Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự cuộc Đối thoại Delhi lần thứ 9. Ảnh: Như Bình/TTXVN
Đại diện của hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ như TATA, ONG Videsh Ltd, Phamexcil India, Wipro Ltd, Escorts Ltd, ADANI, Prime Media đã cùng tham dự.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nêu rõ với một nền kinh tế không ngừng tăng trưởng, thị trường tiêu dùng có quy mô và sức mua ngày càng lớn, hầu hết các ngành công nghiệp đều đang trên đà phát triển và đòi hỏi nguồn vốn, công nghệ lớn, Việt Nam có dư địa lớn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Ấn Độ. Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng về tự nhiên, lịch sử, kinh tế; quan hệ chính trị giữa hai nước tốt đẹp, tin cậy và đã tạo được những khuôn khổ quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Ấn Độ cần tăng cường hơn nữa sự hiện diện tại Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như hạ tầng bao gồm cả hàng không, đường sắt;năng lượng và năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao;dịch vụ, logistic;du lịch; dược phẩm; dệt may…
Đại diện các doanh nghiệp Ấn Độ khẳng định quan tâm và mong muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong các ngành và lĩnh vực Ấn Độ có tiềm lực và công nghệ như năng lượng tái tạo, dược phẩm, nông nghiệp, công nghệ thông tin, dịch vụ…;Việt Nam có nhiều tiềm năng để hợp tác kinh doanh, đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các nước trong khu vực, Chính phủ Việt Nam cần quan tâm hỗ trợ hơn nữa, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Ấn Độ làm ăn và đầu tư tại Việt Nam như cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, hải quan…
Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, khẳng định Việt Nam đang nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Ấn Độ. Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tốc độ phát triển giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 6,5 đến 7%/năm, sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, ổn định, xanh và sạch với ba động lực chính là xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa và mở rộng đầu tư. Chính phủ Việt Nam cam kết thúc đẩy cải cách, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách theo hướng nhất quán, minh bạch và có tính dự báo, đặc biệt coi trọng khu vực doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài, có các chính sách khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu cao, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nâng cao năng lực cạnh tranh theo phương châm “Chính phủ kiến tạo, hiệu quả, lấy doanh nghiệp và người dân là đối tượng phục vụ.”
* Trong thời gian thăm Ấn Độ, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại New Dehli./.