hùng-bun-nhuông, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng, vinh dự khi nhận được lời mời từ Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự Lễ phát động Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào năm 2022”. Đại sứ khẳng định: Trong suốt thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, khó dự đoán cùng với tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, nhưng mối quan hệ vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cùng Chủ tịch Kay-sỏn Phôm-vi-hản và Chủ tịch Su-pha-nu-vông kính yêu gây dựng đặt nền móng và dày công vun đắp, được các thế hệ lãnh đạo, chiến sĩ cách mạng và nhân dân hai nước tiếp tục nâng niu, gìn giữ, phát huy, nay đã trở thành tài sản vô giá, là quy luật tồn tại và phát triển của hai nước, là yếu tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng mỗi nước chúng ta. Quan hệ giữa hai nước hiện nay không những không phai nhạt mà còn tiếp tục được tăng cường, đi vào chiều sâu và chiều rộng trên mọi lĩnh vực; một trong số đó là công tác giáo dục thế hệ trẻ nhận thức, hiểu biết và kế thừa truyền thống quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam.

Đại sứ Sẻng-phết Hùng-bun-nhuông hoan nghênh sáng kiến tổ chức Cuộc thi và cho rằng: "Việc Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức phát động Cuộc thi lần này sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường giáo dục cho đảng viên, cán bộ, bộ đội, công an và người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt. Tôi tin tưởng rằng, Cuộc thi tìm hiểu về quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta sẽ nhận được sự quan tâm rộng rãi từ các tầng lớp nhân dân, từ thanh thiếu niên cho đến người cao tuổi và có thể khám phá được những nét độc đáo trong quan hệ đặc biệt này. Những thông tin thu được từ Cuộc thi này sẽ bổ sung sự phong phú, có ý nghĩa quan trọng vào kho tàng lịch sử quan hệ của hai nước chúng ta, đồng thời là tài liệu để các thế hệ mai sau tìm hiểu và học hỏi".

Một tiết mục trong chương trình văn nghệ do sinh viên Việt Nam và sinh viên Lào của Học viện Ngoại giao trình diễn tại Lễ phát động (Ảnh: Kiều Giang) 

Cũng tại Lễ phát động, đại diện lãnh đạo và sinh viên Học viện Ngoại giao đã phát biểu hưởng ứng Cuộc thi đồng thời tham gia thi trực tuyến trên hệ thống ngay sau khi Cuộc thi chính thức diễn ra. Tuần thứ nhất của Cuộc thi bắt đầu lúc 16h00 ngày 13/6/2022, kết thúc lúc 15h00 ngày 20/6/2022.

CÂU HỎI TUẦN 1 CUỘC THI “TÌM HIỂU LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM – LÀO, LÀO – VIỆT NAM” NĂM 2022 (TỪ NGÀY 13/6 ĐẾN NGÀY 20/6/2022)

Câu 1: Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao ngày tháng năm nào?

Phương án 1:  Ngày 5 tháng 9 năm 1961

Phương án 2:  Ngày 18 tháng 7 năm 1962

Phương án 3:  Ngày 5 tháng 9 năm 1962 

Câu 2: Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào được ký ngày tháng năm nào?

Phương án 1:  Ngày 5 tháng 9 năm 1977

Phương án 2:  Ngày 18 tháng 7 năm 1977

Phương án 3:  Ngày 19 tháng 7 năm 1977

Câu 3: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến bản Xiềng Vang, xã Xiềng Mương, huyện Noỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn (Lào) để hoạt động cách mạng vào năm nào? 

Phương án 1:  Năm 1927

Phương án 2:  Năm 1928

Phương án 3:  Năm 1929

Câu 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc các câu thơ sau trong bối cảnh và thời gian nào?

“Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Việt – Lào, hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.”

Phương án 1:  Trong buổi tiễn vua Lào Xri Xavang Vátthana, ngày 10/3/1960

Phương án 2: Trong buổi tiễn vua Lào Xri Xavang Vátthana, ngày 13/3/1962

Phương án 3:  Trong buổi tiễn vua Lào Xri Xavang Vátthana, ngày 13/3/1963

Câu 5: “…nhiều đồng chí Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Sầm Nưa, Cánh đồng Chum.., nhiều cán bộ Việt Nam đã sang Lào hoạt động từ lúc cách mạng mới bắt đầu cho đến khi tóc bạc, coi nhân dân Lào như nhân dân mình, coi sự nghiệp cách mạng Lào như sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tình nghĩa giữa hai dân tộc, hai đảng và hai quân đội chúng ta thật vô cùng thắm thiết”.

Bạn hãy cho biết tác giả và bối cảnh của đoạn trích trên?

Phương án 1: Cayxỏn Phômvihản, trích Báo cáo tại Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào, năm 1955

Phương án 2: Cayxỏn Phômvihản, trích bài phát biểu tại buổi bế mạc Hội nghị rút kinh nghiệm về vấn đề tác chiến ở Lào, ngày 21/9/1965

Phương án 3: Xuphanuvông, trích thư gửi Cụ Lê Thước, tháng 11/1951

Câu 6: Ai là tác giả của đoạn trích dưới đây và nói vào thời gian nào?

“Quan hệ hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và Việt Nam thật là vĩ đại, không thể có bài hát, bài thơ nào ca ngợi hết được. Tình đoàn kết Lào - Việt Nam cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất.”

Phương án 1: Xuphanuvông, tháng 5/1945

Phương án 2: Cayxỏn Phômvihản, tháng 5/1970

Phương án 3: Xuphanuvông, tháng 5/1971

Câu 7: Việt Nam, Lào và Campuchia cùng chung một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Đông Dương trong thời gian nào?

Phương án 1: Từ tháng 10/1930 đến tháng 2/1951 

Phương án 2: Từ tháng 2/1930 đến tháng 2/1951

Phương án 3: Từ tháng 10/1930 đến tháng 5/1945

Câu 8: “Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền”.

Đoạn trích trên trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian nào?

Phương án 1: Năm 1945

Phương án 2: Năm 1946

Phương án 3: Năm 1947

Câu 9: Thủ đô của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào có tên là gì?

Phương án 1: Savanakhet

Phương án 2: Louangphrabang

Phương án 3: Vientiane

Câu 10: Ca khúc “Tình Việt Lào” của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới được sáng tác vào năm nào?

Có thể thưởng thức ca khúc này qua đường link sau:

https://www.youtube.com/watch?v=97XSIsXvYq4

Phương án 1: Năm 2000

Phương án 2: Năm 2001

Phương án 3: Năm 2002

Thể lệ Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2022

1. Mục đích

-  Cuộc thi nhằm góp phần vào thành công của “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022”; thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

- Giáo dục truyền thống cách mạng, làm cho mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ của hai nước hiểu sâu sắc hơn về quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.

- Thông tin rộng rãi, có sức lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế về ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

2. Các quy định chung

2.1. Đối tượng dự thi

Tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài đều có quyền tham gia dự thi, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, nghề nghiệp, tôn giáo. Độ tuổi dự thi: Từ đủ 14 tuổi trở lên tính đến thời điểm làm bài thi.

Ban Tổ chức khuyến khích công dân hai nước Việt Nam và Lào đang sinh sống, lao động và học tập ở nước ngoài, bạn bè quốc tế tham gia dự thi.

Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Nội dung, Ban Thư ký Cuộc thi không được tham gia dự thi.

2.2. Nội dung thi

Cuộc thi tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

- Về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào qua các thời kỳ lịch sử, tập trung nhấn mạnh vào giai đoạn từ năm 1962 đến nay.

- Các lãnh tụ Đảng, Nhà nước Việt Nam - Lào qua các thời kỳ.

- Những cá nhân điển hình có đóng góp quan trọng cho việc phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào.

- Các thành tựu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực mà hai nước đã đạt được trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước và trong giai đoạn hiện nay.

- Các khuôn khổ hợp tác song phương giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Chính phủ; giữa các địa phương của Việt Nam và Lào.

- Giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người; truyền thống văn hóa, lịch sử; các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Lào.

- Tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam Lào và các hoạt động trong “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022”.

2.3. Hình thức thi

Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trực tuyến hằng tuần trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng xã hội VCNet và các cơ quan báo chí phối hợp trong thời gian 12 tuần từ ngày 13/6/2022 đến ngày 05/9/2022.

3. Cách thức tham gia

- Cách 1: Truy cập vào phần mềm “Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2022 tại địa chỉ vietlao.dangcongsan.vn.

- Cách 2: Truy cập vào banner “Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2022 trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (dangcongsan.vn), mạng xã hội VCNet (vcnet.vn) hoặc các cơ quan báo chí phối hợp để vào phần mềm Cuộc thi.

Mỗi tuần, Ban Tổ chức Cuộc thi đưa ra 10 câu hỏi thi với các phương án trả lời có sẵn, trong đó có phương án đúng. Người dự thi lựa chọn phương án đúng, sau đó điền vào ô "Dự đoán số người trả lời đúng”, nhập mã xác thực và bấm vào ô "Gửi bài thi". Người dự thi cần cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin định danh cá nhân, số điện thoại, địa chỉ để Ban Tổ chức liên hệ khi đoạt giải.

Ban Tổ chức không hạn chế số lần tham gia của người dự thi, tuy nhiên chỉ công nhận 01 kết quả tốt nhất và có thời gian trả lời sớm nhất trong số các lần dự thi trong một tuần thi. Trong trường hợp một số người dự thi (từ 02 người trở lên) cùng trả lời đúng tất cả các câu hỏi thi, cùng dự đoán chính xác hoặc dự đoán gần đúng số người trả lời đúng, Ban Tổ chức sẽ căn cứ vào thời gian gửi bài thi để trao thưởng cho người có câu trả lời sớm hơn. Thời gian trả lời được tính từ khi bắt đầu cuộc thi hằng tuần (ngày, giờ, phút, giây theo đồng hồ điện tử của phần mềm chấm thi).

Thời gian thi trắc nghiệm hằng tuần: Bắt đầu từ 16h00 ngày thứ Hai hằng tuần, kết thúc vào 15h00 ngày thứ Hai của tuần tiếp theo.

Trong quá trình tham gia Cuộc thi, nếu có vướng mắc, các địa phương, đơn vị và người dự thi vui lòng liên hệ với Ban Tổ chức qua các số điện thoại sau đây để được giải đáp: 080.48459 – 0867.062968.

4. Giải thưởng

Mỗi tuần thi có các giải thưởng như sau:

- 01 giải Nhất: 3.000.000 đồng

- 02 giải Nhì: 2.000.000 đồng

- 05 giải Ba: 1.000.000 đồng

5. Công bố kết quả và trao thưởng

5.1. Công bố giải thưởng cuộc thi tuần

Các giải thưởng được công bố ngay sau khi có kết quả cuộc thi tuần (chậm nhất là 18 giờ ngày thứ Hai hằng tuần) trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng xã hội VCNet và các phương tiện thông tin đại chúng.

5.2. Trao thưởng

Ban Tổ chức sẽ trao các giải thưởng, bao gồm tiền thưởng, Giấy chứng nhận đoạt giải cho các cá nhân đoạt giải hằng tuần tại Lễ tổng kết Cuộc thi, dự kiến tổ chức trong tháng 9/2022. Trong trường hợp không thể đến dự Lễ tổng kết Cuộc thi, người đoạt giải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin về tài khoản ngân hàng, số điện thoại, địa chỉ liên hệ để Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Ban Thư ký Cuộc thi) gửi Giấy chứng nhận đoạt giải qua bưu điện và chuyển tiền giải thưởng qua tài khoản ngân hàng hoặc bưu điện sau Lễ tổng kết Cuộc thi.

Ban Tổ chức cũng dự kiến sẽ khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, triển khai Cuộc thi và những địa phương, đơn vị có số người dự thi cao nhất, có nhiều người đoạt giải…

6. Các quy định khác

Người dự thi phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân trùng khớp với giấy tờ tùy thân lên hệ thống Cuộc thi. Nghiêm cấm việc nhờ người khác thi hộ, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký tham gia thi, nếu bị phát hiện sẽ bị hủy kết quả thi.

Trong trường hợp Ban Tổ chức không liên hệ được với người đoạt giải theo thông tin cá nhân đã cung cấp lên hệ thống Cuộc thi, giải thưởng sẽ bị huỷ bỏ trước khi diễn ra Lễ tổng kết Cuộc thi.

Thí sinh có thể tham gia thi vào bất cứ thời gian nào trong khung giờ mà Ban Tổ chức thông báo. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm đối với lỗi kết nối do đường truyền mạng hoặc lỗi do thiết bị của người dự thi.

Trong thời gian diễn ra Cuộc thi, nếu có những vấn đề phát sinh ngoài quy định của Thể lệ này, Ban Tổ chức sẽ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế./.

Tin, ảnh: Kiều Giang - Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực