Phát huy tiềm năng trên cơ sở đổi mới tư duy để phát triển nông nghiệp Thủ đô

Thứ sáu, 21/04/2023 20:18
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, dư địa của phát triển nông nghiệp Hà Nội vẫn còn rất lớn và Thành phố cần phát huy tiềm năng riêng có của mình trên cơ sở đổi mới tư duy...

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị. 

Ngày 21/4, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, giai đoạn 2021 - 2025”.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU.

Hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu

Chương trình số 04-CTr/TU được Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 17/3/2021 và là một trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khoá XVII. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình số 04-CTr/TU được chuyển biến rõ rệt. Kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hoá - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ. Người dân nông thôn có đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú. Bản sắc văn hóa được giữ gìn, tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của Nhân dân được cải thiện…

Chương trình số 04-CTr/TU có 33 chỉ tiêu. Đến nay, đã có 23/33 chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành kế hoạch hoặc đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch. Cụ thể, có 8 chỉ tiêu đã vượt kế hoạch giai đoạn 2021 - 2022 và hoàn thành so với mục tiêu của Chương trình năm 2025 gồm: Tỷ lệ các xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; Tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng; Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Sản phẩm OCOP được công nhận; Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ; Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải.

Ngoài ra, có 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch giai đoạn 2021 - 2022 và dự kiến đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch giai đoạn đến năm 2025; 2 chỉ tiêu cơ bản hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021 - 2022 và dự kiến đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch giai đoạn đến năm 2025. Còn lại 3 chỉ tiêu dự kiến đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch giai đoạn đến năm 2025 gồm: Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đáng chú ý, đến nay, Thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 huyện (Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì) đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Toàn Thành phố cũng có 111 xã nông thôn mới nâng cao, 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu...

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội. 

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm 3,03%. Thành phố cũng có 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, trong đó, có 57 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 92 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm. Toàn Thành phố cũng còn 3.612 hộ nghèo, tỷ lệ 0,16% và 30.176 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,38%. Có 3 huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn mới: Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức.

Về kết quả huy động nguồn lực, qua hơn 2 năm, tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình 04-CTr/TU là 46.778 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách Thành phố là 22.129 tỷ đồng, chiếm 47,3%; nguồn ngân sách huyện là 19.951,7 tỷ đồng, chiếm 42,7%; ngân sách xã là 1.955,7 tỷ đồng, chiếm 4,2%; vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 2.741,6 tỷ đồng, chiếm 5,8%. Ngoài ra, có 9 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 469,5 tỷ đồng.

Bộ mặt nhiều vùng nông thôn của Hà Nội khang trang, sáng, xanh, sạch đẹp, cảnh quan môi trường nông thôn được quan tâm, gìn giữ. Cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư. Nếp sống văn minh được củng cố và từng bước hoàn thiện, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, từ vùng nội đô tới vùng ven đô, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình 04 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là: sản xuất nông nghiệp còn tình trạng manh mún, phân tán, chưa bền vững; sự phát triển của kết cấu hạ tầng gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tại các địa phương có khoảng cách chênh lệch khá cao; thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp và bấp bênh; môi trường sống tại một số vùng nông thôn còn ô nhiễm; văn hóa nông thôn và một số giá trị truyền thống có nguy cơ mai một...

Thành uỷ Hà Nội luôn xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn và thời gian thực hiện lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, Thành phố phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá Chương trình 04-CTr/TU đã giúp nông nghiệp, nông thôn Thủ đô ngày càng đi vào chiều sâu; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực; nông sản phát triển theo hướng tích hợp đa giá trị...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng dư địa của phát triển nông nghiệp Hà Nội vẫn còn rất lớn, và Thành phố cần khai quật tiềm năng riêng có của mình trên cơ sở đổi mới tư duy. Đặc biệt, nông nghiệp nếu được tổ chức hài hòa trong đô thị sẽ giúp tối ưu hóa chi phí vận chuyển; tăng khả năng cung cấp tại chỗ, giảm chi phí và góp phần bảo đảm tiêu dùng tại chỗ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đồng hành cùng Hà Nội kiến tạo những không gian phát triển mới mẻ hơn cho nông nghiệp, nông thôn…

Đối với mục tiêu của Chương trình số 04 giai đoạn 2023 - 2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Hà Nội cần kích hoạt đời sống cộng đồng nông thôn, nhưng không tạo xung đột giữa hiện đại và bản sắc; nâng cao năng lực cộng đồng, dần hình thành đội ngũ nông dân mới; tạo không gian rộng mở phục vụ sản xuất.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý Hà Nội cũng có thể tính đến hình thành các cụm liên kết ngành nông - công nghiệp hài hoà đầu vào - đầu ra; các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp và chuỗi ngành hàng. Thúc đẩy phát triển các mô hình “bất động sản nông nghiệp”, để vừa ở vừa sản xuất nông nghiệp quy mô gia đình, là nơi cung cấp thực phẩm và thư giãn cuối tuần để có thể trải nghiệm… Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thí điểm cơ chế đặc thù về mô hình “sàn cho thuê đất nông nghiệp”, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Hà Nội có thể liên kết các hợp tác xã, thí điểm hợp nhất để tạo ra những hợp tác xã có quy mô lớn hơn; hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Nếu có các liên hiệp hợp tác xã mạnh, Hà Nội có thể tạo ra hình thái mới cho phát triển nông nghiệp…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, các sở ngành, địa phương tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hoá vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị, bản sắc văn hoá dân tộc cao đẹp.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận Hội nghị.

Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho Nhân dân.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, Hà Nội cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có.

“Hà Nội sẽ ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng nông thôn mới giữa các địa phương, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới…” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu.

Trong quá trình phát triển, Thành phố cũng sẽ quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển các mô hình thôn xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và văn minh làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố về lâu dài. Đồng thời, bảo tồn được hồn cốt văn hóa nông thôn của Thủ đô, cũng như hình thành các vành đai xanh sinh thái, bao bọc cho vùng trung tâm Thủ đô.

Để Chương trình số 04 đi vào hiệu quả, thực chất, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Hà Nội sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các cấp, các ngành, nhằm phát hiện mô hình mới, cách làm sáng tạo, để chỉ đạo phổ biến nhân rộng; đồng thời, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế, khuyết điểm để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ.../.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực