Quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục căng thẳng
Chủ nhật, 17/09/2017 10:57 (GMT+7)
Ngày 16/9, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đại sứ Đức tại Ankara Martin Erdmann (Mác-tin Ét-man) tới trụ sở Bộ Ngoại giao để phản đối việc nhà chức trách Đức cấp phép tiến hành một cuộc tuần hành của những người ủng hộ đảng Công nhân người Kurd (PKK) tổ chức tại thành phố Köln (Cô-lô-nhơ) ở Đức.
Ngày 16/9, khoảng 3.000 người ủng hộ PKK đã tập trung ở Köln để phản đối Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã triệu Đại sứ Đức tại Ankara đến và bày tỏ sự phản ứng mạnh mẽ về việc trên. Ankara lên án việc tổ chức cuộc biểu tình ở Köln, cáo buộc sự kiện do nhóm người liên quan tổ chức khủng bố PKK thực hiện này là mở rộng việc "tuyên truyền khủng bố". Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc Đức không nỗ lực trong việc ngăn chặn các hoạt động của PKK, đồng thời hối thúc Berlin “thể hiện lập trường có nguyên tắc chống mọi hình thức khủng bố”.
Trước đó cùng ngày 16/9, khoảng 3.000 người ủng hộ PKK đã tập trung ở Köln để phản đối Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (Tay-íp Éc-đô-gan) và yêu cầu trả tự do cho Abdullah Ocalan (Áp-đu-la Ô-ca-lan), thủ lĩnh PKK đang bị giam giữ. Tuy nhiên, theo báo chí Köln, con số tham gia cuộc tuần hành lên tới 12.000 người, trong đó họ yêu cầu các quyền cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. PKK vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách khủng bố và bị cấm ở Đức.
Liên quan mối quan hệ song phương với Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken) tuyên bố sẽ hạn chế mối quan hệ kinh tế với Ankara nhằm gây sức ép để nước này trả tự do cho những công dân Đức bị bắt giam vì "lý do chính trị". Trong cuộc phỏng vấn của báo Passauer Neuen Presse, bà Merkel nêu rõ Đức sẽ tiếp tục giảm quy mô hợp tác kinh tế chung cũng như xem xét nhiều dự án với Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ giữa 2 nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này đang ngày càng trở nên căng thẳng sau các vụ bắt giữ công dân Đức thời gian gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Bộ Ngoại giao Đức, kể từ 2006 đến nay đã có 54 công dân Đức bị bắt giam ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 19 người bị bắt năm 2017. Thủ tướng Merkel từng tuyên bố xem xét lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nên chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ankara./.
Theo TTXVN