Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC 2017
phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn thể của PECC. (Ảnh: MH)
* Các đại biểu cũng đã tham dự các hoạt động cuối cùng của các ủy ban, nhóm công tác của APEC trong dịp này, gồm Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo (PPSTI), Nhóm adhoc về kinh tế mạng (AHSGIE), Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI), Nhóm bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hoá, Ủy ban chỉ đạo SOM về hợp tác kinh tế kỹ thuật (SCE) và Cơ quan hỗ trợ nghiên cứu chính sách (PSU).
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC 2017 đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn thể của PECC. Phó Thủ tướng chuyển thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam không ngừng đẩy mạnh đổi mới toàn diện, hội nhập khu vực sâu rộng và tích cực triển khai chính sách đối ngoại đa phương. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. "Tương lai của khu vực cũng là tương lai của Việt Nam".
Về quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đó là "tầm nhìn về việc xây dựng một Cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, năng động, tự cường, bao trùm, kết nối và liên kết toàn diện, tạo cơ hội và sự tham gia bình đẳng cho tất cả mọi người. Mẫu số chung của việc cùng quan tâm sẽ mở ra những cơ hội to lớn để thực hiện mục tiêu này".
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao những đóng góp của PECC đối với hợp tác và thịnh vượng của khu vực trong gần bốn thập kỷ qua, và bày tỏ mong muốn các khuyến nghị và đề xuất của Hội nghị sẽ góp phần quan trọng vào quá trình tư duy về hợp tác APEC hướng tới năm 2020 và những thập kỷ tiếp theo, và vào chủ đề bao trùm của Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
Họp báo về Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số
* Tại phiên khai mạc “Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên kỷ nguyên số", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng tham dự Đối thoại có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu các Bộ, ban, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp... Cuộc họp đã tập trung thảo luận về tương lai việc làm, thị trường lao động trong kỷ nguyên số những vấn đề đặt ra đối với các nền kinh tế APEC; vấn đề đào tạo nghề trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và an sinh xã hội.
Các đại biểu tham dự Nhóm bạn của Chủ tịch về Đô thị hóa đã lắng nghe báo cáo kết quả của Đối thoại APEC về Đô thị hóa bền vững diễn ra ngày 14/5. Cuộc họp cũng rà soát các dự án đang được triển khai và thảo luận kế hoạch hoạt động của Nhóm trong thời gian tới. Trong buổi chiều, Nhóm đã tổ chức chương trình khảo sát thực địa tại Khu đô thị ECOPARK.
Để tiếp tục chuẩn bị cho Hội nghị SOM 2, các ủy ban CTI và SCE cũng có phiên làm việc trong ngày hôm nay, lắng nghe các báo cáo của các nhóm công tác trực thuộc và thảo luận kế hoạch chiến lược và kế hoạch hoạt động của ủy ban trong thời gian tới.
Cùng ngày, các đại biểu đã tham dự cuộc họp Hội đồng Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU). Cuộc họp đã thảo luận Báo cáo năm 2016 của PSU, tiến độ triển khai các dự án nghiên cứu cũng xem xét kỹ lưỡng đánh giá giữa kỳ về hoạt động của PSU. Thành lập năm 2008, đây là cơ quan nghiên cứu, hỗ trợ các thành viên trong hoạch định các chính sách về các vấn đề liên kết và tăng trưởng kinh tế. PSU sẽ giới thiệu Báo cáo thường kỳ về các xu thế khu vực vào ngày 17/5 tới.
Nhóm AHSGIE đã có phiên làm việc cuối cùng trong khuôn khổ SOM 2, thảo luận về Lộ trình APEC về kinh tế mạng và đề ra kế hoạch hoạt động của Nhóm trong thời gian sắp tới. Còn Trung tâm nghiên cứu và công nghệ APEC (ART) hôm nay đã có các cuộc họp về nâng cao vai trò của phụ nữ APEC trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), và đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu, tinh thần kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực./.