Quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên 3 lưu vực sông

Thứ ba, 09/01/2024 23:31
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Việc công bố các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông là căn cứ quan trọng, phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, điều hòa và khắc phục tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông; hướng tới tài nguyên nước các lưu vực sông được quản lý, bảo vệ như tài sản công và đúng với giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên 3 lưu vực sông.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: KT

 Chiều 9/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị công bố “Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đối với 3 lưu vực sông, bao gồm: Sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai.

 Bảo đảm an ninh nguồn nước trên các lưu vực sông

 Phát biểu tại Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, việc các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là khi Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, với mục tiêu tổng thể là bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước; đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm thực vật và đa dạng sinh học.

 Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, các Quy hoạch sẽ là căn cứ quan trọng, phục vụ rất đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phòng chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông, hướng tới, tài nguyên nước các lưu vực sông được quản lý, bảo vệ như tài sản công và đúng với giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên 03 lưu vực sông.

 Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, việc các Quy hoạch được công bố công khai sẽ đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, và doanh nghiệp đồng thời cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đưa ra các chương trình, kế hoạch thực hiện tốt, từ đó sẽ giúp người dân doanh nghiệp tin tưởng vào hoạt động quản lý của cơ quan có thẩm quyền, tin tưởng vào nhà nước.

 Do vậy, để bảo đảm các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai được thực hiện đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đạt được các mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị căn cứ vào những nội dung của Quy hoạch của các lưu vực sông, các đơn vị chuyên môn của Bộ TN&MT chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch và tổ chức thực hiện Quy hoạch; kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ đánh giá tình hình thực hiện và rà soát, điều chỉnh Quy hoạch theo quy định.

 Ngoài ra, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát để vừa có thể phòng ngừa những vi phạm, đồng thời có những đánh giá tổng thể và đưa ra các giải pháp để từ đó tham mưu các chính sách cho Bộ, Chính phủ chỉ đạo kịp thời đáp ứng với thực tiễn đặt ra đảm bảo lợi ích hài hoà giữa nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.

 Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí triển khai tuyên truyền các nội dung trọng tâm của Quy hoạch và là kênh thông tin phản hồi cho Bộ để các Quy hoạch được triển khai hiệu quả.

 03 Quyết định về Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông

 Tại Hội nghị, ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã giới thiệu toàn văn 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đối với 3 lưu vực sông, bao gồm: Sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: KT 

 Cụ thể là Quyết định 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2024 phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch). Phạm vi lập quy hoạch, gồm: toàn bộ diện tích lưu vực sông Hương và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng với tổng diện tích 4.648 km2 và được phân chia thành 10 tiểu vùng quy hoạch gồm: đồng bằng Bắc sông Bồ; đồng bằng Nam sông Bồ và Bắc sông Hương; thượng sông Bồ; đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận; lưu vực sông Hữu Trạch; lưu vực sông Tả Trạch; Ô Lâu và phụ cận thuộc Thừa Thiên Huế; lưu vực sông Truồi; lưu vực sông Bù Lu; lưu vực sông A Sáp.

 Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 8/1/2024 phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định nêu rõ, phạm vi lập quy hoạch gồm diện tích lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Lâm Đồng (không kể phần diện tích thuộc tỉnh Long An được đưa vào Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long) và phần diện tích các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là vùng nhận chuyển nước từ lưu vực sông Đồng Nai (sau đây gọi chung là vùng quy hoạch) và được phân chia thành 06 tiểu vùng quy hoạch, gồm: thượng lưu sông Đồng Nai; hạ lưu sông Đồng Nai; sông Sài Gòn - thượng Vàm Cỏ; sông Bé; sông La Ngà và phụ cận ven biển.

 Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 8/1/2024 phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích lưu vực sông Mã nằm trong lãnh thổ Việt Nam thuộc địa giới hành chính các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An với tổng diện tích 17.653 km2 và được phân chia thành 08 tiểu vùng quy hoạch gồm: thượng sông Mã; trung sông Mã; Nam sông Mã - Bắc sông Chu; Bắc sông Mã; lưu vực sông Bưởi; lưu vực sông Âm; thượng sông Chu; Nam sông Chu.

 Mục tiêu tổng quát nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm phủ thực vật và đa dạng sinh học./.

Khôi Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực