Quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị cung cấp trong việc đảm bảo điện an toàn

Thứ bảy, 26/10/2024 20:20
(ĐCSVN) - Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực; đồng thời lưu ý, đây là luật liên quan đến nhiều luật nên cần rà soát để tránh chồng chéo.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Trên cơ sở nhận diện các vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Thảo luận về dự án Luật này, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi luật nhưng trong Tờ trình vẫn chưa thể hiện được hết sự cấp bách từ thực tiễn. Theo đại biểu, trong giai đoạn từ sau khi luật Điện lực có hiệu lực, Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết và Nhà nước ban hành nhiều chính sách mới nên luật Điện lực không đáp ứng yêu cầu.

 Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 26/10. Ảnh: QH

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) cơ bản phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; có sự thống nhất với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Điện lực hiện hành, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về điện lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các ý kiến đều lưu ý, đây là luật chuyên ngành, rất khó, liên quan đến nhiều luật nên cần rà soát để tránh chồng chéo.

Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nam) đề nghị quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan bán điện trong vấn đề bảo đảm an toàn, cụ thể là cháy nổ như thế nào. Theo đại biểu Trần Quốc Hưng, phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan cung cấp điện với Nhân dân, với xã hội. Đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra xem xét thêm vấn đề này.

Đối với an toàn trong sử dụng điện cho sản xuất tại Điều 114, một số đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp điện phải tuân thủ việc bảo đảm cung cấp điện an toàn và liên tục để phục vụ sản xuất kinh doanh. Thường xuyên hướng dẫn việc sử dụng điện an toàn cũng như tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tập huấn về an toàn điện. Đồng thời, chịu trách nhiệm trong trường hợp nhà cung cấp điện không bảo đảm an toàn hoặc gây ra sự cố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, doanh nghiệp có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật…

Bổ sung quy định về tính kịp thời trong xây dựng và điều chỉnh giá điện

Thảo luận tại tổ, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, tại điều 10 quy định về phạm vi của quy hoạch phát triển điện lực và phương án phát triển nguồn, lưới điện của cấp tỉnh, có nhiều nội dung chưa được quy định rõ, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát, quy định cụ thể.

 Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại tổ chiều 26/10.

Chẳng hạn, tại điểm a, Khoản 1, Điều 10 Quy hoạch phát triển điện lực, bao gồm tổng công suất lắp đặt các nguồn điện của hệ thống. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 10 thì nguồn điện có quy mô công suất lắp đặt dưới 50 MW và lưới điện đấu nối từ 110 kV trở xuống lại chỉ thuộc Phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh mà không có trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.

“Quy định như dự thảo luật là chưa có sự đồng bộ. Vì theo quy định của Luật Quy hoạch thì quy hoạch cấp thấp phải phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy định cho đồng bộ, thống nhất”, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) góp ý, dự thảo luật cần giải thích rõ nhiều thuật ngữ mới như: carbon thấp, hệ thống điện bền vững, giá bán buôn điện bình quân, giá cố định, giá biến đổi, giá tạm thời, giá chính thức, giá điều tiết, giá điều độ vận hành…; qua đó tạo sự thống nhất về nhận thức.

Về giá điện, theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận, dự thảo luật cần bổ sung quy định về tính kịp thời trong xây dựng và điều chỉnh giá điện, vì cùng với việc tính đúng, tính đủ với lợi nhuận hợp lý trong giá điện, phải bảo đảm tính kịp thời để hạn chế tác động không tốt trong kinh doanh cho các đơn vị điện lực; bảo đảm cung cấp “tín hiệu” (thông tin) kinh tế kịp thời, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cho cả sản xuất và tiêu thụ điện; đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện phù hợp với thực tiễn…

Bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa khi thực hiện dự án điện gió ngoài khơi

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, để thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về chính sách đột phá khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi, Ban soạn thảo cân nhắc thể chế hóa và quy định rõ trong dự thảo luật về thẩm quyền của Chính phủ trong phát triển điện gió ngoài khơi; cụ thể các cơ chế ưu đãi đặc thù đối với dự án điện gió ngoài khơi cũng như cơ chế khuyến khích, ưu tiên xuất khẩu điện từ nguồn điện này; bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa trong sử dụng hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quyết định. 

Cũng theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, về lựa chọn nhà đầu tư điện gió ngoài khơi, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi điểm a, Khoản 1 Điều 42 của dự thảo “a. Dự án không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vì lý do quốc phòng, an ninh” thành “a. Để bảo đảm an ninh, quốc phòng và quyền chủ quyền, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao công ty 100% vốn nhà nước hoặc đơn vị thành viên của công ty 100% vốn nhà nước đề xuất đối tác đầu tư hoặc hợp tác với nhà đầu tư được lựa chọn theo quy định của Chính phủ”. Nếu quy định như dự thảo luật sẽ không huy động được tối đa nguồn lực từ các đơn vị thuộc tập đoàn Nhà nước.

Thảo luận tại tổ, một số đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, việc phát triển trạm sạc xe điện rất phổ biến, tuy nhiên nội dung này chưa được quy định cụ thể. Do đó, nên xem xét việc luật hóa phát triển trạm sạc xe điện là cấp thiết. Điều này không chỉ bảo vệ lợi ích của người sử dụng mà còn tạo cơ sở pháp lý để quản lý, vận hành và bảo vệ môi trường.../.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực