Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp thứ 6

Thứ ba, 16/10/2018 15:38
(ĐCSVN) – Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền. Xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm.
Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: quochoi.vn)

Đây là nội dung được Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh khi báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tại phiên họp chiều 16/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, thực hiện quy định của pháp luật, ngày 20/9/2018, dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến đóng góp của các Đoàn đại biểu Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội và đề nghị của cơ quan, tổ chức hữu quan. Các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, dự kiến sẽ bổ sung các nội dung trình Quốc hội: Bầu Chủ tịch nước; Xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan (nếu cần thiết sẽ bố trí Quốc hội họp riêng); Xem xét, thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Đồng thời chưa bổ sung Báo cáo việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội  do thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết ngắn (3 tháng), nên chưa có nhiều thông tin để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Từ kỳ họp tháng 10/2019 sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo nội dung này.

Về dự án Luật Hành chính công, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, tại phiên họp trù bị, sẽ báo cáo Quốc hội về việc không tiếp tục xây dựng dự án Luật này, đồng thời sẽ gửi tài liệu của dự án Luật (nếu có, do Ban soạn thảo đề nghị) đến đại biểu Quốc hội để làm tài liệu nghiên cứu.

Về xem xét các báo cáo việc thực hiện các nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn và tiến hành chất vấn, ông đề nghị nghiên cứu có cách thức tiến hành cho phù hợp, đạt hiệu quả cao, đồng thời tạo điều kiện để nhiều đại biểu tham gia thảo luận và chất vấn (mỗi đại biểu Quốc hội chỉ nên thảo luận và nêu chất vấn trong thời gian không quá 5 phút; người trả lời chất vấn không quá 03 phút đối với chất vấn của 01 đại biểu, việc giải trình ý kiến đại biểu nêu cần ngắn gọn, súc tích, bao quát các vấn đề…).

Về dự kiến chương trình chi tiết kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội lưu ý: Quốc hội bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền. Xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm.

Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan trước ngày 13/11/2018 (thảo luận ở tổ: sáng 02/11, hội trường: chiều 5/11; thông qua: chiều 12/11).

Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào sáng ngày 25/10/2018 (không bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp như đề nghị của đại biểu). Không bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên thảo luận ở hội trường các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo.

Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 24 ngày, bế mạc vào ngày 21/11/2018.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện đặt ra để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp.

Phần lớn các nội dung trình Quốc hội đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhưng đến nay vẫn còn một số tài liệu chưa được gửi đến đại biểu Quốc hội. Riêng các nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, công tác nhân sự... được cho ý kiến tại phiên họp này, sau đó sẽ tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện để gửi đến đại biểu Quốc hội./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực