Quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

Thứ năm, 14/09/2023 19:22
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước, trực tiếp, thường xuyên là cấp ủy chính quyền địa phương luôn quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, trong đó triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…
Các đồng chí chủ trì Hội nghị. 

Ngày 14/9, tại tỉnh Yên Bái, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ năm 2023.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Cùng tham dự có lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và hơn 60 đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn 14 tỉnh.

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ với tổng diện tích toàn vùng khoảng 116.898 km2, chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của cả nước. Toàn vùng có khoảng 14,7 triệu người chiếm 15,2% dân số cả nước, đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của 30 dân tộc như: Kinh, Thái, Mường, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Mông, La Hủ, Hà Nhì, Giáy, Cống… trong đó dân tộc Kinh chiếm 43,8%, các dân tộc thiểu số còn lại chiếm 56,2%.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định: Hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực, là diễn đàn để đồng bào DTTS được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan Trung ương về những chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nói chung và tại vùng đồng bào DTTS nói riêng, trong đó có công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Đây cũng là dịp để các địa phương được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương nói chung, trong đó có công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong thời gian tới.

Triển khai nhiều chính sách, chương trình, dự án trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Trình bày Báo cáo tình hình dân tộc, công tác dân tộc các tỉnh khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình sản xuất, đời sống của đồng bào cơ bản ổn định. Các chính sách, chương trình, dự án triển khai trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, trọng tâm là các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được các địa phương quan tâm đẩy mạnh thực hiện, phát huy hiệu quả. Nhiều hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS được quan tâm thực hiện.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng tích cực đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo; kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng; vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được giải quyết; nhiều vấn đề tiêu cực xã hội được đây lùi; chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi từng bước được cải thiện, đồng bào DTTS, miền núi đã từng bước tiếp cận những thành tựu khoa học kỹ thuật, nhiều con em người DTTS đã được đào tạo thành công nhân kỹ thuật, cán bộ khoa học, doanh nhân và nhà quản lý giỏi; tình hình chính trị, xã hội cơ bản ổn định đã góp phần giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc…

Hệ thống MTTQ và tổ chức thành viên các cấp trong vùng đã tích cực, chủ động phối hợp triển khai thực hiện công tác dân tộc, năm bắt tình hình vùng DTTS và miền núi, dự báo những vấn đề phức tạp có thể phát sinh từ cơ sở, từ đó tham mưu với cấp ủy các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo ổn định xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Nhiều nơi, MTTQ đã sáng tạo, linh hoạt đổi mới hình vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội được nâng cao về cả chất và lượng. Các hoạt động cứu trợ, xã hội, nhân đạo, từ thiện, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được hệ thống MTTQ các cấp đặc biệt coi trọng…

Các đại biểu tham dự Hội nghị. 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác giáo dục và đào tạo vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp của vùng thấp nhất cả nước; nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn còn thiếu phòng học, phòng học đã xuống cấp và quá tải, phải học 2 ca, học nhờ, học tạm. Các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu; đồng thời, việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, hạ tầng giao thông, thông tin văn hóa, xã hội còn hạn chế; tình trạng du canh, du cư, xâm canh, xâm cư phá rừng làm nương rẫy vẫn diễn ra quy mô nhỏ lẻ...

Những tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất, đời sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, giá một số loại nông sản không ổn định, khó tiêu thụ, trong khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhất là giá phân bón. Ở một số địa phương xảy ra mưa dông, lốc, mưa lớn, gió giật mạnh gây thiệt hại về vật chất và người. Thị trường lao động, trong đó nhiều lao động người DTTS thiếu việc làm trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế chung chậm lại, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số tỉnh biên giới, miền núi vẫn diễn ra các hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy, nhập cảnh trái phép, trộm cắp tài sản của nhân dân. Tại một số địa phương vẫn diễn ra hoạt động tập trung khiếu kiện đông người, nội dung khiếu kiện chủ yếu liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng…

Từ những bất cập nêu trên, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đã nhấn mạnh tới một số nguyện vọng, kiến nghị của đồng bào DTTS gửi tới Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý, Nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa việc triển khai đồng bộ, kịp thời công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện trên địa bàn, bảo đảm đời sống người dân đến nơi ở mới tốt hơn nơi cũ. Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ về nhà ở, quy hoạch dân cư vùng lũ, sạt lở theo hướng an toàn, ổn định, phát triển bền vững.

Các cơ quan chức năng cần thực hiện công tác quản lý tốt hơn nữa để bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin cũng như cơ hội việc làm cho lao động người DTTS.... Tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ.

Đại biểu đồng bào DTTS phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng nhấn mạnh, đồng bào các DTTS có nguyện vọng và kiến nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ cần có chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Có cơ chế ưu đãi, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ của đồng bào DTTS; có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ nông thôn và các loại hình chợ phù hợp để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; tập trung khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của các dân tộc để phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch "xanh", giữ gìn và tôn trọng yếu tố văn hóa vùng…

Phát huy nội lực, vượt khó, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Từ thực tế triển khai tại địa phương, đại biểu tham dự Hội nghị đại diện người uy tín trong đồng bào DTTS của 14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ đã bày tỏ sự tin tưởng vào các chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng nêu lên nhiều tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất với UBTƯ MTTQ Việt Nam và các cơ quan Trung ương về các nội dung như: mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông từ thôn bản đến xã, kéo điện lưới quốc gia tới các thôn, bản tại vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; ...

Cùng với đó, đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin; có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động người DTTS, tiếp tục quan tâm thực hiện chính sách cử tuyển cho con em DTTS; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người DTTS; khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch xanh, giữ gìn và tôn trọng yếu tố văn hóa vùng…

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước, trực tiếp, thường xuyên là cấp ủy chính quyền địa phương luôn quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi như: hạ tầng giao thông, điện, giáo dục, đào tạo, y tế... Đồng thời ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng chí mong muốn bà con luôn đoàn kết, đồng thuận, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy chính quyền địa phương, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy nội lực, vượt khó, tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị. 

Cùng với đó, bà con cần tích cực tham gia các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xóa đói giảm nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau; toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; giữ đất, giữ rừng, giữ văn hóa truyền thống, giữ hồn cốt của người DTTS; tạo mọi điều kiện cho con cháu đi học; ăn ở hợp vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống…

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng đã tiếp thu ý kiến các đại biểu phát biểu tại Hội nghị, đồng thời khẳng định sẽ phản ánh, báo cáo và trực tiếp thực hiện theo thẩm quyền, từng bước giải quyết những kiến nghị chính đáng để đáp ứng nguyện vọng, mong đợi của bà con.

 Tại Hội nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trao quà tặng người DTTS uy tín, tiêu biểu./.

Hương Diệp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực