Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc có bước tiến triển vượt bậc

Thứ sáu, 23/06/2023 16:55
(ĐCSVN) - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc cùng nhất trí cho rằng, trong chặng đường hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước đã có bước tiến triển vượt bậc với những dấu mốc quan trọng, từ Đối tác toàn diện năm 2001 đến Đối tác chiến lược năm 2009 và Đối tác chiến lược toàn diện năm 2022.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chủ trì buổi Họp báo.

Sáng 23/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chủ trì Lễ đón chính thức Tổng thống Hàn Quốc và Phu nhân với các nghi lễ trọng thể nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Hai nhà lãnh đạo đã hội đàm, chứng kiến lễ ký kết và Họp báo thông báo kết quả hội đàm.

Tại Họp báo, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, hai bên đã có cuộc hội đàm rất thành công trong không khí hữu nghị, cởi mở, chân thành. Hai bên đã đi sâu trao đổi quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm và đạt nhiều nội dung quan trọng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc cùng nhất trí cho rằng, trong chặng đường hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước đã có bước tiến triển vượt bậc với những dấu mốc quan trọng, từ Đối tác toàn diện năm 2001 đến Đối tác chiến lược năm 2009 và Đối tác chiến lược toàn diện năm 2022. “Hai nước đã thực sự trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trên tinh thần Đối tác chiến lược và những gì hai bên đã trao đổi, thống nhất, Chủ tịch nước cho biết: Một số định hướng lớn thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới.

Về chính trị đối ngoại, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên giao lưu, tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, qua đó không ngừng củng cố tin cậy chính trị và làm sâu sắc quan hệ lãnh đạo cấp cao hai nước, cùng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Về quốc phòng an ninh, hai bên nhất trí nhận thức chung về việc cụ thể hóa khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực quốc phòng an ninh; thúc đẩy hợp tác thực chất, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác xử lý tội phạm xuyên quốc gia, phòng, chống khủng bố, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư, hai bên cùng nỗ lực đưa hợp tác kinh tế lên cấp độ mới sâu sắc và hiệu quả hơn; phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững.

Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như các công trình trọng điểm quốc gia và các dự án BOT xây dựng nhà máy nhiệt điện, điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, chất bán dẫn, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, đô thị thông minh; chú trọng chuyển giao công nghệ nguồn cho Việt Nam.

Về hợp tác phát triển (ODA), hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ triển khai hiệu quả các khoản hỗ trợ ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam; Hàn Quốc nhất trí tiếp tục mở rộng quy mô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, hai bên vui mừng trước việc ký kết Thỏa thuận hợp tác Quỹ xúc tiến kinh tế Hàn Quốc (EDPF) trị giá 2 tỷ USD để triển khai các dự án đầu tư phát triển có quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị của Việt Nam.

Về hợp tác lao động, hai bên hoan nghênh việc ký gia hạn Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc (EPS); nhất trí tạo điều kiện thuận lợi trong việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký cư trú và cấp phép lao động cho chuyên gia và người lao động của nước này tại nước kia.

Về hợp tác tài nguyên môi trường và khoa học công nghệ, Việt Nam và Hàn Quốc nhất trí hợp tác bảo vệ môi trường gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP 26; đồng thời hỗ trợ Việt Nam tiếp cận công nghệ lõi, công nghệ hiện đại, triển khai giai đoạn hai Dự án

Về văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân, hai bên nhất trí thúc đẩy mở rộng giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau trong các tầng lớp xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân của nhau.

Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa các địa phương hai nước thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, chương trình gặp gỡ Hàn Quốc (Meet Korea); tăng kết nối các tuyến bay mới giữa địa phương hai nước.

Về hợp tác tại các diễn đàn đa phương, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp, ủng hộ các sáng kiến, với mong muốn chung đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực; nhất trí hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có hợp tác ASEAN – Hàn Quốc, Mekong-Hàn Quốc.

Hai bên nhất trí tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN về bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Việt Nam luôn quan tâm và theo dõi sát tình hình Bán đảo Triều Tiên; sẵn sàng thúc đẩy và tham gia tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, hai bên đã trao đổi các phương án nhằm củng cố, tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước để tương xứng hơn với mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã được nâng cấp và góp phần vào sự hòa bình, thịnh vượng, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trên cơ sở những nội dung trao đổi này, hai bên đã đưa ra chương trình hành động nhằm đánh giá hợp tác hai nước và nhất trí triển khai thực chất mối quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam.

Thứ nhất, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác chiến lược trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh. Hai bên khẳng định sẽ làm sâu sắc hơn trao đổi chiến lược thông qua cơ chế hội đàm thường kỳ giữa hai bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng. Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ tích cực nâng cao năng lực an ninh, trật tự trên biển dựa trên biên bản ghi nhớ được ký lần này. Đồng thời, Hàn Quốc sẽ mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng với Việt Nam dựa trên sự tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố.

Thứ hai, hai bên nhất trí đẩy nhanh hơn nữa hợp tác kinh tế nhằm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 150 tỷ USD vào năm 2030. Hai bên cũng khẳng định nỗ lực để thương mại và đầu tư song phương có thể tiếp tục mở rộng trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Để đạt được điều này, hai bên nhất trí thực hiện hiệu quả hơn nữa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) bằng cách khai thông, vận hành hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Thứ ba, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi, nhất trí về tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong hoạt động khai thác nguồn đất hiếm phong phú tại Việt Nam và nhất trí xây dựng nền tảng hợp tác chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi bằng cách xây dựng Trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi. Ngoài ra, hai bên nhất trí tìm phương án hợp tác trong lĩnh vực đối phó với biến đổi khí hậu, đô thị thông minh, sản xuất khí hydro, phát triển điện khí LNG.

Thứ tư, hai bên nhất trí tăng cường nỗ lực nhằm thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa người dân hai nước, là nền tảng cho sự phát triển mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Chính phủ Hàn Quốc sẽ mở rộng các dự án hỗ trợ giao lưu, bao gồm dự án hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn Quốc tại Việt Nam và chương trình học bổng nhằm tăng cường giao lưu giữa các thế hệ tương lai - thế hệ sẽ dẫn dắt mối quan hệ hai nước.

Thứ năm, Chính phủ Hàn Quốc sẽ mở rộng hợp tác phát triển, hỗ trợ sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam. Chính phủ Hàn Quốc sẽ gia hạn Hiệp định tín dụng khung và mở rộng định mức hỗ trợ vốn đối với hợp tác và phát triển kinh tế từ 1,5 tỷ USD lên 2 tỷ USD trong một vài năm tới. Đồng thời, hai bên lần đầu tiên ký kết thỏa thuận hợp tác về nguồn vốn xúc tiến hợp tác kinh tế quy mô 2 tỷ USD. Từ đó sẽ hỗ trợ nguồn vốn viện trợ hoàn lại lên quy mô 4 tỷ USD vào năm 2030.

Theo Tổng thống Hàn Quốc, nước này sẽ cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại với tổng quy mô là 200 triệu USD giai đoạn 2024-2027 trong các lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, chuyển đổi số… nhất là có kế hoạch hỗ trợ những nghiên cứu chung của hai nước với quy mô 30 triệu USD trong khoảng 10 năm tới bằng các khoản viện trợ không hoàn lại của KOICA nhằm hỗ trợ nỗ lực đổi mới khoa học, công nghệ của Việt Nam.

Việt Nam là đối tác trọng tâm trong việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN của Hàn Quốc vì tự do, hòa bình và thịnh vượng. Hàn Quốc sẽ hợp tác và trao đổi chặt chẽ hơn với với Việt Nam, là đối tác trọng tâm trong việc phát triển mối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc và hợp tác Mekong-Hàn Quốc.

Hàn Quốc và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác song phương lẫn trong khuôn khổ ASEAN nhằm dẫn dắt sự phối hợp cần thiết của cộng đồng quốc tế. "Tôi xin cảm ơn sự đón tiếp trọng thị. Tôi tin rằng, thông qua chuyến thăm cấp Nhà nước này sẽ giúp phát triển và củng cố hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước", Tổng thống Yoon Suk Yeol nhấn mạnh./.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực