|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN. |
Sáng 10/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa.
* Tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa
Nhấn mạnh mục tiêu cao nhất là thể chế hóa đầy đủ Điều 182 của Luật Đất đai 2024 về đất lúa, Phó Thủ tướng yêu cầu, dự thảo Nghị định làm rõ tính khả thi, hiệu quả, sát với thực tiễn đời sống nông dân, bảo vệ và phát triển hạ tầng vùng đất lúa, bảo đảm an ninh lương thực.
Về phạm vi điều chỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung các chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp; làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư khi chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.
"Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ thực hiện trên diện tích đất trồng lúa được phép chuyển đổi cơ cấu", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung tiêu chí về diện tích vùng sản xuất với hệ thống thủy lợi chủ động tưới tiêu; liên doanh, liên kết sản xuất tập trung, quy mô lớn; ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính…
Bên cạnh đó, Cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung tiêu chí làm căn cứ cho địa phương khoanh định, công bố và báo cáo vùng chuyên trồng lúa, vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao, vùng có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, đưa ra một số quy định, nguyên tắc bảo đảm điều kiện có thể trồng lúa trở lại để địa phương quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa, đặc biệt là cây lâu năm.
Phó Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất lúa phải được quản lý chặt chẽ như dự án xây dựng (mục đích sử dụng, thiết kế kỹ thuật) được cấp thẩm quyền phê duyệt, áp dụng cho các trường hợp liên doanh, liên kết sản xuất tập trung quy mô lớn, sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại; phục vụ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ tiếp thị, giới thiệu nông sản, du lịch nông nghiệp…
Địa phương được phân cấp xem xét, quyết định xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất lúa, phù hợp với thực tiễn và hiệu quả kinh tế, tránh tình trạng "thửa ruộng nào cũng có lán, trại, kho...".
Theo dự thảo Nghị quyết, đây lần đầu tiên chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đất trồng lúa năng suất, chất lượng cao đã được luật hóa. Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ chung cho đất trồng lúa, dự thảo Nghị định cần có "gói" cơ chế, chính sách đặc thù, khác biệt cho vùng lúa có năng suất, chất lượng cao như: Cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, giống, vật tư nông nghiệp, chế biến, tiếp cận thị trường… theo hướng tăng cường liên kết sản xuất tập trung quy mô lớn, sử dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại…
"Nhà nước sẽ đầu tư trực tiếp vào những công trình hoặc hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhằm bảo đảm ổn định lâu dài cho các vùng chuyên trồng lúa, vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân… triển khai giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Mục tiêu là tăng hiệu quả, giá trị hoạt động sản xuất tại vùng lúa có năng suất, chất lượng cao trên một đơn vị đất đai" - Phó Thủ tướng thông tin, đồng thời lưu ý cần xác định tiêu chí đầu tư, nhóm đối tượng được hỗ trợ theo hướng khuyến khích liên doanh, liên kết sản xuất tập trung quy mô lớn.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về định hướng sử dụng nguồn tiền thu được từ việc chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất, tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, tập trung đầu tư cho vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp rà soát kỹ dự thảo Nghị định, trong đó có các điều khoản thi hành, điều khoản chuyển tiếp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành nói chung, các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 nói riêng; quy định đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Luật Đất đai 2024 và theo đúng phạm vi thẩm quyền của Chính phủ.
* Chuyển đổi sang nông nghiệp xanh, bền vững
|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN. |
|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: VGP/MK |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự thảo Nghị định đã phân cấp cho địa phương trong xây dựng kế hoạch, quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung khái niệm công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là lán, trại, kho để phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động, chỉ được xây dựng 1 tầng, không được xây dựng tầng hầm. Việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được thực hiện theo pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu lớn nhất của chính sách đầu tư, hỗ trợ là chuyển đổi cả nền nông nghiệp sang nông nghiệp xanh, bền vững, đời sống của nông dân ngày càng nâng cao... Các chính sách thực hiện theo nguyên tắc, người sử dụng đất trồng lúa đạt được các tiêu chí đặt ra về năng suất, chất lượng, quy mô, diện tích sản xuất, giảm phát thải...
Một số ý kiến đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ nguyên tắc có tính định hướng cho địa phương thực hiện thống nhất việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa; có căn cứ nghiên cứu khoa học đối với quy định chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm mà không làm mất đi điều kiện để trồng lúa trở lại...
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ trình tự, thủ tục hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng (doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã) canh tác tại vùng lúa có năng suất, chất lượng cao; đánh giá tác động của chính sách chi ngân sách nhà nước hỗ trợ địa phương sản xuất lúa.../.