Thứ bảy, 04/11/2017 08:40 (GMT+7)
Chiều 3/11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017 Phạm Bình Minh đã tiếp Tổng Thư ký Mạng lưới lao động châu Á - Thái Bình Dương Shoya Yoshida, nhân dịp sang Việt Nam trao bản Tuyên bố của Mạng lưới lao động châu Á - Thái Bình Dương gửi tới Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC năm 2017.
Thay mặt Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tiếp nhận bản Tuyên bố và cho biết sẽ báo cáo Chủ tịch nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Tổng Thư ký
Mạng lưới lao động châu Á–Thái Bình Dương Shoya Yoshida.
Ảnh: VGP/Hải Minh
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao nỗ lực của Mạng lưới lao động châu Á - Thái Bình Dương trong việc hỗ trợ, ủng hộ người lao động ở khu vực trong bối cảnh tương lai của việc làm đang thay đổi nhanh chóng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, một trong bốn ưu tiên của Năm APEC Việt Nam 2017 là thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững. Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề được ưu tiên cao trong hợp tác năm nay do đây là vấn đề hết sức cần thiết để thúc đẩy năng suất cũng như chuẩn bị lực lượng lao động cho việc làm trong tương lai với sự phát triển nhanh của khoa học – công nghệ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong vài ngày tới, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ họp ở Đà Nẵng cùng trao đổi các biện pháp thúc đẩy động lực mới cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. Các nhà lãnh đạo định hướng hợp tác APEC thúc đẩy các vấn đề là quan tâm của người lao động hiện nay, đặc biệt là bảo đảm việc làm bền vững, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Đây cũng là một nỗ lực của APEC góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc năm 2030. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về các biện pháp thúc đẩy bao trùm tài chính, kinh tế và xã hội trong APEC. Một vấn đề được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo là tăng sự tham gia vào nền kinh tế của các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, người già, thanh niên; các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Cảm ơn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dành thời gian tiếp, ông Shoya Yoshida cho biết, Mạng lưới lao động châu Á – Thái Bình Dương đại diện cho lực lượng lao động của 19 nền kinh tế, trừ hai nền kinh tế Brunei và Papua New Guinea, so với 21 nền kinh tế thành viên APEC. Theo ông Shoya Yoshida, nếu khu vực giảm được sự không công bằng, tạo được nhiều việc làm, các nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể tạo ra được sự tăng trưởng toàn diện và bao trùm đối với khu vực. Tổng Thư ký Shoya Yoshida đã đề nghị APEC cân nhắc thành lập Diễn đàn Lao động APEC, một cơ chế tham vấn độc lập như Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC).
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ghi nhận đề nghị trên và khẳng định, các quyết định của APEC được thông qua trên cơ sở đồng thuận của các thành viên. Trong APEC hiện có Mạng lưới an sinh xã hội và lao động, thuộc Nhóm công tác phát triển nguồn nhân lực. Mạng lưới này được thành lập nhằm mục đích tăng cường thị trường lao động linh hoạt và vững chắc; nâng cao việc bảo vệ cho người lao động, trong đó có an sinh xã hội./.
Thu Phương/TTXVN